Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ “chạp” là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán. Trong văn hóa Trung Quốc xưa, lễ tế thần vào dịp cuối năm âm lịch được gọi là Lạp, do đó tháng này còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt nghĩa là tháng).
Khi nhắc tới chữ “lạp”, người ta thường nói tới việc đi “lạp mả”, thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Trong tiếng Hán, “lạp” cũng có nghĩa là lễ tất niên, nghĩa này cũng liên quan đến tập tục kể trên. Văn hóa Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng qua lại với Trung Quốc, tháng 12 cũng là tháng nhiều lễ lạt cúng bái, nên dần dần có từ “giỗ chạp”.
Tháng Chạp còn được gọi là “tháng củ mật”, một từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa xem xét, kiểm soát, như người xưa hay gọi là “củ soát”. Còn “mật” nghĩa là kín, khít, nghĩa là cẩn mật, không để lộ, để thất thoát. “Củ mật”, hiểu đơn giản nghĩa là kiểm soát cẩn thận. Cách gọi này là lời nhắc nhở lẫn nhau của người xưa rằng trong tháng cuối cùng của năm, cần hết sức thận trọng, cẩn tắc, tránh tối đa các sai sót.