Miếu thờ ai?
Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, được xây dựng để thờ cúng một vị thánh thần nhất định. Miếu có quy mô nhỏ hơn đền, thường được tọa lạc ở nơi xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và chỉ là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần.
Những người được thờ ở miếu rất đa dạng, có thể gọi chung là thần linh. Như miếu Phật bà Quan Âm, miếu Thổ Thần, miếu Sơn Thần, miếu Thủy Thần, miếu Ông Hổ, miếu Hà Bá, miếu Cô, miếu Cậu…
Miếu thờ được xây ở đâu?
Miếu thường được xây trên gò cao, thường là ở đầu làng hoặc cuối làng, cũng có thể là bờ sông hoặc nơi sườn núi. Nơi xây miếu thờ phải là những nơi yên tĩnh, không bị ồn ào của đời sống dân sinh để thần linh an vị.
Theo phong tục văn hóa dân gian, khi người dân định cư nơi nào thì lập miếu thờ Thổ Thần ở đó. Thổ Thần tức là một vị Thần cai quản đất đai trong vùng.
Trong gia đình, ngoài bàn thờ tổ tiên, ông bà nhiều nhà còn có một cái miếu thờ nhỏ được gọi với nhiều tên khác nhau như am thờ ngoài trời – cây hương thờ thần linh – bàn thờ thiên được dùng để thờ gia thần. Gia thần không phải là tổ tiên mà là ( TÁO PHỦ THẦN QUÂN ) tức là thờ thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ.
– Thổ Công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình.
– Thổ Địa là thần long mạch, mạch đất của gia đình.
– Thổ Kỳ là thần trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa.
Miếu thờ được xây như nào, bằng gì?
Mẫu miếu thờ thần linh được xây với nhiều kích thước và kiểu dáng khác nhau theo thước Lỗ Ban 39 cm. Và khi xây dựng miếu thờ cũng cần phải quan tâm đến diện tích để xây miếu sao cho phù hợp với khuôn viên.
Thông thường miếu thần linh thường được xây dựng bằng gạch. Nếu xây bằng đá thì có độ bền cao, chịu đựng được tác động của thời tiết phù hợp cho việc thờ thần linh, thổ thần ngoài trời.
Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần linh như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng thường mở tế lễ, mở hội, nghênh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu để yên vị.