Chùa Bộc ở đâu Hà Nội?

Chùa Bộc có tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự, chùa Bộc tọa lạc tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Chùa nằm giữa khu vực diễn ra trận Đống Đa lịch sử năm 1789 (cách gò Đống Đa khoảng 300 mét), cạnh Núi Loa (Loa Sơn) còn gọi là núi Cây Cờ, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Chùa vốn được dựng để thờ Phật, nhưng vì chùa tọa lạc sát một chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Thanh nên chùa còn thờ cả vua Quang Trung và vong linh những người đã chết trận.

Lịch sử Chùa Bộc

Trước kia chùa Bộc có tên là Sùng Phúc, thuộc thôn Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.

Tại khu vực chùa Bộc đã diễn ra trận chiến thắng oanh liệt của Quang Trung – Nguyễn Hệ đánh tan 29 vạn quân Thanh. Chùa vốn được dựng để thờ Phật, nhưng tọa lạc trên chiến trường của nghĩa quân Tây Sơn nên chùa còn thờ cả vua Quang Trung và vong linh những người đã chết trận năm xưa.

Theo tấm bia cổ nhất tạc năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676) thì chùa này được xây dựng từ thời Hậu Lê. Bản lịch sử của chùa có ghi vào năm 1676, đời vua Lê Hy Tông, vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân xây dựng lại chùa đã bị chiến tranh tàn phá. Năm 1789, trong trận công đồn diệt quân Thanh chùa lại bị đốt cháy và phá hủy hoàn toàn. Ba năm sau (1792), nhà sư trụ trì ở chùa là Lê Đình Lượng đã quyên tiền thập phương đứng ra trùng tu, xây dựng trên nền đất cũ và đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là chùa Bộc, chữ “Bộc” được giải nghĩa là “phơi bày”. Theo sử sách để lại, năm 1789, Quang Trung hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh tan mấy chục vạn quân Thanh với chiến thắng Đống Đa lẫy lừng. Khi chiến tranh kết thúc, xác giặc ngổn ngang, la liệt khắp nơi, nhiều đến nỗi, người dân gom lại đắp thành mười mấy cái gò ở quanh khu vực. Vì nhớ đến bãi đất này xưa là chỗ giặc chết ngổn ngang nên mới gọi tên chùa là chùa Bộc. Từ đó đến nay chùa đã qua nhiều lần tu sửa thêm.

Trong chùa ngoài tấm bia tạc năm 1676, chùa còn bảo tồn được nhiều di vật quý gồm các pho tượng Phật, hai tấm bia (bia Chính Hòa thứ 7 (1686), bia niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792)) và một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), cùng một số hiện vật xung quanh gò Đống Đa như lò đúc tiền, hoành phi, câu đối có liên quan đến thời Tây Sơn.

Kiến trúc chùa Bộc

Chùa Bộc có cổng tam quan cao 8m, với hai trụ biểu có nghê ngồi trên.

Chùa Bộc ở đâu Hà Nội?

Đi vào trong sân chùa Bộc có ba nhà bia và hai ngọn tháp.

Chùa chính làm theo chữ Đinh gồm có tiền đường và hậu cung, trong hậu cung có các bức tượng Phật đặc trưng của ngôi chùa Việt.

Phía trước chùa Bộc có hồ được gọi là hồ Tắm Tượng, nơi đội hình voi của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Ngày nay, diện tích hồ bị thu nhỏ lại rất nhiều so với trước.

Xung quanh chùa có gò kéo cờ, gò đánh cồng là những dấu tích liên quan đến chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung vào ngày mùng 5 tết năm 1789.

Gần chùa có ngôi miếu nhỏ thờ cô hồn quân Thanh chết trận theo tư tưởng nhân đạo, gọi là Thanh Miếu, cũng là miếu thờ Sầm Nghi Đống. Thanh miếu do chính vua Quang Trung ra lệnh cho xây dựng. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu:

Đống Đa ghi dấu nơi đây
Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am.

Trong tòa tam bảo ngôi chùa ngoài thờ Phật, bên hữu đường có một ban thờ Đức Ông ở phía bên phải. Nhưng khác với thông thường, tượng Đức Ông ở đây không chỉ có một mà có đến 3 pho. Trong đó, tượng Đức Ông to hơn, ngồi cao hơn một bậc, ở bậc dưới có hai người ngồi. Trông toàn cảnh thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần. Đặc biệt, pho tượng Đức Ông ngồi trên bệ son lại đội mũ Xung thiên, một chân ở trong hài một chân để ở ngoài, dáng vẻ rất tự nhiên, thoải mái. Ngài mặc áo hoàng bào có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc trông rất oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của vị đế vương. Những chi tiết này là một sự khác biệt so với tượng Đức Ông phổ biến, ở các chùa thường chỉ có một pho và không mặc áo thêu rồng.

Trước năm 1945, chùa Bộc trở thành nơi khai trường thuyết pháp và đào tạo các tăng, ni khắp nơi trong nước do Hòa thượng Chính Công trụ trì. Chùa cũng là cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Nam rất có tiếng được mọi người khắp nơi biết đến.

Chùa Bộc nằm khiêm nhường bên con phố buôn bán tấp nập và sôi động, nhưng cảnh chùa nơi đây vô cùng tĩnh nặng và bình yên. Trong cuộc sống hối hả như ngày nay, người ta tìm đến chùa Bộc không chỉ để vãn cảnh chùa, hay tìm hiểu về những di vật liên quan đến trận chiến thắng Đống Đa lịch sử mà còn để thấy lòng mình thanh thản hơn và cầu sức khỏe, bình an cho người thân.

Chùa Bộc là một di tích lịch sử quý giá của dân tộc, chùa đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia ngày 13/01/1964.

Updated: 31/05/2022 — 9:22 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *