Nhạc cụ truyền thống trong nghi lễ Chầu Văn

Hát văn (còn được gọi là chầu văn hay hát bóng) là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn).

Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh bởi có sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang. Hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thời kỳ thịnh vượng nhất của nghi lễ Chầu văn là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hát Chầu văn thể hiện khát vọng cao cả hướng tới cái cao đẹp hơn của con người.

Hát Chầu văn có nhiều hình thức khác nhau: hát thờ, hát thi, hát hầu, hát cửa đền. Nhịp điệu và tiết tấu chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả… thì hát Chầu văn cũng mang âm điệu Ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà…

Các nhạc cụ truyền thống trong nghi lễ Chầu văn

Đàn Nguyệt

Đây là nhạc khí dây gảy của dân tộc Việt, hay còn gọi là đàn Kìm, đàn Vọng nguyệt cầm hoặc Quân tử cầm. Mặt đàn hình tròn như mặt trăng rằm nên được gọi là đàn Nguyệt. Đàn Nguyệt với nhiều kỹ thuật độc đáo như nhấn, luyến, vê… nên có khả năng độc tấu và hòa tấu. Đàn Nguyệt được sử dụng phổ biến từ Bắc vào Nam, bởi dự dễ dàng sử dụng và hòa hợp với tiếng nói dân tộc.

Nhạc cụ truyền thống trong nghi lễ Chầu Văn

Đàn Nguyệt là nhạc khí dây gảy loại có cần đàn. Khác với đàn Nguyệt của Trung Quốc, đàn Nguyệt Việt Nam có cần đàn dài hơn, cùng với đó là hàng phím cao. Đàn Nguyệt có 8 phím, sau này gắn thêm 2 phím là 10 theo hệ thống âm nhạc ngũ cung.

Trống Ban

Hay còn được gọi là trống Con, trống Ban là nhạc khí màng rung gõ do người Việt sáng tạo. Đây là loại trống nhỏ, hai mặt được bịt da, đường kính dài khoảng 26cm, tang trống khoảng 26cm.

Phách

Là nhạc khí tự thân vang của dân tộc Việt, phách có nhiều loại khác nhau được sử dụng trong Ca, Múa, Nhạc.

Tiu Cảnh

Đây là nhạc khí tự thân vang gõ được chế tác bởi người Việt Nam. Tiu cảnh gồm hai chiếc Thanh la cỡ nhỏ, được làm bằng đồng thau, đường kính 10cm. Một chiếc thành thấp, một chiếc thành cao, tạo nên hai âm thanh cao thấp với âm vang, màu âm thánh thót.

Thanh la

Là nhạc khí tự thân vang của người Việt, Thanh la được làm bằng hợp kim đồng thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh la có hình dạng như Cồng, Chiêng nhưng không có núm, mặt Thanh La hơi phồng, có thành cạnh và không định âm. Ở cạnh có dùi hai lỗ thủng để xỏ sợi dây quai. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính dao động từ 15cm đến 25cm, dùi gõ làm bằng tre tiện tròn, hoặc gỗ dài khoảng 20cm.

Trống Cái

Đây là nhạc khí màng rung gõ do người Việt sáng tạo, được chế tác bằng gỗ. Với đường kính lớn (khoảng 40 cm, 60 cm đến dưới 1m), mặt trống được bịt da hai mặt. Tang trống cao khoảng 50cm, có 2 đai và móc treo, mặt trống được làm bằng da trâu hoặc bò.

Sáo

Sáo là nhạc khí hơi được làm bằng ống nứa già hoặc ống trúc. Sáo có 1 huyệt thổi hình bầu dục, đây là nhạc cụ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Đàn Tranh

Là nhạc khí dây gảy loại không có cần đàn, đàn Tranh rất phổ biến tại Việt Nam và một số nước Châu Á (như Trung Quốc). Đàn Tranh gia nhập vào Việt Nam và trở thành một nhạc khí trong hệ nhạc khí dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đàn Tranh được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, với tên gọi ban đầu là cây Zeng.

Đàn Nhị

Đàn Nhị (còn có tên gọi là đàn Cò) là nhạc khí dây kéo (bằng cung vĩ), xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam hàng ngàn năm nay. Đây là nhạc khí phổ biến của dân tộc Kinh và nhiều dân tộc khác như Thái, Tày, Mường, Giê Triêng, Khmer…

Kèn Bầu

Kèn Bầu (còn được gọi với những tên gọi khác như kèn Gìa Nam, kèn Loa, kèn Bóp hay kèn Bát), đây là nhạc khí hơi dăm ké; có âm thanh khỏe, vang, nhạc điệu mạnh, rất thích hợp để thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc.

Mõ là nhạc khí tự thân vang phổ biến tại Việt Nam, thường được làm bằng gỗ với nhiều kích thước và hình dáng khác nhau.

Đàn Bầu

Đàn bầu (còn được gọi là đàn Độc huyền) là loại đàn một dây của dân tộc Kinh và một số dân tộc khác như Mường, Chăm. Với âm thanh mềm mại, sâu lắng, ngọt ngào, dễ đi vào lòng người, đàn Bầu được các nghệ sĩ dùng để đệm cho ngâm thơ, độc tấu, tham gia trong Ban nhạc Tài tử, Ban nhạc Xẩm, dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp, Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc, Dàn nhạc Sân khấu Chèo, Cải lương. Đã có tác phẩm viết cho Đàn Bầu độc tấu cùng với Dàn nhạc Giao hưởng.

Nghi lễ Chầu văn đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá khứ và đang phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây, cũng như trong tương lai. Hi vọng bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn biết được những nhạc cụ truyền thống trong nghi lễ Chầu văn, để cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc này.

Updated: 10/11/2023 — 10:35 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *