Nguồn gốc đạo Công giáo
Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ mở ra tại nước Do Thái cách đây gần 2000 năm, nên còn được gọi là đạo Gia-tô (Da-tô) hay đạo Ky-tô, đạo Cơ-đốc, cũng thường được gọi là đạo Thiên Chúa hay Thiên Chúa giáo. (Chữ Jésus phiên âm là : Giê-xu, hay Gia-tô (Da-tô); chữ Christ phiên âm là Ki-tô hay Cơ-đốc).
Khi đạo Thiên Chúa bị phân chia ra làm nhiều Giáo hội thì người ta dùng từ ngữ Công giáo để chỉ Giáo hội La-Mã (Roma), phân biệt với các Giáo hội khác.
“Công giáo (Catholicisme) là từ ngữ có nguồn gốc Hy Lạp: Katholicos, có nghĩa là Phổ quát (Universel), để chỉ rằng Thiên Chúa giáo là một tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.
Lúc đầu, Công giáo là một tính từ để chỉ một đức tính của Thiên Chúa giáo là đạo phổ quát. Trong Kinh Tin Kính được soạn thảo ở Cộng Đồng Nicéa I (năm 351) mà ngày nay Giáo hội Chính Thống cũng như Giáo hội Công giáo đều tuyên xưng: “Tôi tin Giáo hội duy nhất, Thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
Đạo Công giáo tại Việt Nam
Công giáo được truyền sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. Các vua quan thời nhà Lê gọi Công giáo là Hoa Lang giáo (tức là đạo của người Bồ Đào Nha, đạo của người Châu Âu). Dưới thời nhà Nguyễn, Công giáo được gọi là đạo Da-Tô (cũng viết là Gia Tô), có khi cũng gọi là đạo Cơ-Đốc.
Đạo Công giáo là tổ chức tôn giáo đem tin vui hay Phúc âm của Đức Giêsu Kitô cho mọi người, để biến đổi mọi người theo Phúc âm của Đức Giêsu Kitô nghĩa là để Phúc âm hóa mọi người.
Phúc âm này cho biết rằng: Thiên Chúa vì yêu thương đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và con người, để chia sẻ hạnh phúc cho họ. Nhưng con người nghe theo quỷ dữ cám dỗ, không muốn vâng phục Thiên Chúa rồi sa ngã trong tội lỗi, phải đau khổ và chết. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương đã cử Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đến trần gian, không những báo tin vui cho mọi người biết dù loài người đã không vâng phục Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn cứu họ; mà còn đích thân thực hiện việc cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi, khỏi chết; đồng thời Đức Giêsu Kitô còn thiết lập Giáo hội Công giáo để sau khi Người hoàn tất việc cứu chuộc rồi về trời, Giáo Hội Công Giáo nối tiếp công việc của Người ở trần gian, loan báo Phúc âm của Người cho mọi người, quy tụ họ vào Giáo hội để họ lại có thể chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa.
Thời gian đầu, những người theo Đức Kitô thường được gọi là Kitô hữu. Đầu thế kỷ II đạo của Đức Kitô được gọi là Kitô giáo. Về sau để phân biệt với các đạo khác như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo… người ta quen gọi là đạo Công giáo.
Tất cả những công việc vừa tóm tắt trên, như:
– Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, chọn các tổ phụ, các tiên tri và chọn dân riêng của Thiên Chúa, được ghi chép cẩn thận trong các sách Cựu Ước (46 sách).
– Thiên Chúa cử Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, loan báo Phúc âm và thực hiện việc Phúc âm hóa, được ghi chép trong sách Tân Ước (27 sách).
Đạo Công giáo lấy đạo lý, sức sống và sức mạnh của mình từ Thiên Chúa, từ Sách Thánh (Cựu ước và Tân ước) và từ Thánh Truyền (là những thói quen trong lối sống nếp nghĩ của dân được truyền lại).
Các ngày lễ quan trọng của Đạo Công Giáo
1. Lễ Phục Sinh
Mùa Phục Sinh thường rơi vào tháng 4 hằng năm. Đây là ngày kỷ niệm ngôi hai Thiên Chúa sống lại sau 3 ngày bị đóng đinh vào thập giá vì chuộc tội cho người dân. Đây là ngày lễ quan trọng và là một mùa chay lớn của người Công Giáo hằng năm.
2. Lễ Chúa Lên Trời
Theo lời Tiên Tri thì sau khi Chúa Giêsu sống lại rồi người sẽ lên trời 40 ngày sau. Trong Tân Ước cũng có ghi lại, sau khi sống lại, Chúa Giêsu ở lại cùng các môn đệ 40 ngày rồi mới kết thúc sự hiện diện của mình nơi trần thế. Lễ Chúa Lên Trời thường rơi vào ngày Thứ Năm nhưng các Giáo Hội cũng có thể dời vào Chúa Nhật kế tiếp để mọi người tiện tham dự.
3. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Sau khi Chúa Giêsu lên trời thì Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông đồ và Hội Thánh mới thành lập. Đây cũng được xem là một lễ trọng của người Công Giáo và được cử hành vào ngày thứ năm mươi của mùa Phục Sinh. Một số nơi còn gọi đây là lễ Hiện Xuống.
4. Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Bên cạnh Đức Chúa Giêsu thì Đức Mẹ Maria cũng được nhiều người tin yêu. Lễ Đức Mẹ lên trời là lễ xưa nhất trong các ngày lễ dành cho Đức Mẹ. Lễ rơi vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Một số nơi cũng gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc. Và tuỳ mỗi nơi có thể có thêm chuộc lễ và ngày tạ ơn Đức Mẹ.
5. Lễ các Thánh
Lễ các Thánh được tổ chức vào ngày 1 tháng 11 hằng năm là ngày lễ trọng nhằm tôn vinh các vị Thánh trên Thiên đàng. Đây cũng là dịp để giáo dân học theo các Thánh để nhân loại luôn nhớ đến các việc lành phúc đức, rao giảng tin mừng, sống đẹp lòng Chúa.
6. Lễ Giáng Sinh
Lễ Giáng Sinh hay Noel là ngày lễ trọng cuối cùng trong năm của đạo Công Giáo. Giáng sinh nhằm ngày 25 tháng 12 hằng năm nhưng từ trước đó một tháng người dân đã chuẩn bị trang trí để đón mừng ngày Chúa Giêsu ra đời. Không chỉ các nhà thờ mà ngay cả nhà giáo dân và khu vực xóm đạo cũng giăng đèn, làm hang đá hết sức lộng lẫy thu hút sự chú ý của mọi người cả trong và ngoài đạo.
Cũng giống như bao Đạo giáo khác thì Đạo Công Giáo cũng muốn dạy những điều tốt đẹp cho giáo dân của mình. Ngoài ra niềm tin tín ngưỡng cũng giúp giáo dân vượt qua được những thời điểm khó khăn. Mong rằng chút kiến thức về Đạo Công Giáo đã giúp mọi người hiểu hơn về tôn giáo linh thiêng này.