Ma lành là thánh trời (ma trời), thần linh, thổ địa, ma tổ tiên còn ma xấu là ma mang lại bệnh tật, ốm đau, rủi ro cho dân bản.
Nghi lễ diễn ra tại một gia đình trong bản do dân bản lựa chọn.
Bàn thờ diễn ra nghi lễ gồm 1 chiếc ghế dài, 1 bát hương (là một bát thóc), 3 chén rượu. Đồ của thầy cúng gồm những đồ vật được buộc dải đỏ gồm: chư ninh (quả nhạc), sấu ninh (vòng cổ) là một vòng tròn to làm bằng sắt đặt ở giữa bàn thờ (đây là vòng cổ của thầy cúng dùng để ngăn chặn tà ma), chỉa ninh (con dao), phủa ninh (khăn trùm đầu), rùa ninh (chiêng), cừ rùa (dùi chiêng); 2 bát con nước bên trong thả mỗi bát 5 đồng bạc (mỗi đồng 2 hào); 1 bát thóc rang nổ thành hoa. Bên cạnh bàn thờ có 2 con gà trống được nhốt trong 2 lu cở (một loại gùi của người Mông).
Ngoài cửa chính đối diện phía bàn thờ đóng 1 cọc tre buộc dải đỏ tượng trưng cho thánh trời, trên ngọn cọc tre có mấu vừa đủ để cắm hương. Họ quan niệm buộc dải đỏ thì ma (gồm thánh trời, thổ địa) mới ngụ ở trong cọc tre ấy.
Nghi lễ Ua nếnh gồm 4 bước:
* Bước 1: Cúng xin phép tìm ra bệnh và cho sức mạnh đi chữa bệnh cho dân
Chủ nhà chuẩn bị một mẹt giấy dó để cúng cho mọi người trong bản, mong không bị ốm đau. Thầy cúng thắp hương, báo cáo tổ tiên, thần linh việc thầy cúng xin được làm người chữa bệnh, tìm ra bệnh và đi chữa trị cho mọi người. Thầy cúng thông báo chọn ngày giờ tốt để tiến hành làm lễ đi chữa bệnh, thường họ chọn giờ con hổ bởi họ quan niệm con hổ có sức mạnh, điều đó giúp cho thầy cúng có đủ sức mạnh để cứu giúp dân bản. Sau đó, thầy cúng cùng một người phụ giúp tiến hành đốt giấy dó. Ông dùng 2 cặp sừng dê được bổ đôi xin tổ tiên, thần linh nếu nhất trí là sừng dê ngửa hết còn nếu đúng bệnh thầy cúng nhìn thấy thì sừng dê sấp hết.
Cúng trong nhà xong, thầy cúng ra ngoài cúng nơi đóng cọc tre buộc dải đó để gọi thánh trời, thổ địa về đây phù hộ cho dân bản. Lễ vật dâng cúng là 1 gà trống, 1 gà mái. Thầy cúng xin âm dương, nếu các cặp sừng dê cùng sấp là thánh trời đã nhất trí. Tiếp đó thầy cúng cắt tiết gà cho vào rượu mời mọi người cùng uống gọi là uống rượu thề để mong tất cả cán bộ, người dân trong bản không bị ốm đau, bênh vực bảo vệ lẫn nhau, có trời chứng kiến. Cúng xong, thầy cúng lại đốt giấy dó tượng trưng cho tiền để biếu thổ địa, thánh trời. Đến đây nghi lễ đã hoàn tất bước đầu tiên.
* Bước 2: Cúng lợn, gà xua đuổi không cho ma rừng, ma gây bệnh theo người về nhà.
Thầy cúng lệnh cho chủ nhà mời tất cả dân bản về tập trung ngồi trước bàn thờ để thầy khấn tìm ra bệnh. Mỗi người được thầy cúng khoác lên vai một dây tiền, ý nói rằng khi cúng đuổi ma xấu thì phải có giấy tiền cho ma. Cùng lúc đó phải có 1 con lợn còn sống đặt đằng sau người ốm (những người dân). Lợn đó thay thế cho linh hồn những người ốm dâng biếu cho ma. Thầy cúng đứng trước ban thờ miệng khấn, tay gõ chiêng và đi vòng quanh những người bệnh. Sau cùng là thầy cúng tiến về phía con lợn, dùng sừng dê hỏi con lợn có nhất trí làm vật hiến tế mang biếu cho ma hay không, hỏi đến khi cặp sừng dê cùng sấp là lợn đã đồng ý.
Thầy cúng tiếp tục đứng trước bàn thờ thông báo với ma rằng những người bệnh có tiền dâng biếu. Tay thầy cúng cầm nắm giấy tượng trưng cho chổi quét ma, đi vòng quanh người bệnh, phẩy nắm giấy đó quanh người họ rồi vứt ra phía con lợn. Tiếp đó, mọi người đem cắt tiết lợn, thầy cúng lấy quả lúc lắc chấm vào tiết lợn rồi triện vào vai hoặc lưng áo từng người ngồi đó để đánh dấu và nói không cho con ma nhập vào người ấy vì lấy con lợn kia cho con ma ăn rồi. Thầy cúng dùng dao kẻ xung quanh chỗ ngồi của người bệnh một vòng tròn làm ranh giới, hàng rào ngăn chặn không cho ma nhập vào những người bệnh.Tiếp đó, thầy cúng đặt dao xuống đất, lấy vòng cổ đưa qua đầu từng người và lôi đến vị trí con dao để người bệnh bước qua. Thầy cúng làm phép như vậy để mỗi người dân bản được bảo vệ, ma nhìn thấy như thế sẽ sợ hãi và không thể làm hại người dân.
Cúng xong, chủ nhà chuẩn bị 1 giá gạo, trên đặt mấy chục quả trứng – đặt theo chiều dựng đứng, 1 đôi gà (1 trống, 1 mái). Thầy cúng gõ chiêng gọi hồn những người bệnh trở về vì họ quan niệm khi cúng xua đuổi tà ma có thể hồn người cũng đi theo nên phải gọi hồn dân bản trở về. Gà cúng sống xong, đem làm sạch luộc chín để cúng chín và xem chân gà, mắt gà. Nếu ngón chân chụm thẳng, mắt gà không thụt sâu mà đầy và đều như nhau là tốt.
* Bước 3: Lên trời mời ma trời xuống phù hộ cho dân bản.
Thầy cúng báo cáo trời, đất, tổ tiên thịt con bò làm vật hiến tế, mong trời, đất, tổ tiên phù hộ cho dân bản không ốm đau. Khấn xong, lấy sừng dê xin nếu cùng sấp là được sự đồng ý rồi đem bò đi giết mổ lấy đầu bò đem vào cúng tế.
Nghi lễ này có 2 thầy cúng (1 thầy chính, 1 thầy phụ). Chủ nhà nhóm một đống lửa nhỏ phía sau ghế thầy cúng để lấy than, cho ít sáp ong vào đống than ngụ ý để tăng sức mạnh cho thầy cúng trong quá trình cúng. Trên bàn thờ đặt rá gạo, trứng khi dùng để cúng gọi hồn về và ít giấy tiền.
Mỗi thầy cúng cầm 2 chư ninh thắp hương. Mỗi người uống một ngụm nước ở hai bát nước chứa đồng bạc trên bàn thờ. Sau lưng hai thầy cúng có người đứng gõ chiêng. Hai thầy cúng tay lắc chư ninh, chận dậm theo nhịp chiêng.
Bên cạnh thầy cúng có người đàn ông cắt giấy dó hình người làm đại diện cho binh lính bảo vệ người dân trong bản. Hai thầy cúng gọi hồn ma trời, ma đất về tiếp sức cho họ đi cầu điều tốt lành cho dân bản, gọi các âm binh (là các hình nhân cắt bằng giấy dó để trên lưng con lợn cúng), ma thổ địa về đi cùng. Sau khi thầy cúng đốt giấy tiền, cúi lạy, âm binh, ma thổ địa nhận lời đi cùng thầy cúng lên hỏi ma trời có phù hộ dân mình hay không. Lên đến trời, thầy cúng báo cáo với ma trời có con lợn mang theo tiền (trên lưng lợn có nhiều giấy tiền), con lợn sẽ ngăn cản không cho người đi theo ma và không cho ma về nhà. Còn có âm binh đi theo để hỗ trợ thầy cúng và bảo vệ con lợn, không cho lợn đi lang thang. Âm binh cùng ma đất mời ma trời xuống phù hộ cho dân bản. Sau khi mời được ma trời xuống cùng với ma đất (ma thổ địa) và âm binh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trở về bản xua đi những điều xấu, mang lại những điều tốt lành cho người dân.
Tiếp đó là nghi lễ cúng đầu bò để mong con bò sẽ ngăn cản ma ở trên trời không cho hại con người, cúng xong sẽ đưa tiễn các ma lành về.
Như vậy lợn dùng để cúng trong nghi lễ này để ngăn cản ma xấu ở dưới đất, còn cúng bò là để ngăn cản ma xấu ở trên trời (ở trên tầng không) không cho hại dân bản.
* Bước 4: Lễ thổi lửa – đuổi ma
Mọi người dân trong bản ngồi tập trung trước ban thờ. Người phục vụ đun nồi mỡ trong khoảng 1 giờ đồng hồ sao cho thật nóng rồi đổ ra một cái gáo – được làm từ một quả bầu khô, cho đồng bạc trắng nguyên chất vào gáo mỡ đó. Thầy cúng thắp đuốc, ngậm ngụm mỡ vừa sôi thổi vào ngọn đuốc cho ngọn lửa bùng lên, cứ làm như vậy và đi vòng quay dân bản. Thầy cúng làm từ phía cửa chính đối diện ban thờ, đi vòng xuống bếp, qua sau lưng mọi người rồi đi ra cửa chính nhằm xua đuổi hết tà ma ra ngoài. Thầy cúng vãi một ít thóc rang, gõ chiêng đi cúng xung quanh người dân, sau đó lấy con dao vẽ vòng tròn lớn xung quanh đám người dân đang ngồi. Vòng tròn đó một lần nữa được vẽ tượng trưng cho bức tường vững chắc để rào chắn, che chở cho người dân trong bản.
Lễ Ua nếnh của người Mông thực sự là một di sản ẩn chứa nhiều giá trị cần được nghiên cứu và bảo tồn. Việc thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đã phần nào khai thác được những thông tin cơ bản về nghi lễ này. Từ đó chúng ta đề xuất những giải pháp để gìn giữ tập tục độc đáo này.