Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?

Lễ Các Đẳng hay đầy đủ hơn là lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời diễn ra vào ngày 2-11 hàng năm, được xếp vào danh sách các bậc lễ.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Hỏi: Lễ Các Đẳng không được xếp vào bậc lễ, như lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ… Vậy, thưa cha, trường hợp này là trường hợp riêng hay sao? Nếu như vậy, nó xuất hiện như là trường hợp độc nhất trong lịch phụng vụ rồi. – A. L., Campbell, California, Mỹ.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Đáp: Mặc dù lễ Các Đẳng của năm nay đã qua, nhưng nó đáng cho chúng ta nhớ lại bậc lễ của nó.

Đúng là lễ Các Đẳng có một bậc riêng. Lễ này không phải là lễ trọng, bởi vì nó cầu cho các tín hữu đã qua đời, chứ không mừng kính họ. Lễ này có ưu tiên phụng vụ hơn lễ Chúa Nhật. Nó giống với lễ Chúa Nhật, chỉ khác một điều là khi lễ được cử hành vào Chúa Nhật, Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính không được đọc hoặc không được hát.

Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời có ba bài đọc, ngay cả khi nó rơi vào một ngày thường trong tuần. Một số Sách bài đọc cung cấp một loạt bài đọc, và cho biết thêm rằng các bài đọc của hai Thánh Lễ khác, mà một linh mục có thể cử hành trong ngày 2-11, được lấy từ Sách lễ an táng. Một số Sách bài đọc khác, chẳng hạn sách tại Ý, đưa ra ba nhóm sách bài đọc, và mỗi nhóm có ba bài.

Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?

Không giống như bậc lễ trọng, ưu tiên của Lễ Các Đẳng hơn lễ Chúa Nhật không mở rộng đến ưu tiên cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Phụng Vụ Các Giờ Kinh là Phụng vụ của Chúa Nhật hiện tại, mặc dù nó có thể được thay thế bằng Phụng vụ Cầu Hồn trong buổi đọc kinh chung.

Một lần nữa, không giống như lễ trọng rơi vào ngày Chúa Nhật, khi Lễ Các Đẳng rơi vào ngày Chúa Nhật, không có lễ Vọng cho Lễ này vào chiều thứ bảy, vì Lễ Các Thánh được cử hành trong suốt cả ngày thứ bảy ấy.

Ở các quốc gia mà Lễ Các Thánh không phải là một ngày lễ buộc, ai dự Lễ Các Thánh chiều thứ Bảy là chu toàn luật dự lễ ngày Chúa Nhật rồi.

Về mặt lịch sử, một ngày dành riêng để cầu cho các tín hữu qua đời đã diễn ra ở nhiều nơi và nhiều ngày trong năm. Các tu viện Biển Đức dâng lễ cầu cho các đan sĩ qua đời vào tuần lễ sau Lễ Hiện Xuống, và có bằng chứng rõ ràng cho tập tục này ở Tây Ban Nha trong thế kỷ VII, gần Lễ Hiện Xuống. Dường như tập tục dâng lễ cho người đã qua đời có liên quan đến một số lễ trọng như Lễ Hiện Xuống, Lễ Hiển Linh hoặc một vị thánh khá nổi tiếng trong Giáo Hội. Ví dụ, thánh Eigil (qua đời năm 822), Viện phụ ở Fulda, qui định lễ Các Đẳng vào ngày 17-12, ngày ly trần của thánh Sturmius, vị sáng lập tu viện.

Ở Đức, lễ Các Đẳng được ghi nhận là thiết lập vào ngày 1-10, khoảng năm 980. Dường như giáo phận đầu tiên tổ chức Lễ Các Đẳng là giáo phận Liège trước năm 1008. Lễ này được cử hành lần đầu ở giáo phận Milan giữa năm 1120 và năm 1125, và tổ chức vào ngày 16-10, ngày sau ngày lễ Cung Hiến Nhà thờ lớn. Cần nhắc lại rằng ngày này được duy trì cho đến thời Thánh Carôlô Borromeo (qua đời năm 1584 ), khi thánh nhân qui định lễ Các Đẳng vào ngày 2-11.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhất trong việc thiết lập và lan rộng ngày lễ này là Thánh Odo ở Cluny (qua đời năm 1048 ), người chọn tập tục này cho Dòng tu có rất nhiều tu viện. Ngài ấn định ngày 2-11, để cho nó liên quan đến Lễ Các Thánh được mừng ngày hôm trước.

Từ đó, Lễ lan rộng đến tất cả các tu viện Biển Đức khác, và việc này giúp mở rộng lễ Các Đẳng cho toàn thể Giáo Hội.

Từ những gì chúng tôi đã nói về sự kết hợp của lễ Các Đẳng với các lễ lớn, rõ ràng là có rất ít nền tảng cho giả thuyết rằng lễ Các Đẳng được thiết lập bởi Giáo Hội như một đối trọng, hoặc như một nỗ lực thánh hóa một lễ hội Celtic ngoại giáo nhằm tôn vinh người chết. Lễ hội ngoại giáo này có lẽ đã được tổ chức vào đầu tháng 11, và đã bằng cách nào đó tồn tại vào thời Trung Cổ, nhưng không có bằng chứng bằng văn bản của sự tồn tại của lễ hội này trong thời gian đó.

Updated: 15/03/2022 — 11:16 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *