Làng Quang Lang – làng nghề muối cổ ở Thái Bình
Làng Quang Lang xưa thuộc huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ thời Trần nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình – nơi nổi tiếng với nhiều lễ hội đặc sắc như: Hội Rước nước (ngày 25 tháng giêng), hội Tế Thành hoàng (ngày 12-2 âm lịch), hội reo ống (ngày 12/7),… Đặc biệt Lễ hội Bà Chúa Muối với tục múa ông Đùng bà Đà được tổ chức vào ngày 14-4 âm lịch hàng năm – đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội truyền thống Bà Chúa Muối
Làng Quang Lang được coi là một trong những làng nghề muối cổ còn duy trì đến ngày nay của vùng châu thổ sông Hồng, vùng đất Thái Thụy, Thái Bình duy nhất có một xã nhỏ ven biển là địa danh vừa có Phủ và Đền thờ về Bà Chúa Muối; một địa phương hội tụ nhiều danh truyền và di tích nổi bật mà trên cả nước hiếm nơi nào có được. Hàng năm, cứ vào ngày 14-4 âm lịch, nhân dân Thụy Hải lại náo nức trong không khí nhộn nhịp, linh thiêng của Lễ hội Bà Chúa Muối. Câu chuyện về bà Chúa hiện thân của hình tượng người phụ nữ trẻ khi xưa còn bỏ ngỏ kéo dài từ truyền thuyết ra đến đời thực, từ quá khứ sang hiện tại, sinh động trong từng nghi thức cúng lễ và đặc biệt là tục múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất tâm linh huyền bí.
Bà Chúa Muối là ai?
Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (tức năm 1280) tại Trang Quang Lang, Tổng Hổ Đội, Huyện Thụy Vân nay là xã Thuỵ Hải, huyện Thái Thuỵ, Tỉnh Thái Bình, trong một gia đình diêm dân. Nguyệt Ảnh càng lớn càng xinh đẹp, học rộng biết nhiều. Thấy việc đồng áng vất vả, muốn xin giúp bố mẹ ra đồng làm muối nhưng mỗi lần nàng ra ruộng làm muối thì mây đen kéo lại phủ kín đến che rợp cả một vùng. Bố mẹ thương con đã đóng cho nàng một chiếc thuyền chở muối, đem những hạt muối mặn mà của quê hương giao lưu trao đổi hàng hóa với mọi miền của đất nước.
Một ngày trời nắng oi ả thuyền muối của Nguyệt Ảnh ghé vào bến Long Biên, thuyền nàng đi tới đâu mây che tới đó, quan quân thấy lạ tâu với vua Trần; ngắm nhìn tuyệt sắc giai nhân Vua sủng ái và phong cho Nguyệt Ảnh làm Đệ Tam Cung Phi, ít lâu sau nàng mang thai nhưng thai nhi đã quá 9 tháng, 10 ngày mà vẫn không sinh nở đươc, Vua Trần Anh Tông đã cho rước nàng về quê ngoại tại Trang Quang Lang, hi vọng với không khí mát lành của vùng biển sẽ cứu vớt được Cung phi và thai nhi….
Nguyệt Ảnh về đến nhà, cha mẹ rất nỗi vui mừng nhưng không lâu sau nàng bị bệnh nặng, thuốc uống không đỡ. Thấy nàng chiều nào cũng ra ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để nàng bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, nàng mỉm cười rồi qua đời vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất. Thương tiếc đệ Tam Cung Phi Vua Trần Anh Tông đã sắc phong cho nàng làm Phúc thần cho nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối.
Lễ hội Bà Chúa Muối
Những kỷ niệm về Bà Chúa Muối được lưu truyền lại cho đến ngày nay. Hằng năm, cứ đến ngày 14 tháng 4 âm lịch người dân nơi đây lại tổ chức Lễ hội Bà Chúa Muối. Những ngày này, người ta làm những hình nộm ông Đùng bà Đà, diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi hầu bà. Màn biểu diễn múa bao gồm một ông Đùng, một bà Đà tượng trưng cho hai bố mẹ và hai hình nộm con tượng trưng cho con cháu. Khi múa, các hình nộm nghiêng ngả, lúc quay sang phải, khi lại quay sang trái. Các vai ông Đùng bà Đà phối hợp sao cho thật nhuần nhuyễn. Có những lần giáp mặt thân chập vào nhau, tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nảy nở của dân làng. Đùng bố, mẹ đi trước các Đùng con quấn quýt theo sau. Đoàn người nhộn nhịp vừa đi vừa chúc tụng nhau. Người ta xướng vang những câu ca chúc tụng công đức Bà Chúa Muối.
Hết một vòng quanh làng, quay trở lại cửa đền, ai nấy lại náo nức tham gia tục phá Đùng. Vừa nhanh, vừa mạnh, mọi người tiến về phía những ông Đùng, ai cũng mong giành được về cho gia đình, người thân ít nhất là một nan tre, hay may mắn hơn là cái mặt nộm Đùng, bởi người dân nơi đây tin rằng trong nhà, dưới thuyền hay bất cứ đâu có cắm nan tre ông Đùng, bà Đà sẽ mang lại cho họ một cuộc sống sung túc, no đủ, mùa cá bội thu, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều may mắn hơn.
Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Bà Chúa Muối và tục rước Đùng vẫn giữ nguyên được bản sắc độc đáo vốn có. Những năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên xã Thụy Hải không tổ chức được lễ hội truyền thống mà chỉ tổ chức dâng lễ đến Bà Chúa Muối; Năm 2022 khi dịch Covid – 19 được kiểm soát tốt, UBND xã Thụy Hải tiếp tục duy trì mở lễ hội truyền thống vào 04 ngày 11, 12, 13, 14 tháng 5 (tức ngày 11 đến 14 tháng 4 năm Nhâm Dần) để tiếp tục duy trì những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Theo đó sáng ngày 11 tổ chức lễ Khai mạc, tế nữ quan và nhân dân dâng lễ, ngày 12 tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng lễ hội, ngày 13 nhân dân tổ chức dâng lễ và các hoạt động Văn hóa văn nghệ, TDTT, ngày 14 tổ chức rước kiệu Chúa Muối, rước Đùng và phá Đùng và kết thúc phần lễ hội là phần tế tạ của đội tế nữ quan xã Thụy Hải.
Lễ hội truyền thống Bà Chúa Muối tại xã Thụy Hải với tục múa dân gian ông Đùng, bà Đà là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sinh sôi, nảy nở. Thông qua lễ hội thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với Bà Chúa Muối; đồng thời là hình thức giáo dục cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương.