Sự hình thành Hội Thánh tuân theo sự chỉ dạy của Ơn Trên và là sự hợp nhất các chi phái đạo Cao Đài trước đó tại miền Trung, cũng như sự quy hiệp của chi đạo Minh Sư. Sau đây là sơ lược vài dòng lịch sử.
I. BUỔI ĐẦU TRUYỀN ĐẠO TẠI TRUNG KỲ
Đức Cao Đài muốn truyền đạo về Trung Kỳ rất sớm, đàn cơ ngày 22/8/1926, Thầy đã dạy: “Đức – Thầy sẽ giao Trung Kỳ cho con mở Đạo” (1). Công cuộc truyền đạo ra Trung Kỳ lúc đầu do các chức sắc thực hiện nhưng không được như ý muốn do sự ngăn cấm của chính quyền bảo hộ Nam Triều (Huế) và thực dân Pháp. Đến khi những người gốc miền Trung vào Nam làm ăn sinh sống may duyên gặp Đạo, khi về lại quê hương thì đem Đạo truyền ra. Từ các chi phái đạo trong miền Nam, đạo Cao Đài được truyền về Trung Kỳ tại nhiều nơi khác nhau.
1. Huế
– Toà Thánh Tây Ninh: Vào năm 1929, Phối Sư Thái Thơ Thanh đã ra Huế để vận động mở đạo nhưng thất bại đành quay về Nam. (2)
2. Bình Định
– Toà Thánh Tây Ninh: Năm 1929, ngài Vương Quan Kỳ vốn quen thân với Tổng đốc Vương Tứ Đại nên đã đem đạo ra truyền ở Bình Định nhưng thất bại. (3) Năm 1939, các vị hướng đạo từ Tây Ninh ra hợp sức với cụ Cả Thiếp Nguyễn Hữu Hào, vốn là đạo hữu Cao Đài về Tam Quan từ trước, để truyền bá và lập nên các Thánh thất ở Tam Quan. (4)
– Cầu Kho: Các ông Lê Đại Luân, Phan Nghị vốn từ Thánh thất Cầu Kho đã đem Đạo về truyền rộng rãi ở Tam Quan vào năm Nhâm Thân (1932). Ngoài ra, các ông Dương Minh Tánh, Trần Châu, bà Hoàng Thị Lễ cũng đã đem mối Đạo từ Cầu Kho về. Quý vị này đã truyền bá rộng rãi và xây dựng được Thánh sở đầu tiên là Thánh thất Tân Định vào năm 1932 tại xã Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Sau đó hàng loạt Thánh thất ra đời như: Tăng Long, Ngọc An, Phụng Sơn, Phụng Mỹ, Mỹ Thọ, An Nghiệp, Lộ Diêu, v.v..
– Tiên Thiên: Ông Huỳnh Thanh nhập môn Cao Đài tại Thánh tịnh Đại Thanh thuộc phái Tiên Thiên vào năm Kỷ Mão (1939). Sau đó, ông đã đem đạo về truyền Đạo tại quê nhà ở Hội Vân, Phù Cát, Bình Định. Buổi đầu truyền đạo với nhiều cản ngăn, bắt bớ nhưng số tín đồ vẫn ngày một đông.
– Ngoài các chi phái kể trên còn có phái Minh Chơn Lý cũng đem đạo truyền về Bình Định.
3. Quảng Ngãi
– Toà Thánh Tây Ninh và Bến Tre: Từ trước năm 1935 đã có các chức sắc của Toà Thánh Tây Ninh và Bến Tre ra truyền đạo ra Quảng Ngãi.
– Cầu Kho: Các ông Nguyễn Tiên, Nguyễn Lưỡng, Nguyễn Khiết, Trần Hào ở Mộ Đức đem mối đạo Cầu Kho về truyền bá tại Hoài An vào năm Ất Hợi (1935) và lập Thánh thất đầu tiên là Hoài An vào năm 1936. Tiếp theo các ông Lâm Thành Công, Trần Nhiều tại Sa Huỳnh với Thánh thất Phổ Thạnh (1936), Viễn Thúy (1937).
Sau đó nhiều nhiều vị khác nữa về truyền đạo và các Thánh thất tiếp tục ra đời như: Sông Vệ, Nghĩa Lập, Bồ Đề, Trung Hòa, Nghĩa Hưng, v.v.. Mặc dầu việc truyền bá đạo Cao Đài bị ngăn cấm bởi chính quyền thời bấy giờ nhưng buổi đầu truyền đạo tại đây khá thuận tiện vì phần lớn các chánh phó tổng, hương chức, trí thức đều là người nhập môn trước tiên và đi đầu trong việc truyền đạo. (5)
4. Phú Yên
– Minh Chơn Lý: Ông Ngô Phụng Trì là người đầu tiên đem đạo Cao Đài về Phú Yên từ phái Minh Chơn Lý vào năm 1936 và lập Thánh thất Đông Phước ở Tuy Hòa.
– Tòa Thánh Tây Ninh: Ông Võ Hóa thuộc Tòa Thánh Tây Ninh đem đạo truyền về quê ở Tuy Hòa và lập Thánh thất Phước Lâm vào năm 1938 (sau đổi tên Minh Đức). Tại đây đã độ được các vị sau này là hướng đạo như: Dương Bình Tống, Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh.
– Cầu Kho: Năm 1938, các vị hướng đạo phái Cầu Kho ở Tam Quan được mời vào Phú Lộc chữa bệnh và dịp này độ được các ông: Nguyễn Nhựt Tân, Lê Chơn Nho, Võ Thượng Kính, v.v.. Sau lập nên Thánh thất Phú Lộc (sau là Minh Trung), An Nghiệp (Minh An) ở Tuy Hòa. (6) Tiếp theo có thêm các Thánh thất Định Trung (Tịnh Sơn), Gành Đỏ (Thiện Hòa).
– Sau này có thêm các Thánh thất trực thuộc Cao Đài Cứu Quốc Phú Yên như: Chí Thanh (Tịnh Quang), Vùng 2 An Ninh (Tịnh An), Vùng 5 An Ninh (Tịnh Thành) và Trung Nam.
Trong sinh hoạt, các Thánh thất ở Phú Yên vẫn liên hệ với các nguồn đạo ở miền Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1945, các cơ sở đạo ở đây không còn liên lạc với miền Nam được nữa. Các Thánh thất đã họp lại và cử hai vị Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh đại diện cho bổn đạo Cao Đài tại Phú Yên vào Nam nối liền mạch đạo nhưng không thành. Sau khi biết tin cơ đạo ở Quảng Ngãi và Quảng Nam, các vị đã trở ra liên hệ với mạch đạo ở Quảng Nam và tham gia sinh hoạt trong Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ cho đến sau này. (7)
5. Quảng Nam
– Toà Thánh Tây Ninh: Năm 1932, Giáo sư Thái Văn Gấm được Tòa Thánh Tây Ninh phái đi truyền đạo ở Quảng Nam nhưng rồi bị bắt trả về Nam. (8)
– Tiên Thiên: Vào năm 1932, có hai gia đình anh em ruột là ông Xã Xước Trần Công Trác và bà Mục Cưu Trần Thị Cải ở Điện Bàn, Quảng Nam, vào miền Nam nhập môn Cao Đài rồi đem đạo về tại quê nhà.
Một số Thánh thất kể trên thuộc các chi phái khác nhau về sau đã hợp nhất trong Cơ Quan Truyền Giáo mà sau này trở thành Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Ngoài phần truyền đạo một cách tự phát của bổn đạo là phần phổ truyền chơn đạo theo Thánh ý của Thầy và các đấng Thiêng liêng.
