Nhiều nghi lễ rườm rà và hủ tục được xóa bỏ, nhưng một số nghi thức mang ý nghĩa tốt đẹp vẫn được giữ gìn, thực hiện qua nhiều thế hệ như lễ nâng khăn đầu (còn gọi là lễ nâng đầu), lễ cúng thần linh – tổ tiên, lễ trùm chăn,…
Đám cưới của người Mạ hiện nay thường diễn ra trong 2 ngày tại nhà gái. Ngày đầu tiên sẽ thực hiện các nghi thức truyền thống, ngày thứ hai tổ chức tiệc cưới mời khách như kiểu người Kinh. Lễ nâng khăn đầu diễn ra trong buổi sáng ngày đầu tiên. Buổi lễ được tổ chức với ý nghĩa cô dâu – chú rể tôn trọng dòng họ hai bên, từ nay trở thành người thân, ruột thịt. Sau lễ này, cô dâu – chú rể cũng sẽ đổi cách xưng hô với mọi người hai bên gia đình.
Trước đây, nếu cô dâu – chú rể gọi thẳng tên của mọi người như K’Srai, H’Bạch, H’Sen, K’Riêng… thì nay sẽ được đổi thành từ xưng hô thân tộc như bố, mẹ, anh, chị, chú, dì, cô, bác… Lễ nâng khăn đầu có các nghi thức chính gồm: tặng lễ vật nâng đầu, trao vòng cườm, ăn cơm – uống rượu mừng và chúc phúc. Để buổi lễ diễn ra suôn sẻ, mỗi bên gia đình sẽ chọn ra một người làm chứng. Người làm chứng thường có quan hệ thân tộc, hiểu biết, uy tín và nhanh nhẹn. Người làm chứng nhà gái đảm nhận công việc chuẩn bị cơm nếp, thịt heo; người làm chứng nhà trai chuẩn bị rượu, nước uống để cô dâu – chú rể mời người nhận lễ.
Trước người làm chứng và dòng họ hai bên gia đình, chú rể hay cô dâu đặt lễ vật lên đầu hoặc vai người thân cùng lời cảm ơn đã đến chung vui, từ nay xin được thay đổi cách xưng hô. Lần lượt ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác… nhà trai và nhà gái sẽ được cô dâu – chú rể tặng lễ vật. Tùy theo mức độ gần gũi, thân thiết mà lễ vật nâng đầu từ áo quần, vải truyền thống đến vòng cườm, trang sức, tiền… được chọn trao tặng. Thường thì bố, mẹ, anh chị em ruột sẽ được tặng quần, áo, vải truyền thống (thổ cẩm) của người Mạ. Sau khi đặt lễ vật lên đầu hoặc vai, chú rể hay cô dâu sẽ đeo vòng cườm vào cổ cho người thân.
Đối với người Mạ, vòng cườm không chỉ là trang sức làm đẹp mà còn có nhiều ý nghĩa về tâm linh như đem lại may mắn, xua đuổi tà ma. Tiếp đến, mỗi người thân ăn một nắm cơm nếp, uống ly rượu mừng do cô dâu – chú rể mời như nhận tấm lòng chân thành của đôi vợ chồng trẻ. Sau khi nhận lễ, người thân sẽ lấy một ít cơm nếp đặt vào lòng bàn tay cô dâu hoặc chú rể rồi nói lời chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Mọi người mong muốn từ nay có thêm một gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, giỏi giang…
Lễ nâng khăn đầu có các nghi thức đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc, kết nối các thành viên trong gia đình, dòng họ. Dù ở gần hay xa, bận nhiều công việc đi chăng nữa, họ hàng hai bên gia đình đều cố gắng thu xếp, tham dự buổi lễ nâng khăn đầu. Nghi lễ một lần nữa khẳng định sự đoàn kết, tính cộng đồng trong đời sống của người Mạ. Đó còn là dấu mốc quan trọng, xây dựng niềm tin của đôi vợ chồng trẻ cho một cuộc sống mới, trách nhiệm với bản thân, gia đình, họ hàng và cộng đồng người Mạ nơi sinh sống.