Tọa lạc tại khu phố cổ Hà Nội, đền Hỏa Thần là địa điểm tâm linh có một không hai trên nước ta phục vụ tín ngưỡng tôn giáo thờ Thần Hỏa của nhân dân Hà thành nói riêng và của cả nước nói chung.
Đền Hỏa Thần nằm ở 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Qúy khách có nhu cầu chiêm bái hành hương tới thủ đô có thể đi theo lộ trình từ Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hoàng Thành Thăng Long – đền Hỏa Thần – đền Ngọc Sơn có vị trí khá gần nhau. Nơi đây cách Hồ Gươm khoảng 600m về phía Tây Bắc, có vị trí giao thông thuận lợi.
Sự tích Hỏa Thần
Từ xa xưa, ông cha ta đã rút ra được 4 yếu tố gây thiệt hại lớn nhất với cuộc sống con người theo thứ tự từ trên xuống dưới là: Thủy (Nước), Hỏa (Lửa), Đạo (Trộm cướp), Tặc (Giặc giã).
Có thể thấy từ xưa đến nay, hỏa hoạn luôn là yếu tố gây thiệt hại nặng nề nhất. Cho dù lửa được phát hiện và có đóng góp to lớn trong sự hình thành và phát triển của loài người, thì không thể phủ nhận những hiểm họa khôn lường mà lửa gây ra.
Vào năm 1828, khi đó nhà cửa của nhân dân tại phía tây Hà Nội chủ yếu làm từ tre nứa được xây liền kề nhau. Sổ sách ghi chép lại, đã từng xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi 200 nhà, sau đó vài tháng lại xảy ra vụ cháy hơn 1400 nhà của 27 phường. Sau đó lại xảy ra vụ cháy lớn làm thiệt hại thêm hàng ngàn ngôi nhà nữa và có vụ còn suýt thiêu chết cả nhà quan Tổng đốc. Nguyên nhân có thể do thù trong giặc ngoài đốt phá, khí hậu khô hanh, cùng với sự bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt. Họa hoạn đã khiến nhiều dân sinh mất sạch cơ nghiệp và luôn sống trong lo sợ, do khi đó nhà chủ yếu vẫn được lợp bằng tranh nứa.
Sự tích đền Hỏa Thần
Để chống chọi lại sự tàn phá của hỏa hoạn, ngoài việc chủ động phòng cháy, chữa cháy thì người xưa còn sử dụng cả yếu tố tâm linh thông qua việc phụng thờ Thần Hỏa để đem lại sự an lạc về tinh thần.
Vào năm 1837 (đầu thời Nguyễn), sau vụ cháy lớn thiêu rụi 1400 ngôi nhà thì người Thăng Long bấy giờ đã lập một ngôi đền thờ tại vị trí Cửa Đông của thành Hà Nội. Đây được cho là ngôi đền đầu tiên và duy nhất tại nước ta thờ Hỏa Thần để cầu mong Thần Lửa phù hộ, về trừ hỏa hoạn.
Hỏa Thần được thờ trong đền là Quang Hoa Mã Nguyên Súy – một trong hai vị Thần Lửa tại Việt Nam (người còn lại là Nam Phương Xích Đế). Tương truyền, Nguyên Súy là môn đệ của Phật Gia, nhưng do có tính “Hỏa” nên ông không giữ nghiêm giới luật nên phải hạ phàm đầu thai vào nhà họ Phùng. Khi đắc đạo, ngài trở lại Thiên Đình, phụ trách việc trừ hỏa tai. Nhân dân trần thế coi ông là Thần Lửa – ông tổ nghề phòng cháy chữa cháy và thờ ông tại đền Hỏa Thần.
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã ca ngợi sự linh thiêng bền vững của Thần trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long rằng:
Hỏa tụ tam khu phần bất cập
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
Nghĩa là:
Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng
Ban đầu thuở mới xây dựng, đền được dựng lên từ tranh nứa sơ sài. Sau đó vào năm 1841, đền được trùng tu tôn tạo lại bền vững với quy mô rộng rãi hơn. Rồi đền được xây thêm phương đình và tiền tế, tại đây khắc rõ niên đại hoàn thành vào năm 1848 trên câu đầu của kiến trúc.
Do tính chất phát triển xã hội đô thị hóa và tọa lạc tại khu phố cổ nên ngày nay, đền được bảo toàn chủ yếu phần bên trong, còn lối vào đền bị thu nhỏ lại thành lối đi khá hẹp tại phố Hàng Điếu. Lúc này, người dân Hà Nội đã góp tiền xây dựng thêm điện thờ Thánh Mẫu và ban thờ Phật tại đây. Đến năm 1997, đền bị xâm lấn nhiều hơn ảnh hưởng tới kiến trúc và khuôn viên nên người dân bản địa cùng chính quyền địa phương đã góp công góp của tu sửa lại và tôn lát nền mới. Ban thờ Thánh Mẫu được rước thờ tại gian phương đình trong đền, trên vị trí ban thờ cũ dựng nhà bia tưởng niệm liệt sỹ của phường Cửa Đông.
Kiến trúc đền Hỏa Thần
Ngày nay, diện tích đền rộng khoảng 500m2, khi đi từ phố Hàng Điếu vào đền, ta sẽ thấy một đài tưởng niệm liệt sĩ, bên tay trái mới là khu vực thờ Hỏa Thần.
Đền bao gồm các gian tiền tế, phương đình và cung cấm được thiết kế kiểu chữ Công và cách bố trí thờ phụng theo kiểu “Tiền Phật, Hậu Thánh Thần”, thể hiện việc tư tưởng và giáo lí của nhà Phật được kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian từ rất lâu đời.
Tiền tế là nếp nhà ngang 3 gian còn giữ lại được những đặc trưng của phong cách kiến trúc, mỹ thuật cuối thể kỷ 19 như mái lợp ngói mũi hài, nền nhà lát gạch Bát Tràng cổ, các kết cấu gỗ được bào trơn và bào soi. Hai đầu tường hồi có gắn hai tấm bia đá ghi lại việc xây dựng và trùng tu sửa chữa di tích, để lại nhiều ý nghĩa cho đời sau. Trên cửa ra vào treo bức hoành phi “Hỏa Thần Từ” có tuổi đời từ năm 1864.
Tiếp giáp sau tiền tế là toà phương đình có mặt bằng hình vuông, kiểu 4 mái với các góc đao cong và nổi bật với hoa văn rồng chầu, hình chạm nổi vân mây, lá lật và cánh hoa sen. Đây là nơi đặt ban thờ Mẫu gồm Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Ông cùng Ban thờ Tam thế, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Đại Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát,…
Hai bên chính điện có đôi câu đối thể hiện tư tưởng của Phật giáo Việt Nam:
“Pháp hiện ngũ thông, hách trạc linh thanh đằng Bắc địa
Đạo thành tam muội, ân ba đức trạch phổ Nam Thiên”
Nghĩa là:
“Phật pháp thần thông, tắm tưới muôn nơi tràn đất Bắc
Đạo thành chính quả, ân đức sâu dầy khắp trời Nam”.
Hậu cung là nếp nhà ngang ba gian, cao vượt lên so với các kiến trúc ở phía trước. Nhà được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bốn bộ vì kèo đều làm theo kiểu kẻ chuyền. Gian giữa xây khám thờ lớn chạm rồng làm bàn thờ thần Hoả hình dáng phương phi và mặc long bào oai nghiêm. Hai bên là tượng thị giả Thiên Lý Nhãn và Thuần Phong Nhĩ. Hai cận vệ của Hỏa Thần có khả năng nhìn và nghe thấu hết mọi điều tại mọi nơi. Tượng Hỏa Thần đã bị hư hại ít nhiều theo thời gian và có pho tượng Hỏa thần mới sơn son thếp vàng thờ ngay bên dưới tượng Hỏa thần cũ
Đền Hỏa Thần là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cư dân khu phố cổ, cũng là điểm nhấn duy trì và phát huy nét phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Tế lễ đền Hỏa Thần
Vào hai dịp mùa xuân và mùa thu, cụ thể là ngày 28 – 3 và 29 – 9 Âm lịch, nhà đền cùng nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức tế lễ để tưởng niệm ngày sinh và ngày hóa của Thần Hỏa. Đền đã được đón nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1997.
Đền Hỏa Thần là một trong những điểm sáng tâm linh giữa lòng Hà Nội, là nơi con người gạt bỏ những xô bồ, nhộn nhịp của cuộc sống để về đây cảm nhận được những giá trị văn hóa tâm linh, cầu nguyện cho bản thân, gia đình và đất nước.
Vào ngày tế lễ, những dịp ngày rằm hay đầu xuân năm mới, du khách và con nhang đệ tử gần xa lại về đền Hỏa Thần để tham quan chiêm bái, thắp hương dâng lễ, cầu mong một năm an bình, thuận lợi. Khi hành lễ, người ta hay dâng lên những vật phẩm đầy thành tâm bày tỏ tấm lòng kính cẩn tới các đấng linh thiêng.