Văn hóa tâm linh

Nguồn gốc người Việt qua nghiên cứu khoa học

474

1. Nghiên cứu bộ gen người Việt

Câu trả lời đến từ kết quả phân tích mới nhất về gen (genomic) Một trong những sự kiện gây xôn xao ngành y nói riêng và dư luận xã hội nói chung vừa qua là kết quả nghiên cứu về bộ gen người Việt được công bố vào tháng 7 năm 2019. Công trình do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc-công nghệ gen Vimec làm chủ nhiệm, được hoàn thành cuối năm 2018. Sau đó, công trình đã được gửi đăng tạp chí quốc tế có uy tín Human Mutation (tạp chí Sự đột biến của loài người) và được chấp nhận đăng vào tháng 5-2019.

Công trình dựa vào phân tích một tập hợp mẫu gen lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam: lấy mẫu từ 305 người có 3 đời là người Việt (Kinh) và không mắc bệnh di truyền cũng như không có cùng huyết thống với nhau. Nhóm nghiên cứu thực hiện giải trình tự gen trên hệ thống máy giải trình tự hiện đại nhất của hãng Illumina, Mỹ (Hiseq 4000) cho kết quả chính xác với độ sâu và bao phủ lớn các thông tin trên hệ gen. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Nghiên cứu này phát hiện ra hơn 700.000 biến đổi di truyền trên người Kinh chưa được ghi nhận ở bất cứ quần thể người nào khác trên thế giới.

So sánh các biến đổi di truyền ở quần thể người Kinh trong nghiên cứu này với các biến đổi di truyền ở quần thể người Hán Trung Quốc công bố trong dự án 1.000 hệ gen người trên thế giới cho thấy sự khác nhau về bộ gen của người Việt so với bộ gen của người Hán, nhất là người Hán phía Bắc Trung Quốc, khoảng 1/3 số lượng biến đổi di truyền ở quần thể người Kinh không xuất hiện trong quần thể người Hán Trung Quốc và ngược lại.

Kết quả của công trình nghiên cứu công phu nhất về bộ gen người Việt từ trước đến nay đã mở ra cơ sở tham chiếu cho các nghiên cứu y-sinh, từ đó đóng góp vào việc chữa nhiều chứng bệnh của người Việt. Mặt khác, bộ gen người Việt được phân tích lần này kết hợp với kết quả của đợt phân tích trước (101 mẫu) công bố đã cho thấy một số vấn đề liên quan đến nguồn gốc người Việt.

Các nhà gen học cho rằng: Các dữ liệu khẳng định người Việt (Kinh) và người Thái có hệ gen tương đồng cao và quan hệ tiến hóa gần gũi. Trong khi đó, sự giao thoa và dịch chuyển gen từ các quần thể người Đông Á đến quần thể người Kinh Việt Nam là không đáng kể.

Phân tích thành phần chính biểu diễn mối quan hệ giữa các các thể người Việt Nam (KHV), người Thái Lan (TAI), người Indonesia (ID-JV), người Malaysia (MY), người Philipines (PI), người Hán Trung Quốc ở miền nam (CHS), người Hán Trung Quốc ở miền bắc (CHB), người Nhật Bản (JPT) và người Ryukyuan Nhật Bản (JP-RK).

Nguồn gốc người Việt qua nghiên cứu khoa học

Qua biểu đồ phân tích các quần thể gen, các nhà khoa học nhận xét: người Đông Nam Á hiện tại, bao gồm người Kinh Việt Nam có nguồn gốc chính từ người Đông Nam Á cổ đại. Các dữ liệu cũng khẳng định người Kinh và người Thái có hệ gen tương đồng cao và quan hệ tiến hóa gần gũi. Trong khi đó, sự giao thoa và dịch chuyển gen từ các quần thể người Đông Á (người Hán, Nhật, Hàn) đến quần thể người Kinh Việt Nam là không đáng kể.

Nói một cách nôm na là: về mặt di truyền học, người Việt có “bà con” gần nhất là người Thái (biểu đồ có nhiều chỗ chồng nhau), quan hệ xa hơn một chút là Hán phía nam Trung Quốc và xa hơn nữa là người Hán phía bắc, rồi đến người Triều Tiên, người Nhật Bản. Ở một chiều khác, người Việt cũng có quan hệ xa hơn với Philippinnes và Myanma.

Kết quả phân tích gen đã làm các nhà gen học…bất ngờ. Nhưng các nhà khảo cổ học lại thấy…chẳng bất ngờ tẹo nào. Tại sao vậy? Câu chuyện đưa chúng ta trở về vài chục năm trước.

2. Luận điểm của các nhà ngôn ngữ học

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, bốn cuộc hội nghị về thời Hùng Vương được tiến hành, khi bàn đến tiếng nói của người Việt cổ, các nhà ngôn ngữ học mà điển hình là Hoàng Thị Châu đã đề cập đến vấn đề trong tiếng Việt hiện tại có rất nhiều yếu tố Thái. Trần Quốc Vượng thì kể ra một loạt từ gốc Thái có mặt ở vùng Cổ Loa và chính thủ lĩnh nước Âu Lạc là Thục Phán (Túc Phán) cũng là người Tày-Thái đã từng đóng đô ở nước Nam Cương vùng Cao Bằng. Cho đến lúc này, giả thuyết về yếu tố Thái có mặt trong ngôn ngữ Việt cổ có từ thời Hùng Vương đã được đặt ra, nhưng vẫn còn…mờ tỏ.

Sau đó hơn một thập kỷ, một nhóm các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra mô hình của tiếng Việt bao gồm 2 yếu tố: cơ tầng (các từ cơ bản) là Môn Khơ Me, cơ chế (ngữ âm, thanh điệu) là Tày Thái (Phan Ngọc, Phạm Đức Dương). Tuy nhiên, hai ông không đưa ra niên đai xác lập của việc hình thành mô hình này.

3. Nguồn gốc người Việt qua tư liệu khảo cổ học

Trong những năm gần đây, chúng tôi cũng có dịp trình bày vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên ngành. Trên cơ sở công nhận thành quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học về tiếng Việt bao gồm 2 thành phần Môn Khơ Me và Tày Thái, chúng tôi giả thiết rằng: người Việt cổ có nguồn gốc bản địa, nói ngôn ngữ Tiền Việt Mường. Sau đó, muộn nhất, vào thời văn hóa Đông Sơn, người Thái cổ đã di cư tới nước ta và hòa nhập với người bản địa Tiền Việt Mường để tạo thành người Mường cổ và Việt cổ. Chúng tôi đã chứng minh luận điểm này trong hai Hội nghị Thái học.

Chúng tôi cho rằng, vào thời Văn hóa Đông Sơn, đã có một nhóm người Thái cổ (không phải là Hán) trong cộng đồng người Bách Việt ở vùng Vân Nam đã xuôi dòng sông Hồng đến miền bắc Việt Nam. Nhóm người Thái cổ này có quan hệ mật thiết với văn hóa Điền Việt. Họ đã đến vì hai lý do:

Một là do sức ép dồn toa, người Hán đã bành trướng xuống phía nam đẩy người Thái cổ di cư về nam theo dọc sông Hồng, sông Mekong muộn nhất vào thời điểm văn hóa Đông Sơn.

Hai là người Thái là một dân tộc làm ruộng nước, trong quá trình tìm đất canh tác, họ đã tiến về các đồng bằng màu mỡ để tìm đất trồng lúa. Có thể chính Thục Phán An Dương Vương là một thủ lĩnh người Thái đã lập nên Kinh đô Cổ Loa cũng với lý do kinh tế là mở rộng vùng trồng lúa như vậy.

Chúng tôi tạm đưa ra mô hình hình thành dân tộc Việt trong thời điểm văn hóa Tiền Đông Sơn- Đông Sơn như sau:

– Giai đoạn người Thái cổ giao lưu với cư dân Tiền Việt Mường

Nguồn gốc người Việt qua nghiên cứu khoa học

– Giai đoạn chia tách cư dân Việt Mường thành cư dân Việt và cư dân Mường có sự tham gia của yếu tố Thái cổ.

Nguồn gốc người Việt qua nghiên cứu khoa học

Vậy là với thành quả nghiên cứu mới nhất về di truyền học đã khẳng định kết quả nghiên cứu dựa trên khảo cổ học và các khoa học liên ngành của chúng tôi là đúng. Người Thái cổ đến đồng bằng sông Hồng từ rất sớm, hòa huyết với người bản địa lúc này là nhóm người nói tiếng Môn Khơ Me (còn được hiểu là người Tiền Việt Mường, Việt Mường). Vì thế mà trong tiếng nói của người Việt đã có một phần yếu tố Thái và kể cả gen cũng vậy.

Kết quả phân tích gen cũng cho thấy người Việt đã bị người Hán đô hộ ngàn năm, nhưng vẫn không thể đồng hóa về mặt gen. Người Việt vẫn có nguồn gốc bản địa và có thêm yếu tố Thái nữa, cũng là một dân tộc anh em trong nhóm Bách Việt và hiện nay vẫn là một cộng đồng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Hình 2. Mô hình cư dân Thái cổ giao lưu văn hóa với cư dân Tiền Việt Mường và

Việt Mường trong văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn.

Hình 3. Mô hình chia tách cư dân Việt Mường thành cư dân Mường và cư dân Việt.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm