Ðức tin và văn hóa

Trong cuộc sống, có những lãnh vực, chúng ta ít đề cập tới, chẳng hạn người ta thường gọi: “Khoa học huyền bí”. Ví dụ, “Khoa Phong thủy”[1] có người cho là mê tín dị đoan.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu tổng quan về khoa này, tôi tạm kết luận: “Phong thủy là  khoa học huyền bí, diễn tả mối tương quan hài hòa, giữa “Trời, đất và con người”. “Hài hòa” là quy luật của thiên nhiên. “Cân bằng”  là hoa trái của Thánh Thần. Thánh Thần điều khiển con người và môi trường bằng quy luật khách quan. Con người khám phá ra quy luật và áp dụng vào cuộc sống, diễn tả qua: “Phong thủy”. Hầu hết kiến trúc sư đều lưu ý và đưa yếu tố phong thủy vào các công trình xây dựng, từ nhà cửa cho tới các cung điện, nơi thờ tự, công ty, hãng, xí nghiệp. Tục ngữ ca dao đúc kết: “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”; “Xây nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”[2]. Kinh nghiệm, hướng Nam đem lại hài hòa cho cuộc sống, nhiều thuận lợi. Vậy, văn hóa diễn tả Ðức tin; Ðức tin thể hiện qua văn hóa. Chúng đối nghịch hay hài hòa?

Sau đây là một chút chia sẻ mục vụ về: “Ðức tin và Văn hóa”.

Văn là vẻ đẹp, hóa là trở thành đẹp; dùng cái đẹp để giáo hóa; giáo hóa trở thành người đẹp, giá trị. Người có văn hóa, không chỉ là người có trình độ, có bằng cấp, nhưng là người luôn thao thức, truy tìm “Chân, Thiện, Mỹ” không ngưng nghỉ. Tâm hồn luôn mong ước, khao khát mỗi ngày đẹp hơn, tốt hơn, đúng hơn, cao hơn, xa hơn, lớn hơn, nhanh hơn, và còn hơn, hơn mãi và luôn mãi. Văn hóa là tất cả các năng khiếu, trí thức và lao động của tâm hồn và thể xác, làm cho đời sống trở thành nhân đạo hơn, hầu giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn[3]. Ðơn giản và dễ hiểu nhất: “Văn hóa là tình yêu thương”[4]. Thiên Chúa là tình yêu[5]. Yêu thương là đẹp nhất: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Người có văn hóa là người yêu thương: “Chỉ ước muốn và làm điều tốt cho mọi người, mọi chúng sinh”. Bất kể người đó là ai, yêu, thích, mến hay là kẻ thù mình. Người văn hóa là người biến thù thành bạn. Người có văn hóa của Phúc Âm, sống tình huynh đệ, không có kẻ thù!

Tin là gì? Tin là chấp nhận một Ðấng vô hình mặc dầu không nhìn thấy, nhưng không vô lý. Ví dụ: Tin có “Ông Trời; tin có Ðấng Tạo Hóa”; tin vào thế giới “Thần linh”, vô hình.

Ðức tin Thiên Chúa giáo là tin có Thiên Chúa hằng sống và qua Chúa Giêsu đang sống.

Ðức: Phong cách thể hiện lòng tin.  Ví dụ, “Trời có mắt, có tai”, Trời ghé mắt, lắng tai!, “Lưới Trời thưa mà khó lọt”;  Ðấng Tạo hóa có luật “Nhân quả, công bằng, cân bằng”. Tân Ước diễn tả: “Khi cầu nguyện, ăn chay, làm phúc, Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn và Ngài sẽ trả công bội hậu cho chúng ta”[6]. Cựu Ước cho biết: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa”[7]. Nên, phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa[8]. Môi trường cũng được Ðấng Tạo Hóa dựng nên hoàn hảo và trao cho con người trách nhiệm trông coi, cai quản tốt những tài nguyên thiên nhiên[9]. Nên, phải biết môi trường nếu muốn biết con người. Con người là vũ trụ thu nhỏ. Con người và môi trường là thể hiện công trình của Ðấng Tạo Hóa. Con người và môi trường là phong cách thể hiện lòng tin, diễn tả đức tin. Tin Trời, thì con người và môi trường phải thể hiện Ngài. Do đó, Ðức tin và văn hóa có mối tương quan hài hòa với nhau. Ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống với hai biểu tượng: “Lửa và gió”[10]. Chúa Giêsu trước khi giảng đạo, thì “Ngài đã lãnh nhận phép rửa bằng nước và Thánh Thần, tại sông Giođan”[11]. “Lửa, gió, nước”, những biểu tượng diễn tả tương quan hài hòa.

Ðức tin và văn hóa

Theo giáo lý: “Ðức tin là nhân đức siêu nhiên, do hồng ân Thiên Chúa ban, giúp ta vững lòng tin tưởng phó thác và chấp nhận những điều Chúa dạy qua Hội Thánh truyền lại[12]”. Lòng tin vào Ông Trời, Ðấng Tạo Hóa. Ðức Tin là tin Thiên Chúa. Văn hóa là con người và môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Ðức tin, không thể đi ngược và đối lập với văn hóa, cụ thể với tri thức khoa học. Ngược lại, những giá trị văn hóa khoa học giúp chinh phục tâm trí con người, mở rộng chân trời tư tưởng cho chúng ta, nó là con đường hướng đến chân lý toàn vẹn, dẫn dắt cho một sự phát triển đích thực. Hơn thế, Kitô giáo, còn là khuôn khổ của trí thức khoa học. Do đó, “Ðức tin là men của văn hóa và là ánh sáng cho trí tuệ”[13].

Ðào luyện

Bằng cách nào để thông điệp của Giáo hội có thể đến được với những nền văn hóa mới? Và làm thế nào để Giáo hội Chúa Kitô được thời đại thấu hiểu. Thời mà nhân loại rất tự hào về những thành tựu của mình”[14]. Ðể làm được điều này, Giáo hội chuyển trao Tin Mừng và những giá trị Tin Mừng bằng ngôn ngữ và văn hóa của con người thời nay. Ðó là sự “Chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đáng mến, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh, đáng khen,”[15]. Ðiều này, bao hàm loại bỏ những gì là nguồn gốc của tội lỗi và hậu quả của tội trong các nền văn hóa, và thu nhận những giá trị tốt trong các nền văn hóa và làm cho chúng trở nên mới mẻ. Nhờ hội nhập văn hóa, Giáo hội trở nên dấu hiệu dễ nhận biết hơn, và là một công cụ hiệu quả hơn cho việc truyền giáo”[16], và thâm nhập một cách sống động vào các nền văn hóa, vượt qua những yếu tố văn hóa không dung hợp với đức tin và đời sống Kitô hữu, nâng cao giá trị của các nền văn hóa đến mầu nhiệm cứu độ là Ðức Kitô”[17]. Công đồng Vatican II nhấn mạnh: “Một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại”[18], vừa là cơ hội vừa là thách đố mục vụ với các nền văn hóa. Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc lại: “Sự thích ứng với các nền văn hóa đòi hỏi một sự hoán cải nội tâm[19]. Giáo hội đã truyền giáo cho nền văn hóa nông thôn qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, Giáo hội đảm nhận loan báo Tin Mừng cho vùng đô thị”[20]. Phúc âm hóa với nền văn hóa “Truyền thông”. Ðây là một vấn đề phức tạp, vì cách truyền đạt mới, với ngôn từ mới, với kỹ thuật mới và với một thứ tâm lý mới[21]. Ảnh hưởng của truyền thông là không có giới hạn, các Kitô hữu được mời gọi trở nên sáng tạo và đổi mới, để có thể tiếp cận với hàng trăm ngàn người đang dành một lượng lớn thời gian mỗi ngày để xem truyền hình hoặc nghe chương trình phát thanh. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gợi mở “Liệu rằng vẫn còn một chỗ cho Chúa Kitô ở trong truyền thông truyền thống”? Sự đổi mới đáng kinh ngạc, nhất của công nghệ truyền thông, không chút nghi ngờ nào, đó chính là Internet, khả năng rộng lớn của Internet có thể trở nên vô cùng hữu ích cho việc loan báo Tin Mừng. Một “biên cương mới của sứ mạng của Giáo hội”[22].

Kết luận

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”[23]. Công đồng Vatican II: “Mục vụ các nền văn hóa, giúp Giáo hội hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Với sức mạnh Lời Chúa, với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần [24] đang giúp  nhân loại tạo nên một nền nhân bản mới trên thế giới.  Hầu các nền văn hóa được biến đổi nhờ Chúa Kitô, Ðấng đã trở nên con người để con người trở nên con Thiên Chúa, phục hồi hình ảnh của Ðấng Tạo hóa nơi con người và mặc lấy con người mới  trong môi trường đổi mới. Chúa Kitô đã canh tân mọi nền văn hóa bằng năng lực sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa, Ðấng là nguồn mạch của “Chân – Thiện – Mỹ”.

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

_____________________________________________________

1 Phong thủy: Phong là gió; thủy là nước. Hướng gió, không khí liên quan tới bầu trời; và nguồn nước tượng trưng cho đất. “Trời – Ðất”, chúng rất ảnh hưởng tới đời sống con người. Gió và nước là hai biểu tượng diễn tà quy luật về sự hài hòa, cân bằng trong “thiên nhiên, con người và môi trường”.

2 Hướng Nam:Hướng hài hòa, thuận lợi về ánh sáng và gió. Ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

3 Công đồng Vatican II: “ Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay”, số 65.

4 Theo Kitô giáo

5 1 Ga 4,16

6 Mt 6, 1-6. 16-18

7 St 1, 27-28

8 Thánh Giáo hoàng Phaolo VI, diễn văn bế mạc Công đồng Vat. II

9 St 3, 17-19; 1, 31 ; 2, 1-3.25; 1, 26; 2, 15

10 Cv 2, 1-3

11 Mt 3, 13-17

12 GLHTCG

13 Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tiếp kiến các vị lãnh đạo, các giáo sư và sinh viên của Ðại học Công giáo Sacré-Cœur, nhân dịp 90 thành lập Ðại học này, 21/05/2011.

14 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

15 Pl 4,8

16 Redemptoris Missio, 52.

17 Pastores dabo vobis, 55.

18 Gaudium et Spes, 54.

19 Vicesimus quintus annus, 16.

20 Ecclesia in America, 21.

21 Redemptoris Missio, 37

22 Christifideles Laici, 44.

23 Mt 28,19

24 Gaudium et Spes, 53-62

(Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn)

Updated: 15/05/2022 — 10:22 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *