Công giáo

Tiểu sử thánh Martinô Poret

Thánh Martinô Poret là một tu sĩ Dòng Đa Minh, được Giáo hoàng Grêgôriô XVI phong chân phước vào năm 1837 và Giáo hoàng Gioan XXIII phong thánh vào năm 1962.

590

Thánh Martinô Poret sinh năm 1579 mất năm 1639 tại Lima, Pêru, ông là con của một người mẹ da đen và của một người cha hiệp sĩ.

Sáu mươi năm giữa hai niên biểu này là khoảng thời gian Martinô tiến tới miền ánh sáng, trong sự khiêm tốn và hiến mình trọn vẹn để phục vụ các bệnh nhân.

Cuộc tình của cha mẹ Ngài không suôn sẻ lắm, vì màu da của mẹ Ngài đã đưa đến những hất hủi không những cho bà mẹ mà còn cho cả những đứa con xấu số của bà nữa. Nhưng hoàn cảnh đen tối ấy, Martinô lại coi như nén bạc trao tay để Ngài sinh lời, thành bông hoa khiêm tốn tuyệt vời.

Hồi còn là một thiếu niên, Martinô đã chứng tỏ lòng bác ái đầy khiêm tốn phục vụ của mình. Hôm ấy khi theo chị mang thức ăn cho gia đình, Ngài nghe thấy tiếng rên rỉ của một bà lão người da đỏ. Dừng lại Ngài kinh hãi khi thấy một người lính Tây Ban Nha đang hành hạ lão. Đầy thương cảm, cậu thiếu niên Martinô cúi xuống lão già người da đỏ. Nhưng bà thù ghét cự tuyệt: Thằng nô lệ… mày đen đủi. Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ.

Nhưng người thiếu niên da đen này đã không bỏ cậu đi. Cậu nói chuyện với lão già da đỏ cách dịu dàng đến nỗi lão đã thú nhận là ba ngày rồi không ăn thứ gì vào bụng lại chẳng có con cháu gì cả. Martinô đã khóc và đưa tất cả thực phẩm cả ngày đã mua được cho lão già.

Vào thời đó, chỉ cần học một chút nghề cạo gió, cắt lể như Martinô đã học thì đã được coi là đủ để chữa nhiều loại bệnh, như Martinô đã săn sóc các bệnh nhân. Và các con bệnh có thể là loài người hay loài vật, bởi vì mọi loài đau khổ đều có quyền được người bạn da đen này khiêm tốn tận tình săn sóc. Ngài đã chữa lành một con gà tây gẫy giò. Người ta còn nói rằng: Ngài đã làm cho nhiều con vật sống lại.

Vào tuổi 15, Ngài nhập dòng Daminh như một thày dòng ba. Thày thích làm những việc khiêm tốn đến độ đã được biệt danh là “thày chổi”. Tại nhà dòng Đức bà Mân Côi, Ngài vẫn tiếp tục nghề thuốc của mình với một đức ái nhẫn nại vô bờ, như là một y tá của nhà dòng. Ngài kín múc sức mạnh trong kinh nguyện và khổ hạnh, vừa dấu mình làm việc và lần hạt Mân côi, thức đêm để cầu nguyện rồi ngủ trên cái cáng dùng khiêng xác chết.

Trong dòng Ngài cũng vẫn tiếp tục lấy tình yêu để đáp lại những bất công. Một bệnh nhân giận dữ với Martinô, nhưng Ngài đã êm ái nói với họ:

– Anh giận dữ phải lẽ lắm, nhưng cơn giận có thể gia tăng cơn bệnh của anh. Hãy dùng món ăn anh thích này đi và tôi thoa bóp chân cho anh.

Ngài không hề bất nhân, nhưng lại càng lo lắng săn sóc nhiều hơn cho những người tỏ ra độc ác bất công như Ngài.

Martinô đã từ chối không lãnh chức linh mục để có thể tiếp tục làm đày tớ mọi người. Để thưởng lòng trong trắng, đức bác ái và sự khiêm tốn, Thiên Chúa đã ban cho Ngài ơn chữa bệnh, nói tiên tri và làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời trong hương thơm thánh thiện năm 1639.

Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1639 tại Li-ma, và được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 tôn phong Hiển thánh năm 1962.

Cuộc điều tra phong thánh cho Ngài đã sớm khởi sự từ năm 1657, nhưng mãi 200 năm sau, năm 1837, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI mới phong Ngài lên hàng chân phước và 100 năm sau nữa, ngày 6 tháng 5 năm 1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII phong Ngài lên bậc hiển thánh. Hương thơm thánh thiện của Ngài quả là không thể tan loãng theo thời gian.

Tiểu sử thánh Martinô Poret

Trong buổi lễ tôn phong thánh nhân, Đức Giáo Hoàng nói: “Qua những mẫu gương trong đời sống thánh Mác-ti-nô chứng tỏ cho chúng con thấy có thể đạt đến sự cứu rỗi và thánh thiện bằng con đường mà Đức Ki-tô đã vạch ra cho ta, nghĩa là trước tiên chúng ta phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn; rồi yêu tha nhân như chính mình”.

“Thánh nhân đã thâm tín Đức Giêsu-Kitô đã chịu đau khổ vì ta, và trên thập giá Người đã mang lấy tội ta trong chính thân xác Người. Vì thế thánh nhân đã yêu thích đặc biệt Đức Giê-su chịu đóng đinh, và khi chiêm niệm những đau khổ của Người, ngài không thể cầm được nước mắt. Thánh nhân cũng đặc biệt yêu kính Thánh Thể. Thông thường ngài kín đáo chầu Thánh Thể trong nhà tạm nhiều giờ liên tiếp và ngài mong muốn được Thánh Thể nuôi dưỡng càng nhiều càng hay”.

“Rồi vâng theo lời Thầy chí Thánh, thánh Mác-ti-nô đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ trái tim không phai nhòa và tâm hồn khiêm nhu. Ngài yêu mến người khác vì coi họ thực sự là con cái Thiên Chúa và là anh em của ngài. Hơn nữa ngài còn yêu họ hơn mình, vì quả thực, với tất cả khiêm tốn ngài nghĩ họ công chính và hoàn hảo hơn mình”.

“Ngài chữa lỗi cho người khác và tha thứ những sỉ nhục cay cú nhất. Ngài xác tín rằng: do tội đã phạm, mình còn đáng phải chịu những hình phạt nặng nề hơn nữa. Ngài hăng say cố công dẫn đưa tội nhân về đàng ngay. Ngài ân cần trợ giúp người đau yếu, cung cấp cho người thiếu thốn của ăn, áo mặc, thuốc men. Với những nông dân và người da đen hoặc lai, lúc đó bị coi như những nô lệ xấu xa, ngài vỗ về giúp đỡ theo khả năng của mình, và lo lắng cho họ đến độ ngài được quần chúng mệnh danh là “Mác-ti-nô bác ái”. Quả thật, nhờ lời nói gương lành và nhân đức, vị thánh nầy đã lôi kéo được nhiều người theo đạo. Bây giờ ngài còn có thể lạ lùng hướng tâm trí ta về trời…”

Quyết tâm: Noi gương thánh Mác-ti-nô Pô-rê, tôi hết lòng kính mến Chúa và thương yêu mọi người, sống khiêm tốn và sẵn sàng chịu mọi sự sỉ nhục để phụng sự Chúa và anh chị em.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa thánh tu sĩ Mác-ti-nô qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc. Xin cho chúng con ngày nay biết noi gương người, để mai sau được cùng người hưởng vinh quang thiên quốc.

1 ( 1 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm