Xoay khăn là gì? Tại sao phải xoay khăn khi mở phủ?

Nhiều người quan tâm tới tín ngưỡng thờ Tứ phủ thường nghe thấy hai từ “Xoay khăn” mà không biết đây là nghi thức gì, quan trọng ra sao.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Là thanh đồng ai cũng thuộc nằm lòng nguyên tắc “trên theo Phật thánh dưới theo đồng thầy”. Đó chính là truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta.

Kể từ lúc đồng thầy thỉnh cha mẹ về sang khăn sẻ áo cho tân đồng người thầy được coi là người sinh ra đồng con, thầy cũng chính là người dìu dắt tân đồng từ những bước chân chập chững đầu tiên, đồng thầy không chỉ uốn nắn cho đồng con về lề lối phép tắc nhà Thánh mà còn dậy đồng con tu dưỡng về đạo đức, cốt cách làm người, đường ăn lẽ ở, ăn nói xưng hô sao cho phải phép. Nhiều thanh đồng thường gọi đồng thầy của mình bằng ngôn từ rất đỗi dân dã mà tràn đầy tình cảm và sự biết ơn : Mẹ – con, chị đẻ – con, mế – con…

Tuy vậy, cũng có một số người phải mở phủ tới năm lần bảy lượt mới yên, có người thì dù đã xoay khăn mở phủ đi mở phủ lại rồi mà cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để hiểu thấu đáo vấn đề này, mời độc giả cùng Vanhoatamlinh.com tìm hiểu thế nào là xoay khăn.

Xoay khăn là gì?

– Xoay: Là hành động dịch chuyển

– Khăn: Chiếc khăn ở đây không phải là chiếc khăn bình thường, trong tín ngưỡng tứ phủ đó là chiếc khăn phủ diện – một đồ vật không thể thiếu trong quá trình thực hành các nghi lễ Tứ phủ, một vật bất li thân và cũng là vật được coi trọng tột cùng của các thanh đồng đạo quan .

Như vậy xoay khăn nghĩa là: Thay đổi vị trí của chiếc khăn nhưng vẫn giữ nguyên chiếc khăn.

Tại sao phải xoay khăn khi mở phủ?

Chiếc khăn phủ diện là một mảnh vải màu đỏ hình vuông được phủ lên đầu các thanh đồng khi bắt đầu nghi thức nhập bóng. Chiếc khăn phủ diện này phải được đồng thầy làm lễ khai quang trong buổi lễ mở phủ cho các tân đồng, chiếc khăn này giờ đây đã không còn là một chiếc khăn bình thường nữa mà trở thành một vật rất linh thiêng và coi như đã được phật thánh tác đại chứng minh.

Xoay khăn là gì? Tại sao phải xoay khăn khi mở phủ?

Hành động xoay khăn đồng nghĩa với sự thay đổi của chủ thể – đó chính là những người đã trực tiếp tác động, làm phép lên chiếc khăn ấy, cụ thể ở đây đối tượng này chính là các đồng thầy.

Xoay khăn có rất nhiều hình thức, có người phải mở phủ lại nhưng cũng có người chỉ cần nhờ Thầy khác hầu chứng đàn lại cũng gọi là Xoay khăn, tựu chung lại Thầy trò là do duyên.

Vậy việc xoay khăn liệu có đi ngược lại với truyền thống “trên theo Phật thánh dưới theo đồng thầy” không? Không, bởi trên đầu chúng ta là Phật Thánh chỉ có Phật Thánh là trọn đời trọn đạo, chúng ta chỉ mượn cửa Đồng thầy để sinh ra, nếu phúc phần chúng ta tốt thì chúng ta gặp thầy có tâm đức thì cả đời theo thầy, nếu thầy làm sai chức phận thì cũng cần xem lại, cái gì sai thì phải sửa, không sửa được thì phải xoay, Thầy sai thì trước tiên Thầy phải chịu, nhưng đồng con thấy sai mà không biết sửa thì mãi mãi chìm trong u mê ngu muội. Đồng bóng là phải có trí huệ, phân biệt đúng sai, nếu không chịu sửa đổi thì sớm muộn cũng sẽ bị “Thánh tha ma nhập” . Đồng thầy làm sai, đi ngược lại với quy tắc lề lối của đạo Mẫu mà chúng ta vẫn khăng khăng “ dưới theo đồng thầy”, thì vô hình chung lại thành có lỗi với nhà Thánh.

Bài viết này không cổ súy cho hành động thay thầy như thay áo, hoặc thấy thầy khác nổi tiếng hơn, giàu có hơn mà chê thầy đồng cốt lốt quê theo thầy mới hòng mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình.

Trường hợp nào thì được xoay khăn?

Như các bạn đã biết, làm lính có công làm đồng có phép, không phải đồng nào cũng được phép dẫn trình đệ tử, đồng soi, đồng hầu, đồng dí, đồng chữa, đồng pháp không được phép trình đồng mở phủ cho đồng con. Chỉ những đồng thầy được bề trên cấp sắc lệnh soi căn nối quả thì mới được phép sinh con đẻ cái (dẫn trình).

Chú ý về xoay khăn

Chỉ những lỗi nặng không thể khắc phục được thì mới cần phải xoay khăn, ví dụ như trường hợp nói ở trên và một số trường hợp khác như đồng thầy mất đột ngột đồng con phải xoay khăn để có người dìu dắt, đồng thầy làm những việc lỗi đạo bị bề trên tước quyền tước phép…

Một số lỗi khác nếu khắc phục được thì nên tìm nguyên nhân để hóa giải, chứ chớ vội xoay khăn, ví dụ mở phủ thiếu lễ mã hoặc đồng con được lộc Chúa nguyệt khi mở phủ có bóng thánh về muốn tung khăn đồng thầy ghìm bóng không cho tung khăn hầu… đồng con bị cơ ngay sau vấn hầu, lúc này đồng con vội vàng tìm đồng thầy khác để xoay khăn mở phủ lại là không nên, thầy trò có thể khắc phục bằng cách sám hối xin dâng lễ mã và hầu hạ nhà ngài đầy đủ khi tạ bách nhật, nếu được nhà Thánh đại xá chấp nhận cho thì vừa giữ lễ được với nhà ngài lại vừa trọn đạo được với đồng thầy, tránh được cảnh 5 cha 3 mẹ.

Lênh đênh qua cửa Thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm

Updated: 26/03/2022 — 6:49 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *