Làng Phú Thị và di tích nhà thờ họ Nguyễn Huy

Nhà thờ họ Nguyễn Huy ở thôn Phú Thị, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Lịch sử làng Phú Thị ở Gia Lâm

Phú Thị có tên nôm là làng Sủi, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km về phía Đông Bắc . Theo các nhà nghiên cứu tên “Sủi” vốn từ âm Việt cổ “S’lủi”, sau này phiên âm ra chữ Hán thành “Thổ Lỗi”. Từ thời Lý, đây là trung tâm của hương Thổ Lỗi. Tên xã Phú Thị xuất hiện trên tấm bia “Đại Dương tự bi ký” niên hiệu Dương Hoà thứ 2 (1636) hiện được dựng tại nhà bia trong khu di tích đình, đền, chùa Sủi. Theo tấm bia “Làng Trung Nghĩa” dựng ngày tốt tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764), khoảng 5 năm đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740- 1745), làng Sủi nhờ phòng thủ tốt đã đẩy lùi được các đợt tấn công của giặc dã nên chúa Trịnh đã ban cho làng ba chữ “Trung Nghĩa Lý” có nghĩa là “làng Trung Nghĩa”.

Phú Thị là một vùng đất cổ, sớm được khai phá, lại nằm kề bên bờ sông Thiên Đức nên từ xa xưa nơi đây đã trở thành vùng quê sầm uất, cư dân sống tập trung đông đúc. Phú Thị là một thôn lớn của xã, ruộng đất nhiều kinh tế khá phát triển, ở vào vị trí trước làng có chợ, sau làng có sông, có phố, với các ngành nghề xưởng đóng đồ gỗ, tiệm ăn, tiệm may, hiệu thuốc dân tộc cổ truyền… Tương Sủi, bánh đa vừng là đặc sản được nhiều người biết tiếng. Vì vậy người xưa ca ngợi Phú Thị là “Rồng vàng giếng ngọc”. Đó chính là điều kiện quan trọng hàng đầu để tạo tiềm năng về kinh tế giúp cho việc học hành của con em các dòng họ ở địa phương.

Làng Phú Thị và di tích nhà thờ họ Nguyễn Huy

Phú Thị không những là một vùng đất cổ mà còn ở vào vị trí giao thông thuận lợi trên con đường Thiên lý từ Bồ Đề – Cổ Bi – Phú Thị (Gia Lâm) đi Bảo Khám, Bảo Triện qua Đại Bái đến Nhị Trai vào đầu địa giới tỉnh Hải Dương. Đây là một trong những con đường thông thương từ phía bắc Kinh thành Thăng Long đi các tỉnh miền Đông và Đông Bắc. Về đường thuỷ, xưa kia Phú Thị có sông Thiên Đức nối với sông Hồng ở Xuân Canh (Đông Anh), sau nối với sông Đuống, sông Đào chảy qua tạo thành hệ thống giao thông đường thuỷ thuận tiện, vua chúa thường du ngoạn trên bến sông từ Thăng Long tới vùng này, đến nay nhiều truyền thuyết, dấu tích ở các làng ven sông còn lưu lại, nhánh sông đã bị bồi lấp, chỉ còn vết tích một số đoạn tạo nên một loạt hồ ao, cánh đồng… Trước làng có núi Chương Sơn do Chúa Trịnh ban danh biểu tượng vượng khí của đất Sủi, nơi địa linh nhân kiệt.

Bên cạnh những tiềm năng về kinh tế, tiện lợi về giao thông, mảnh đất Phú Thị còn có những di tích lịch sử văn hoá như đình của làng thờ Thành hoàng làng là tướng quân Đào Liên Hoa đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước đầu thế kỷ X. Đền thờ Nguyên Phi ỷ Lan và chùa Đại Dương Sùng Phúc do bà ỷ Lan xây dựng tại quê hương…

Quê hương Phú Thị có nhiều bậc danh nhân lỗi lạc. Thời Lý, hương Thổ Lỗi – Phú Thị sau này được sử sách biết đến vì là quê hương của Nguyên Phi ỷ Lan – một người phụ nữ nổi tiếng có tài chính sự.

Nói đến Phú Thị không chỉ nói đến vùng đất cổ, ở vị trí “đắc địa” một làng có truyền thống văn hoá mà còn là làng có truyền thống hiếu học và khoa bảng làm quan to trong triều,vì vậy trong “Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự” có câu:

“Chung linh đất Sủi ai bì
Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh”

Từ đầu thế kỷ XVIII, Phú Thị nổi tiếng là một làng có truyền thống hiếu học, khoa bảng, trong vòng hơn 70 năm (1703 – 1779) có tới 10 tiến sĩ đỗ đại khoa, là một trong 21 làng của đất nước có 10 Tiến sĩ nho học được ghi tên trong bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong 10 Tiến sĩ của làng Phú Thị, dòng họ Nguyễn Huy chiếm đông nhất 05 người, số còn lại thuộc các dòng họ Đoàn, Cao, Trịnh, Trần và Nguyễn Xuân. Trong số các tiến sĩ của làng Sủi chỉ có Nguyễn Huy Cận cáo từ không ra làm quan, ở nhà dạy học. Gia phả dòng họ Nguyễn Huy chép “ông làm quan Tri phủ một thời gian ngắn rồi cáo quan về mở trường dạy học” còn 9 người khác đã đảm nhận các trọng trách khác nhau trong bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến các cấp, nổi tiếng hơn cả là Hoàng Giáp, Hộ Bộ Thượng Thư, Triệu Quận Công Nguyễn Huy Nhuận. Nhìn lại danh sách khoa bảng và chức vụ trong triều đình phong kiến ở thế kỷ XVIII thì ở làng Phú Thị được thể hiện đúng với câu ca:

“Nhất môn tam tiến sĩ
Đồng triều tứ thượng thư”

Dịch nghĩa:

“Một nhà ba người đỗ tiến sĩ
Trong triều bốn thượng thư cùng làng”

Thế kỷ XVIII, làng Phú Thị ngoài 10 người đỗ Tiến sĩ qua gia phả còn có trên 300 người đỗ từ tiểu khoa đến đại khoa. Thời Nguyễn làng Sủi còn có nhiều người đỗ Hương cống, mà chủ yếu là dòng họ Nguyễn Huy; 6 người đỗ Cử nhân, trong đó 5 người thuộc họ Cao nổi bật là Cao Bá Quát – nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà thơ kiệt xuất đầu thế kỷ XIX, người được đương thời suy tôn là “Thánh Quát” và vua Tự Đức đã phải thốt lên:

“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán.
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”

Cùng với các di tích đình, đền, chùa đã được xếp hạng năm 1989, trước đây Phú Thị còn có nhà thờ lớn của làng, thờ 167 vị tiên hiền được ghi trong bia “Từ vũ bi”. Đến nay nhà thờ đó không còn mà chỉ còn một số nhà thờ họ: họ Cao, Nguyễn Huy, Nguyễn Thế…Nằm trong vùng sinh tụ của cư dân Việt cổ, có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, vùng đất được coi là “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra những người con làm rạng danh cho quê hương đất nước. Nổi bật là dòng họ Nguyễn Huy có nhiều người con ưu tú, học hành và đỗ đạt làm quan giúp dân, giúp nước, góp phần vào nền khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc.

Làng Phú Thị và di tích nhà thờ họ Nguyễn Huy

Theo cuốn “Di trạch đường gia phả” của dòng họ Nguyễn Huy niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802) do Tiền quân văn hàn là Nguyễn Huy Doanh cháu đời thứ 6 của cụ tiên tổ Phúc Thọ biên soạn, Tri huyện Phú Xuyên Nguyễn Huy Quýnh tự là Viêm Am hiệu đính, cuốn gia phả ghi chép lại 6 đời tiếp theo của dòng họ Nguyễn Huy nổi bật là Nguyễn Huy Nhuận – người thi đỗ Tiến sĩ đầu tiên trong vùng (1703). Năm Mậu Thân (1728), khi giữ chức binh Bộ Tả Thị Lang đã cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái thay mặt triều đình lên Tuyên Quang nhận phần đất nhà Thanh trả lại cho ta, trong đó có khu vực mỏ đồng Tụ Long và lập mốc giới ở khu vực sông Đồ Chú. Sau đó Nguyễn Huy Nhuận lần lượt giữ chức Thượng thư của 5 Bộ là Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Lễ; kiêm nhiệm chức trung thư giám dự vào hàng tham tụng (Tể tướng). Năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), Huy Nhuận được cử trông coi Quốc Tử Giám, chính ông tâu và được vua chuẩn y dùng phẩm phục đế vương thờ ở Văn Miếu, thay cho áo mũ của quan tư khấu như trước… Khi mất được vua ban tặng Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị kinh diên, Tri Quốc Tử Giám, Thái tử thái Bảo, Triệu quận công, đại tư mã, Nguyễn tướng công, tự Trung mẫn, Thuỵ Đoan Túc; triều đình ban tiền phúng 500 quan, cấp ruộng cho 3 xã phụng thờ (hiện có làng Cổ Hiền, Chương Mỹ đang thờ cụ làm Thành hoàng làng). Các đời sau dòng họ Nguyễn Huy còn có các Tiến sĩ như:Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Triệt, Nguyễn Huy Dận, Nguyễn Huy Cẩn, Đông các đại học sĩ Nguyễn Huy Bá, Tri huyện Nguyễn Huy Quýnh, HữuThị lang Bộ Hộ Nguyễn Huy Lượng…

Nhà thờ họ Nguyễn Huy

Hiện nay nhà thờ họ Nguyễn Huy toạ lạc trên một khu đất cao, thoáng đãng, hướng Đông Bắc trong khu vực cư trú của làng Phú Thị. Nhà thờ quay hướng Đông, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ nhất. Hiện tại nhà thờ họ Nguyễn Huy không có sân, vườn.

Kiến trúc nhà thờ gồm ba gian, mái đổ trần bê tông cốt thép, bên trên làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao uốn cong tạo sự mềm mại cho kiến trúc di tích. Phần cổ diêm tạo thoáng cho kiến trúc. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp bức đại tự: “Nguyễn Huy tộc từ đường” (nhà thờ họ Nguyễn Huy). Phía trước gian giữa nhà thờ làm mái hiên rộng khoảng 1m đắp kiểu giả ngói ống, đỉnh mái đắp chữ chiện, phía trước đắp đầu rồng. Đỡ phần mái hiên là hai cột trụ hình vuông, đắp ô trang trí, bên dưới xây bậc thềm tam cấp, láng xi măng. Cửa mở ở gian giữa bằng gỗ theo kiểu ván bưng, phần ô thoáng bên trên cửa chính là cửa cuốn vòm, hai gian bên làm hai cửa sổ. Hồi phía bên phải nhà thờ mở một cửa sang ngõ đi của địa phương, nền nhà lát gạch men hoa.

Trong nhà thờ tại gian giữa là ban thờ cụ tiên tổ và các bậc tiền nhân của họ Nguyễn Huy. Trên vị trí cao nhất và trang trọng nhất là ngai thờ cụ tổ với các đường chạm khắc mềm mại, uyển chuyển, bên dưới là hương án được kết hợp chạm thủng và chạm lộng với các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa chanh được xen lẫn với các đường kẻ chỉ nhỏ, bên trên bài trí các đồ thờ tự. Trong nhà thờ có đôi câu đối nội dung như sau:

“Phú Thị danh hương bách tính cư dân thiên địa định.
Nguyễn Huy vọng tộc thượng thư tiến sỹ hoạn trường khai”.

Dịch là:

“Phú Thị làng lừng danh, trăm họ an cư trời đất định
Nguyễn Huy họ có tiếng Thượng thư tiến sỹ quan trường khai”.

Nhà thờ họ Nguyễn Huy còn lưu giữ được bộ di vật mang giá trị lịch sử, văn hoá như Cuốn “Di trạch đường gia phả” của dòng họ Nguyễn Huy niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802), một bản phả đồ bằng chữ Hán ghi danh từng người trong 6 đời theo gia phả của dòng họ Nguyễn Huy, một đạo sắc phong sao lại có niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892), ngai thờ, câu đối…

Hàng năm nhà thờ họ Nguyễn Huy thường tổ chức lễ vào các ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch là ngày các chi trong dòng họ đi tảo mộ; Ngày 9 tháng 6 âm lịch giỗ cụ Nguyễn Phúc Thọ tiên tổ đời thứ nhất; Ngày 29 tháng 8 âm lịch giỗ cụ Nguyễn Huy Cận – Tiến sĩ không làm quan về dạy học tại quê hương.

Trong ngày giỗ tổ Hội đồng gia tộc thường tổ chức phát phần thưởng khuyến học cho các cháu học sinh giỏi, đỗ đại học, các tiến sĩ về vinh quy bái tổ…. Trong ngày giỗ chính có từ 23 đến 24 chi họ ở các tỉnh cùng các thế hệ con cháu trong dòng họ về gặp mặt tại từ đường ôn lại truyền thống và tưởng nhớ công đức của tổ tiên. Ngày 30 Tết hàng năm, dòng họ tổ chức đi thăm các cụ cao tuổi và lễ mừng thọ cho các cụ từ 70 tuổi trở lên.

Ngày lễ hội đã hội tụ các yếu tố truyền thống và hiện đại, nơi hội tụ của các con cháu trong cộng đồng dòng họ để giao lưu văn hoá, bảo lưu những giá trị văn hoá phi vật thể quý giá của cha ông từ ngàn đời lưu lại cho mai sau.

Từ những giá trị về nội dung lịch sử nêu trên có thể nhận định đất nước ta có nhiều gia đình, dòng họ có cống hiến cho đất nước nhưng đây là nhà thờ của một dòng họ có cống hiến to lớn trong các triều đại phong kiến và trong mỗi thời kỳ phát triển của dân tộc. Nơi đây không chỉ là nơi tưởng niệm, ghi công vị tiên tổ, các nhà khoa bảng ở các triều đại để giáo dục cho các thế hệ con cháu mà còn là một trường học để giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ cho mọi người dân địa phương và trong vùng.

Kiến trúc nhà thờ họ nguyễn Huy tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng đầy đủ giá trị về mặt văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền. Các đường nét trên kiến trúc mang tính chất hiện đại không cầu kỳ chau chuốt như những kiến trúc cổ nhưng đã thể hiện được dấu ấn của thời kỳ khởi dựng. Bộ sưu tập di vật không nhiều nhưng là hiện vật đặc trưng mang giá trị lịch sử, nghệ thuật theo chức năng của di tích. Đặc biệt là cuốn “Di trạch đường gia phả”, tư liệu quan trọng này ngoài việc giúp cho quá trình tìm hiểu về sự phát triển của dòng họ, nề nếp gia phong cùng ý chí học hành khoa cử của các thế hệ còn góp phần trong việc tìm hiểu về xã hội, về cuộc sống tinh thần của nhân dân qua những chặng đường lịch sử. Đây chính là những trang sử tồn tại lâu dài nhất và giúp ích rất nhiều cho các thế hệ sau hiểu thêm về đời sống, ý chí phấn đấu của tổ tiên và dân tộc.

Sự tồn tại của nhà thờ hiện nay đã ghi nhận tấm lòng, sự tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền bối – người đã có công lớn trong việc khai sinh và làm rạng danh cho dòng họ. Đây là những tấm gương sáng cho sự rèn luyện và ý chí vươn lên, sự thành đạt của những con người có nhiều đóng góp cho quê hương và cho đất nước.

Ngày 02/12/2009 UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 6277/ QĐ-UBND xếp hạng di tích nhà thờ họ Nguyễn Huy là di tích Lịch sử Văn hoá.

Updated: 07/07/2022 — 10:14 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *