Công năng của Giới – Định – Tuệ

Tu tập Giới – Định – Tuệ, cũng chính là tu tập tất cả các pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy. Có Giới-Định-Tuệ sẽ khai thông được những vướng mắc trở ngại giữa cõi trần thế khổ đau này.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Giới đối với người xuất gia giữ một vị trí vô cùng to lớn, cho nên khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài đã tha thiết nhắn nhủ các Tỳ-kheo rằng: “Sau khi Ta diệt độ, chúng Tỳ-kheo các ông phải tuân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như người mù gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết Giới là người thầy lớn nhất của các ông. Nếu như Ta còn sống mãi ở đời, cũng chẳng khác gì Giới vậy”.

Như chúng ta đã biết, Giới bao giờ cũng là bước đầu tiên trên lộ trình giải thoát, là căn bản đạo đức làm đầu trong đạo hạnh của người xuất gia cũng như tại gia. Kinh Pháp Cú đã tán thán những người có giới hạnh:

“Hương thơm các loài hoa,

Không bay ngược chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay”.

Thật vậy, đức hạnh là một đức tính cao vời không bao giờ biến hoại hoặc lu mờ, dù thời gian có vô cùng và không gian vô tận. Giới chính là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế muôn đời. Ở thế gian, đức hạnh được tôn xưng cho những người có đạo đức tốt, có lòng nhân từ, làm lợi ích cho mọi người. Còn trong đạo Phật, đức hạnh được chiếu soi bởi những vị có giới hạnh. Giới hạnh càng cao thì đức hạnh càng rạng ngời. Đây mới chính là người đại diện cho Chánh pháp, là sứ giả của Như Lai trong mỗi lúc.

Công năng của Giới – Định – Tuệ

Người giữ giới trưởng dưỡng tâm từ bi và lòng nhân ái, vị tha dứt trừ tham lam, sân hận, si mê, nhìn gần thấy giới có thể phát triển đức hạnh tốt của con người, nhìn xa hơn giới sẽ sanh ra quả định.

Định là bước thứ hai trên lộ trình tu tập, nhằm loại trừ những cấu uế như năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm-thùy miên, trạo cử, hoài nghi) và thành tựu năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, xả và nhất tâm). Như vậy, thiền định có công năng tịnh hóa năm triền cái làm ô nhiễm tâm, thay vào đó là năm thiền chi giúp chúng ta đi sâu vào định tâm, hầu nhập cảnh giới thiền định. Trạng thái an lạc của tâm, từ Sơ thiền đến Tứ thiền chỉ còn lại xả và nhất tâm, ngay đây Tuệ xuất hiện. Kinh Chuyển Pháp Luân số 2 trong Tương Ưng Bộ Kinh định nghĩa: “Tuệ là sự thấu rõ tường tận về Tứ đế”.

Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ Kinh 1) chỉ rõ: “Tuệ vô lậu là nhìn đúng sự thật nhân sanh vũ trụ, nhờ vào sự thể nghiệm vào thiền tập”. Trí tuệ có được là do tu tập Tam Vô lậu học.

Vậy trong tiến trình tu tập:

Văn tuệ là trí tuệ do tiếp cận Chánh pháp.

Tư tuệ là trí tuệ do tư duy Chánh pháp.

Tu tuệ là trí tuệ do thể nhập Chánh pháp.

Nhờ văn, tư, tu đối với giáo lý giải thoát của Đức Phật, nên tâm trí bừng sáng, nhận chân đâu là khổ, đâu là tập, đâu là diệt và đâu là đạo, đâu là sanh tử luân hồi, đâu là Niết-bàn tịch tịnh. Trí tuệ này không do vay mượn từ bên ngoài, mà do sự nỗ lực tu chứng của mỗi chúng ta.

Kinh Pháp Cú có dạy:

“Không thiền định không sanh trí tuệ,

Trí tuệ không, chẳng thể định thiền,

Người nào gồm đủ nhân duyên,

Định thiền trí tuệ gần bên Niết-bàn.”

Trí tuệ là thứ vũ khí vô cùng sắc bén giúp chúng ta phá trừ giặc phiền não vô minh, đẩy lùi được đội quân tham ái, là chìa khóa mở cánh cửa vô sanh.

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy:

“Trí tuệ như lương dược,

Chữa lành bệnh hiện tiền,

Trí tuệ như búa sắc,

Đốn bỏ cây não phiền.

Vậy dùng văn tuệ,

Tăng trưởng công đức lành,

Lợi ích không kể xiết”.

Giới – Định – Tuệ như kiềng ba chân, nếu thiếu một không thể đứng vững, nếu người tu không giữ giới thì chỉ có thể đạt được định, tuệ của ngoại đạo. Cho nên, không thể trụ vững trên mảnh đất Giới, thì Định và Tuệ không thể nẩy mầm. Kinh Lăng Nghiêm đã khẳng định: “Dẫu có người tu hành được đắc định, đắc tuệ mà không có giới, thì cũng như ma đạo mà thôi”.

Tóm lại, Giới-Định-Tuệ là con đường duy nhất cho người xuất gia hầu làm thanh tịnh thân tâm, đoạn trừ hết tất cả vô minh tham ái, triền phược nhiễm ô, giúp cho người tu hành có một cuộc sống đạo đức an lạc thật sự. Đối với xã hội, Giới-Định-Tuệ còn có giá trị đích thực nhằm thiết lập một trật tự đạo đức văn minh. Đối với nhân loại, Giới là cơ sở vững chắc để xây dựng một nền hòa bình nhân ái.

Tu tập Giới – Định – Tuệ, cũng chính là tu tập tất cả các pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy. Có Giới-Định-Tuệ sẽ khai thông được những vướng mắc trở ngại giữa cõi trần thế khổ đau này.

Chính vì thế, nên mùa Hạ năm nào Hòa thượng cũng đem hết tâm lực khuyến khích đại chúng tu tập Giới-Định-Tuệ. Hòa thượng vì sự nghiệp cao cả, vì mạng mạch Phật pháp, Ngài đã đem Pháp bảo truyền trao cho chúng con hầu mong sao ngọn đèn Chánh pháp được duy trì mãi mãi ở thế gian này.

Ba môn Tam Vô lậu học Giới- Định- Tuệ Ngài giảng dạy, chúng con hiểu được rằng:“Giới là cội gốc của Vô thượng Bồ-đề, Giới là tư lương trên đường hiểm sinh tử”.

Lời giảng êm đềm từ hòa của Hòa thượng đã ban rải cho chúng con như những dòng sữa ngọt ngào diệu dụng, những giọt nước cam lồ rót vào tâm tư.

Ngưỡng bái bạch Hòa thượng, dẫu thời gian sẽ xóa nhòa tất cả, nhưng lời vàng ngọc của Ngài để lại trong chúng con là một món quà vô giá. Chúng con sẽ lấy đó làm hành trang trên bước đường hướng về lộ trình giải thoát.

Trước khi dứt lời chúng con thành tâm đảnh lễ tam bái, kính dâng lên Ân sư với tấm lòng tri ân sâu xa nhất. Chúng con cũng xin kính mừng Hòa thượng tăng thêm hạ lạp, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ Hòa thượng pháp thể khinh an, phước trí viên minh, Phật hạnh viên thành và cửu trụ Ta-bà để dìu dắt chúng con cũng như tất cả chúng sanh đến bến bờ an lạc giải thoát.

“Hòa hiệp sống chung tu học,
Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh,
Giác Phật sự gần viên mãn,
Giới sáng tinh anh, đạo hạnh sớm thành”.

Updated: 28/07/2022 — 10:04 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *