Cụ thể ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại sẽ tổ chức vào ngày 20, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại vào ngày 23 tháng 4 Âm lịch, còn xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri và xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, sẽ cùng tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 6 Âm lịch.
Vào ngày 18/7/2016, Lễ hội Nghinh Ông của xã Bình Thắng, huyện Bình Đại đã vinh dự được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Điểm nhấn của lễ hội này, dưới ánh nhìn của một du khách hay một “phượt thủ” thích xách ba lô đi khắp nơi, chính là không khí nhộn nhịp kể cả trước ngày vào hội và màu sắc rực rỡ của đèn hoa trên các con thuyền đánh cá được trang trí tỉ mỉ để chuẩn bị cho Lễ Nghinh Ông sắp diễn ra.
Lễ Nghinh Ông thường có 3 nghi lễ chính: đầu tiên là túc yết, tiếp đến là nghinh ông, và thứ ba sẽ là nghi thức tế tiền hiền và hậu hiền, thứ tư là lễ chánh tế và xây chầu đại bội (đây là phần nghi thức không cố định, tùy thuộc vào từng địa phương). Túc Yết là nghi thức diễn ra tại lăng thờ, với ông chánh bái và phó chánh bái khấn tế, mục đích là để cầu an. Các lá sớ cầu an này sẽ được đem đốt vào cuối buổi lễ.
Sáng hôm sau sẽ là nghi thức Nghinh Ông, thường được xem là chính lễ với nghi thức đoàn thuyền dong buồm ra khơi nghinh Ông. Đoàn nghênh đón gồm có chánh bái, phó chánh bái, theo sau là 4 học trò lễ, 4 đào thài, 8 người mang bát bửu, chấp kích, một người vác cờ có chữ Nam Hải, bốn người khiêng long đình, hai người cầm lọng, một người vác cờ lớn, cùng với phường bát âm. Những người này sẽ ngồi trên một chiếc ghe riêng, gọi là ghe lễ. Theo sau sẽ là hàng trăm ghe thuyền của các ngư dân trong vạn lạch.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, tôn kính và thành tâm nhưng vẫn tràn ngập sự háo hức, phấn khởi, tươi vui của ngư dân, người sở tại và cả du khách khắp nơi đổ về. Có cả các ghe chở đoàn múa lân, không gian rực lên một màu tươi vui với cờ hoa, các vật dụng trang trí và các chùm vải ngũ sắc được buộc dây theo các thuyền.
Tùy vào địa phương vào tùy từng năm sẽ có mời đoàn hát bội về xây chầu. Mọi người sau khi cúng bái xong sẽ ngồi xem hát bội ở ngay nhà võ ca. Các đào thài hát, múa cho người dân xem, nhưng cũng mang ý nghĩa hát cho ông Nam Hải vui lòng.
Trên đây chỉ là những nét chính và độc đáo nhất của Lễ Nghinh Ông để các bạn có thể dễ dàng hình dung và cảm nhận. Để hòa vào không khí lễ hội và tận hưởng hoàn toàn nó thì hãy sắp xếp đến Bến Tre vào ngay mùa hè này các bạn nhé.