Ngẫm những lời Phật dạy về duyên nợ, càng thêm biết an yên với cuộc sống, bằng lòng với hiện tại và trân quý những khoảnh khắc gặp gỡ trong đời.
Nhiều người nghĩ rằng, những lời Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu gói gọn trong nhân duyên tình yêu, nhân duyên vợ chồng. Tuy nhiên, mở rộng ra, đó còn là duyên nợ con cái, là bất kỳ cuộc gặp gỡ nào trong đời mỗi chúng ta. Đúng với câu: Người ta gặp trong cuộc đời ắt phải là người ta phải gặp, tại thời điểm đó, tại hoàn cảnh đó. Đó là nhân duyên đã được định hình từ kiếp trước mà thành.
Thế gian thấm nhuần lời Phật dạy về duyên nợ, vẫn tin rằng có nợ mới có duyên. Đúng vậy, nợ là khởi nguồn của duyên, duyên là khởi đầu để tạo nên nợ. Vòng luân hồi cũng từ đó mà thành. Duyên của thế gian đến từ nợ của kiếp trước, và nợ của kiếp này dẫn đến duyên của kiếp sau là vậy.
Duyên nợ, tình yêu, vợ chồng trong Đạo Phật:
– Người vợ ở kiếp này là người bạn ở kiếp trước, đến để trả ơn cho bạn
– Đứa con trai ở kiếp này là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, đến đây để đòi lại món nợ mà bạn vẫn chưa trả được
– Đứa con gái ở kiếp này là người tình ở kiếp trước của bạn, vì tình duyên chưa dứt mà đến để nối tiếp sợi chỉ tình.
– Người tình kiếp này là vợ chồng của kiếp trước, tới đây để nối tiếp phần duyên phận còn chưa dứt được.
– Tri kỷ kiếp này là anh em của kiếp trước, đến để nối tiếp những tâm sự còn dở dang.
– Người giàu của kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, thường ban phát bố thí, cúng dường, đến để nhận phần công đức đã phát ra ở kiếp trước.
Lý giải về duyên nợ tình yêu và vợ chồng
Duyên nợ ở đời, không chỉ là sự mê tín. Nó là nhân quả, là báo ứng cho những việc làm của kiếp trước mà ra. Tuy nhiên, nói thế không phải khẳng định rằng, mọi thứ trên đời đều là nhân duyên. Nó còn là sự lựa chọn. Hiểu đúng điều này thì mới tinh tấn được những lời Phật dạy duyên nợ, không làm nó sai lệch ý nghĩa đi và đổ cho mọi thứ đã hết duyên.
Ví dụ như, trong tình yêu. Hai người yêu nhau say đắm, nhưng một người vì tiền tài sẵn sàng chạy theo một người thứ ba. Phật nói đã hết duyên, người đời nói tham danh vọng. Thực chất, cái duyên mà Phật đề cập đến chính là bởi người này đã khởi tạo cho mình một chữ nợ mới, để rồi kiếp sau phải chấp nhận cảnh người khác phụ mình. Nói đúng hơn là đã tạo nghiệp, và chính mình không thể thoát khỏi cái nghiệp đó trong vòng luân hồi.
Nói thế để thấy rằng, gặp gỡ nhau là duyên, yêu và gắn kết với nhau là nợ. Nhưng chữ nợ đó tự mỗi người cần phải biết trân quý và nâng niu, phải biết bồi đắp cho duyên lành gặp gỡ. Là người con Phật, cần phải biết tu tập để lấy tâm từ bi mà hóa giải nghiệp chướng, phải sáng suốt để nhìn được đâu là nhân nghĩa đạo lý ở đời. Đừng dùng chữ nợ chữ duyên để đổ lỗi cho những việc làm sai trái của mình. Nhân duyên trăm năm, sai trong một phút, quay đầu nhìn lại, tất cả đã thành không. Bởi vậy, cội nguồn của tình yêu không chỉ là duyên nợ, mà nó nằm sâu trong mỗi chúng ta.
Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối. Nếu chữ duyên đã định, thì hãy dùng chính bản thân mình để mọi thứ đừng trở thành hư vô. Nhược bằng lòng đã cố gắng mà vẫn không giữ được, thì hãy thanh thản cho gió cuốn trôi, nhủ lòng đã hết duyên để nhẹ lòng. Vạn pháp do duyên, vạn sự tùy duyên. Cùng tu tập và tìm đến cái Duyên với Phật pháp nhiệm màu, hiểu đúng những lời Phật dạy về duyên nợ, cũng là một cách để cứu rỗi linh hồn trong cõi ta bà hỗn loạn này.