II. CÔNG CUỘC TRUYỀN ĐẠO VỀ TRUNG KỲ THEO THÁNH LỆNH
1. Đoàn Tứ Linh Đồng Tử: Cuối năm Quý Dậu (1933), Đức Lý Giáo Tông đã giáng dạy lập bộ phận đồng tử với pháp hiệu Tứ Linh Đồng Tử. Trong đàn cơ ngày 24 tháng 8 năm Giáp Tuất (1934) tại Thánh tịnh Đại Thanh thuộc phái Tiên Thiên ở Gò Vấp, Gia Định, Đức Thượng Đế đã dạy cho Tứ Linh Đồng Tử – Đoàn Truyền giáo trọng trách “truyền đạo Trung Kỳ” và “hoát khai Chơn đạo”. (9) Thành phần đoàn gồm có Giáo sư Trần Công Ban làm Trưởng đoàn, cùng các vị Thân Đức Giang, Thanh Long, Bạch Phụng, Kim Quy, Xích Lân, Trần Quang Châu. Đoàn đã khởi hành ngày 15/9/Giáp Tuất (1934) từ Thánh tịnh Đại Thanh về Quảng Nam.
Ở Trung Kỳ bấy giờ, việc truyền bá đạo Cao Đài rất khó khăn do sự ngăn cấm của chính quyền. Về Quảng Nam, ngoài sự hộ trì của Ơn Trên, đoàn Truyền giáo với những thanh thiếu niên nhỏ tuổi, không chức phận, danh vị ở đời nên ít bị chính quyền để ý đến. Ngoài ra còn được sự che chở của những người thân thích có chức quyền, thân hào nhân sĩ. Trong thời gian đầu, đoàn đã độ được các vị Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đán, Lê Trí Hiển. Hai Thánh sở đầu tiên của đoàn Truyền giáo ra đời ở Quảng Nam là Thanh Quang Thánh tịnh (1934) và Từ Quang Thánh thất (1935). Sau đó là sự ra đời các Thánh thất: Nam Trung Hòa, Linh Bửu, Vĩnh Quang (1936), v.v..
Mùa hè năm Bính Tý (1936), trong đàn cơ tại nhà cụ Lê Trí Hiển ở Quảng Nam, Đức Trần Hưng Đạo đã đến minh định về sứ mạng Trung Hưng của nền tân pháp Cao Đài và dạy chuẩn bị xây dựng Trung Hưng Thánh Tòa để làm cơ sở thực hiện. Để tránh sự nhầm lẫn với tên tổ chức chính trị thời bấy giờ nên quý vị hướng đạo đã xin đổi tên và Đức Trần Hưng Đạo đã đổi thành Hưng Trung Thánh Tòa.
Vào ngày 14.02.1937, tại Tòa Thánh Hậu Giang (10), Đức Cao Đài đã giáng dạy hai vị chức sắc của Hội Thánh Minh Chơn Đạo ra Trung Kỳ là ngài Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang và ngài Bảo đạo Cao Triều Phát. Hai vị đã tuân lệnh lên đường. Ngài Trần Đạo Quang gặp gỡ các đạo hữu Minh Sư, giải thích, hướng dẫn và tiếp nhận họ quy hiệp với Cao Đài. Ngài Cao Triều Phát ra Huế gặp thượng thư Bộ học Phạm Quỳnh, vốn quen biết từ trước bên Pháp, để vận động với triều đình Huế nới tay, bớt ngăn cấm, bắt bớ bổn đạo Cao Đài.
2. Sắp đặt cơ cấu tổ chức và con người cho việc truyền đạo: Tháng 7 năm Đinh Sửu (1937) tại Thánh thất Nam Trung Hòa, quý vị hướng đạo đã nghinh tiếp Thánh lệnh và Nội Luật Thánh Tòa Khai Giáo Bắc Trung do Bảo pháp Trần Thảnh Thơi chuyển từ Bát Bửu Điện trong Nam ra. Nội luật quy định việc tổ chức Cửu viện, cơ cấu điều hành giáo hội để chuẩn bị cho việc tổ chức công khai giáo hội vào năm Mậu Dần. Đêm 08 tháng 01 năm Mậu Dần (1938), tại động Huyền Không thuộc Ngũ Hành Sơn, Đức Cao Đài đã phong phẩm cho một số vị đầu tiên như: Hiệp lý: Lê Trí Hiển; Giáo sư: Nguyễn Chơn Khai; Giáo hữu: Nguyễn Như Sơ; Giáo hữu: Nguyễn Như Liên.
3. Thánh thất Trung Thành và Đại hội Long Vân Đệ Bát: Vào năm Đinh Sửu (1937), Thiêng liêng đã chuyển ngài Trần Đạo Quang ra miền Trung chủ trì, hợp sức với quý vi hướng đạo tại đây xây dựng gấp Thánh sở tạm thời thay cho Hưng Trung Thánh Tòa. Đức Lý Giáo Tông ban tên cho Thánh sở này là Trung Thành Thánh Thất. Đại lễ khánh thành diễn ra vào tháng 4 năm Mậu Dần (1938), cũng là ngày đại hội Long Vân đệ bát (11) và công khai nền Đạo ở Trung Kỳ. Liên Hòa Tổng Hội có nhiệm vụ ra để mở Đại hội Long Vân. Các Hội Thánh như Minh Chơn Đạo, Tiên Thiên tổ chức thành phái đoàn đi dự lễ.
4. Nữ Phái Liên Đoàn: Vào ngày 25 tháng 4 năm Mậu Dần (1938), tại Thánh tịnh Thanh Quang, Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã giáng cơ phong Thánh cho các vị: Lê Chơn Giác: Nữ Giáo sư; Trương Thị Ngọc Dung: Nữ Giáo hữu; Trần Thị Tuyết: Nữ Lễ sanh (12). Trong dịp này, Ban Trị sự Trung ương Nữ Phái Liên Đoàn chính thức ra đời với Chánh Hội trưởng là Bà Lê Chơn Giác; Phó Hội trưởng: Bà Lê Thị Tịnh; Chánh Thư ký: Cô Trương Thị Ngọc Dung. Tổ chức Tổng đoàn đặt tại Thánh tịnh Thanh Quang, ở Thánh thất có Chi đoàn với Ban Trị sự để hướng dẫn nữ phái. Tổ chức này ra đời với mục đích cổ xúy nữ lưu, vận động tham gia học vấn trí thức, cải tiến quan niệm về nếp sống trong gia đình và xã hội.
5. Quyền Hội Thánh Trung Kỳ: Sau khi thành lập Thánh thất Trung Thành và giới thiệu công khai nền Đạo một cách rầm rộ, số Thánh thất tăng lên với bổn đạo đã đến mấy ngàn người. Do đó cần phải có một tổ chức lãnh đạo hướng dẫn việc tu học nên Thánh ý mới dạy tạm thành lập Quyền Hội Thánh Trung Kỳ. Thành phần lãnh đạo là Ban Hướng đạo và Ban Cửu viện, do Đức Trần Hưng Đạo làm Tổng lý Vô vi. Đầu năm Kỷ Mão (1939), các Đại tiểu hội vạn linh đã được tổ chức để mừng năm năm truyền đạo Trung Kỳ, cổ động Nông viện và chào mừng Quyền Hội Thánh Trung Kỳ ra đời.
III. SỰ HỢP NHẤT CỦA CƠ ĐẠO TẠI TRUNG KỲ
1. Tình hình chung của cơ đạo tại Trung Kỳ
Việc bắt bớ, tù đày: Sau các tiểu hội vạn linh vào đầu năm Kỷ Mão (1939), các vị hướng đạo bị phạt tù treo, các Thánh thất bị đóng cửa, chương trình Nông viện bị hủy bỏ. Ngoài ra, từ năm 1939 đến 1942, đạo hữu Cao Đài bị ghép cho là thân Nhật, Đức. Thực dân Pháp đã thực hiện chính sách triệt để ngăn cấm, đàn áp tôn giáo. Các Thánh thất, Thiên bàn dần dần bị đóng cửa; chức sắc chức việc, đạo tâm bị giam giữ. Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 09.3.1945, các vị hướng đạo bị lưu đày tại các trại an trí, chức việc và đạo tâm bị giam giữ đều lần lượt ai về chỗ nấy. Khắp nơi tổ chức lễ Đại Đạo phục hưng đón mừng ngày đoàn tụ của toàn đạo. Ngài Huỳnh Ngọc Trác cùng một số vị đi dự lễ và dàn xếp một số vụ việc ở Quảng Ngãi. Sau khi dự lễ Đại Đạo phục hưng ở các Thánh thất Sông Vệ, Mỹ Long, v.v., đến ngày 10 tháng 7 năm Ất Dậu (1945), ngài cùng một số đạo tâm thọ nạn tại Quảng Ngãi.
Tiếp xúc Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: Do sự việc xảy ra tại miền Trung vào năm 1945 đối với bổn đạo Cao Đài nên vào tháng 4 năm 1946, một đoàn đại biểu gồm quý vị Lương Vĩnh Thuật, Trần Quốc Luyện, Huỳnh Thanh đại diện cho bổn đạo Cao Đài các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã đi Hà Nội. Các vị đã đến Thánh thất Minh Khai gặp Phối sư Phùng Văn Thới, Ngoại viện trưởng của Hội Thánh Bến Tre, để cùng phối hợp với danh nghĩa Cao Đài Trung Bắc Bộ đến gặp chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sau việc gặp gỡ với chính phủ này, tình hình đạo sự ở miền Trung được cải thiện hơn trước, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo được sáng tỏ, việc gặp gỡ thăm viếng giữa các tỉnh có phần dễ dàng hơn.
2. Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bắc Bộ: Sau khi tiếp xúc với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, các vị hướng đạo hai miền Trung và Bắc đã đi đến thống nhất thành lập Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bắc Bộ để có danh nghĩa chung giao tiếp với chính phủ, các đoàn thể và tôn giáo, với Chủ tịch là Phối sư Phùng Văn Thới, Phó Chủ tịch là Giáo sư Nguyễn Quang Châu. Trụ sở phía Bắc đặt tại Thánh thất Minh Khai, Hà Nội; trụ sở miền Trung đặt tại Thánh thất Trung Thành. Sau thời gian giao tiếp với chính quyền, Quốc hội đã có Quốc thư số 30/QH ngày 07.11.1946 do Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký, gởi cho Phối sư Phùng Văn Thới, nội dung nhìn nhận tinh thần ái quốc và công nhận quyền tự do tín ngưỡng của đạo Cao Đài.
3. Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ: Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, do phải tản cư về vùng quê nên khó bề liên lạc, cơ đạo miền Trung lâm vào hoàn cảnh cô độc. Trước mất liên lạc với Cao Đài ở Nam bộ, nay lại không liên lạc được với Cơ Quan Truyền Giáo ở Bắc bộ. Do đó, ngày 09 tháng 01 năm Mậu Tý (1948), tại Thánh thất Trung An, An Tráng, Quảng Nam; Đại hội với thành phần là đại diện bổn đạo Cao Đài các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã thống nhất tên gọi tên cơ đạo miền Trung là Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ do ngài Hiệp lý Trần Nguyên Chất làm Hội trưởng.
IV. THÀNH LẬP HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI
1. Chỉnh Cơ Lập Pháp: Để chuẩn bị cho việc hình thành quyền pháp của một giáo hội, Ơn Trên đã dạy về chỉnh cơ lập pháp bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm Nhâm Thìn (1952) (13). Trong năm 1952, các làng duyên hải miền Trung bị quân Pháp đốt phá, thiêu huỷ nhà cửa. Hạn hán mất mùa xảy ra làm cho đạo hữu thêm khôn đốn. Nhưng tình đồng đạo, tương thân giúp đỡ lẫn nhau ngày càng phát triển. (14)
2. Tái lập Cơ Quan Truyền Giáo: Thể theo nguyện vọng của toàn đạo, ngày 28.9.1953, 20 vị đại diện các tỉnh đạo đã về Sài Gòn họp cùng các vị Trần Văn Quế, Lương Vĩnh Thuật, Trần Quang Châu, Trần Luyện tái lập Cơ Quan Truyền Giáo (15) do ngài Trần Văn Quế làm Hội trưởng, trụ sở đặt tạm tại Thánh thất Từ Vân (Sài Gòn). Tạp chí Nhân Sinh (16) của Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài ra số đầu tiên vào ngày 15/9/1954, để phổ truyền giáo lý đạo và kêu gọi sự hợp nhất giữa các chi phái đạo. Sau đó phái đoàn của Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài gồm các vị Trần Văn Quế, Lương Vĩnh Thuật, Trần Quốc Luyện đã tham dự Hội nghị Tôn giáo Thế giới, khai mạc ngày 01/8/1955 tại Tokyo, Nhật Bản. (17)
3. Thành lập Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài: Cơ đạo miền Trung theo ý nguyện của các hướng đạo với chủ trương không chi phái, không lập Hội Thánh, chờ ngày thống nhất giáo hội, nhưng đến lúc này cơ đạo đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với 50 Thánh thất với hơn 6 vạn tín đồ (18) nên cần có một Hội Thánh để lãnh đạo tinh thần và giáo hóa bổn đạo. Do những điều kiện lịch sử như vậy nên Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã chính thức thành lập vào ngày 01/6/Bính Thân (1956), nhân dịp khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng, do đạo trưởng Phối sư Trần Văn Quế làm Chủ trưởng. (19)
Trong thời kỳ Chỉnh Cơ Lập Pháp này, Ơn Trên đã chỉ dạy cho Hội Thánh thực thi sứ mạng Trung Hưng với phần Tướng pháp gồm Ba phái Bốn Cơ quan hành chánh trị đạo, phần Bí pháp với Tứ bửu pháp, phần Tâm pháp với bốn tầng bậc công phu tu châu. Hội Thánh thực hiện đường lối hành đạo tịnh luyện đi đôi, công truyền tâm pháp đồng tu.
4. Khai Cơ Giáo Pháp: Tiếp nối giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp, đến ngày 15 tháng 6 năm Đinh Dậu (1957), Đức Ngọc Đế Cao Đài đã giáng cơ ra lệnh Khai Cơ Giáo Pháp (20). Đây là giai đoạn Hội Thánh và toàn đạo học tu và hành đạo theo lời của Ơn Trên dạy trước đó. Hội Thánh đã đào tạo con người, hoàn thiện tổ chức, tạo lập hàng loạt cơ sở vật chất khắp nơi để phát triển giáo hội. Vào ngày 01 tháng 6 năm Giáp Thìn (1964), Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn được thành lập nhằm hướng dẫn thanh thiếu niên trong giáo hội. Cũng theo lời Ơn Trên dạy, sau giai đoạn Khai Cơ Giáo Pháp là giai đoạn Khai Cơ Thành Đạo.
5. Đại hội Nhân sinh: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Thánh Truyền Giáo, vào ngày 01 tháng 6 năm Bính Tý (1996), Hội Thánh đã tổ chức Đại hội Nhân sinh toàn Hội Thánh tại Trung Hưng Bửu Tòa. Đại hội đã thông qua bản Đạo Quy, trong đó quy định đường lối và tổ chức hành đạo của Hội Thánh, thành phần và cơ cấu chức sắc lãnh đạo Hội Thánh. (21) Tiếp theo là Đại hội Nhân sinh lần hai vào ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ (2001) (22), Đại hội Nhân sinh lần ba vào ngày 29 tháng 5 đến 01 tháng 6 năm Bính Tuất (2006) cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Thánh Truyền Giáo.
Đại hội Nhân sinh lần bốn vào ngày 04 đến ngày 05 tháng 6 năm Tân Mão (2011) để tổng kết thành quả tu học của Hội Thánh trong 5 năm qua và đề ra chương trình tiến hành trong năm 2011-2016. Nhân sự lãnh đạo trong giai đoạn này có Ban Thường trực Hội Thánh với Trưởng ban là Phối sư Thượng Hậu Thanh, Phó ban là Thừa sử Nguyễn Thanh Giang.
