Bất cứ vị tu sĩ Phật giáo nào, sau khi bỏ cuộc sống thế tục, cạo tóc xuất gia để bắt đầu một nếp sống tu hành, đều phải trải qua một giai đoạn học và hành hạnh Sa-di. Những người này trong chùa thường được gọi là chú tiểu hay chú điệu. Giai đoạn làm tiểu có khi 5 năm, 10 năm, cũng có khi là 2 năm, 3 năm tùy thuộc vào tuổi đời lúc xuất gia cũng như khả năng cố gắng học hỏi của những người tập tu.
Người mới vào tu, để được đăng đàn thọ Cụ túc giới làm thầy trong Phật giáo, ngoài việc hàng ngày phải thức khuya dậy sớm lễ Phật, tụng kinh, và làm việc trong chùa, họ phải học nằm lòng và thực hành bốn quyền luật căn bản dành cho Sa-di, đó là Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi và Cảnh sách.
Ngày nay trong đạo Phật không có chuyện người vừa cạo đầu xuất gia là đã trở thành nhà sư được, mà phải trải qua giai đoạn làm chú tiểu – là giai đoạn thử thách và uốn nắn suy nghĩ, lời nói, hành vi theo lối sống của nhà Phật cho người mới vào tu.
Chúng ta có thể nhận thấy người xuất gia sẽ có pháp tướng là “đầu tròn, áo vuông”, người xuất gia chỉ được mặc áo nâu sòng, áo màu hoại sắc, người xuất gia thì phải phủi đi mái tóc xanh của mình. Người xuất gia mỗi khi đưa tay sờ lên đầu, phải ý thức rằng mình là người tu theo giáo lý nhà Phật, nhận đức Phật – một người có đại hùng, đại lực làm thầy, thì chúng ta phải biết học theo những công hạnh của Phật.
Thế nhưng đối với các chú tiểu mới vào chùa, có vị còn quá nhỏ chỉ gieo duyên vì hoàn cảnh mà chưa có lý tưởng, và có vị chính thức phát nguyện tập sự xuất gia, tất cả đều theo phép tắc chung là phải xuống tóc. Các chú tiểu nhỏ khi vào chùa tuy cũng được xuống tóc nhưng phải chừa lại ba chỏm khá lớn (ba vá) bởi vì đó là tượng trưng cho ý nghĩa tham, sân, si vẫn còn. Vì các chú nhỏ chỉ mới gieo duyên với sự nghiệp xuất gia, chưa biết tu tập nhiều nên căn bản phiền não còn nguyên vẹn. Sau đó các chú tiếp tục được giáo dưỡng, tu tập để dần dần loại bỏ ba chỏm “tham, sân, si”.
Nhờ nương theo chư Tăng tu học một thời gian khá dài nên có oai nghi phép tắc, nhân cách đạo đức tốt hơn, lúc đó các chú tiểu sẽ được cạo sạch hai chỏm hai bên, mang ý nghĩa là tham lam và sân hận trong tâm nhờ tu tập nên đã có phần lắng dịu. Còn lại duy nhất một chỏm trên đầu (phía trước, gần trán) mang ý nghĩa si mê vẫn còn che lấp, vô minh vẫn đang còn ngự trị nên cần phấn đấu tu học, vun bồi phước trí nhiều hơn.
Đến khi hội đủ tiêu chuẩn thọ giới Sa-di (trước đây có vài người tiếp tục để chỏm cho đến lúc thọ giới Tỳ-kheo), thầy bổn sư mới cho phép cạo bỏ chỏm còn lại, chính thức hiện tướng “đầu tròn” của người xuất gia.