Trong thời gian qua, toàn Hội Thánh đã đạt được nhiều thành quả trong tu học và hành đạo. Tính đến tháng 4 năm Quý Tỵ (2013), Hội Thánh có 75 Họ Đạo và Cơ sở đạo, 06 Nhà tu phân bố trên 16 tỉnh thành, có 04 chức sắc Đại diện Hội Thánh tại các tỉnh thành. Về hành chánh đạo có 75 Ban Cai quản, 282 Ban Trị sự. Tổng số 47.114 tín đồ, với 365 chức sắc, 2453 chức việc. (23)
Tóm lại, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài được thành lập vào năm 1956 từ bổn đạo cao Đài của nhiều chi phái khác nhau ở miền Trung hợp lại và cũng do sự hướng dẫn của Ơn Trên. Cơ đạo đã phát triển qua các giai đoạn khác nhau với nhiều cam go, thử thách, hy sinh của toàn đạo và đã gặt hái được kết quả tốt đẹp. Hội Thánh được Ơn Trên ban trao quyền pháp để tổ chức giáo hội, giáo hoá nhân sinh, góp phần hoàn thành sứ mạng Trung Hưng trong kỳ ba tận độ của Đức Chí Tôn. (24)
Trương Bửu Phiệt
Nguồn: thanhthatcaodai.org
__________________________
Chú thích:
(1) Toà Thánh Tây Ninh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển thứ nhứt, 1964, trang 40.
(2) Thanh Long, Vài Nét Đại Cương Lịch Sử Đạo Cao Đài Buổi Đầu Và Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Bản đánh máy chữ, Sài Gòn, 1972, tr. 6.
(3) Thanh Long, Vài Nét Đại Cương Lịch Sử Đạo Cao Đài… Sách đã dẫn (Sđd), tr. 6.
(4) Trần Hoài Thanh, Thời Kỳ Đầu Truyền Đạo ở Tam Quan. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (HTTGCĐ), Cơ Quan Phổ Tế, Tài Liệu Sinh Hoạt Và Tu Học. Đà Nẵng, tháng 6 năm ĐĐ. 69, tr. 38-42.
(5) Trần Trung Nghĩa, Quá Trình Truyền Đạo Quảng Ngãi. HTTGCĐ, Cơ Quan Phổ Tế, Tài Liệu Sinh Hoạt Và Tu Học. Sđd, tr. 34-37.
(6) Huyền Trân, Khái Lược Về Đạo Cao Đài. Bà Rịa-Vũng Tàu, 1997, tr. 16.
(7) Vân Vi, Về Chung Một Mối. HTTGCĐ, Cơ Quan Phổ Tế, Tài Liệu Sinh Hoạt Và Tu Học. Sđd, tr. 25-27.
(8) Thanh Long, Vài Nét Đại Cương Lịch Sử Đạo Cao Đài…. Sđd, tr. 6.
(9) Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật. NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 137.
(10) Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật. Sđd, trang 255.
(11) Đây là một trong 12 Hội Long Vân do Liên Hòa Tổng Hội tổ chức để vận động thống nhất giáo hội.
(12) HTTGCĐ, Thánh Truyền Trung Hưng. Tập I, bài 20.
(13) Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy ngày 15/5/Đinh Dậu (1957). HTTGCĐ, Thánh Truyền Trung Hưng. Tập III, bài 12.
(14) HTTGCĐ, Lược Sử Đạo Cao Đài. Đà Nẵng, 1956, tr. 30.
(15) HTTGCĐ, Lược Sử Đạo Cao Đài. Sđd, tr. 31.
(16) Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài, Nguyệt san Nhân Sinh. Sài Gòn, Số 1, 15.9.1954.
(17) HTTGCĐ, Trung Hưng – Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập HTTGCĐ. NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 45.
(18) HTTGCĐ, Lược Sử Đạo Cao Đài. Sđd, tr. 33.
(19) HTTGCĐ, Lịch Sử Truyền Đạo Trung Kỳ. Bản đánh máy vi tính, 4/1988, tr. 36.
(20) HTTGCĐ, Thánh Truyền Trung Hưng. Tập III, bài 16.
(21) HTTGCĐ, Kỷ Yếu Đại Hội Nhân Sinh 1-6 Bính Tý (15.7.1996). NXB Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 11-20.
(22) HTTGCĐ, Kỷ yếu Đại Hội Nhân Sinh Lần Thứ 2. 1/6 Tân Tỵ, 21.7.2001.
(23) HTTGCĐ, Cơ Quan Phổ Tế, Tập san Sống Đạo. Số 17, Quý Tỵ, 2013, tr. 19.
(24) Theo tài liệu về Hội Thánh Truyền Giáo của Trương Bửu Phiệt (tháng 3 năm 2014)