Trong các chi tiết, Ngài cố gắng nói với chúng ta điều gì đó. Đây là một ý nghĩa “chi tiết” đáng cho chúng ta chú ý: Khi sai Đấng Cứu Thế đến với chúng ta, Thiên Chúa gởi Ngài đến một gia đình, Gia Đình Thánh ở Nagiarét.
Thiên Chúa đã có thể chọn một cách khác. Có thể Chúa Giêsu xẹt xuống trần gian như vài siêu nhân đến từ một hành tinh khác, hay bất thần xuất hiện như một người lạ bí ẩn. Nhưng sự kiện là Chúa Cha đã trao phó Con của Ngài cho hai vợ chồng nhân loại, là Maria và Giuse.
Chúng ta có thể học được gì từ sự kiện Chúa Giêsu có một gia đình trên trái đất? Nó có ý nghĩa gì đối với cha mẹ và con cái ngày nay? Chúng ta có thể bắt chước được điều gì về cuộc sống của gia đình Thánh Gia không?
Một cách rõ ràng nhất để tiếp cận những câu hỏi này là xem xét kỹ hơn gia đình mà Chúa Giêsu đã lớn lên. Trong gia đình của chính Thiên Chúa có những gì?
Thoạt nhìn, thật khó nói. Mặc dù hai sách Tin mừng: Mátthêu và Luca mô tả các sự kiện xung quanh sự ra đời của Chúa Giêsu, nhưng Kinh thánh chỉ đưa ra một giai thoại duy nhất về thời thơ ấu của Ngài: cuộc hành hương của Thánh Gia đến Đền thờ Giêrusalem (Lc 2,41-52). Vì lý do này, những năm lớn lên của Chúa Giêsu thường được gọi là “đời sống ẩn dật” ở Nagiarét.
Những câu chuyện kỳ lạ. Một số tín hữu thời sơ khai cảm thấy thất vọng vì Kinh thánh thiếu các chi tiết và cố gắng điền vào chỗ trống bằng cách bịa ra những câu chuyện ngoạn mục. Có những lý do chính đáng khiến chúng ta không tìm thấy những câu chuyện như vậy trong Kinh thánh. Giáo hội đã loại bỏ chúng vì không đúng sự thật, và thực sự chúng không đạt đến tiêu chuẩn của phép lạ được đặt ra trong các sách Tin mừng đích thực. “Cậu bé siêu nhân làng Nagiarét” làm phép lạ để trả thù cho thỏa đáng, để đạt được lợi thế trong nghề nghiệp và xua đuổi những kẻ tấn công hoặc xúc phạm mình: không có câu chuyện nào trong này về Chúa Giêsu mà chúng ta biết tới, Đấng chỉ làm phép lạ để phục vụ người khác và là Đấng kiên nhẫn chịu đựng những lời lăng mạ và thậm chí bạo lực từ những người chống lại mình.
Không, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã trải qua thời thơ ấu của mình một cách hết sức bình thường. Trên thực tế, Gioan cho chúng ta biết rằng Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên khi biến nước thành rượu tại Cana (2,1-11). Rõ ràng, sự vinh hiển của Con Một của Thiên Chúa phần lớn bị che giấu trong ba mươi năm đầu cuộc đời của Ngài trên trần thế.
Vì vậy, câu hỏi vẫn còn là: Chúng ta có thể học được gì từ sự kiện Thiên Chúa bước vào lịch sử qua con đường gia đình? Chắc chắn, chúng ta được mời gọi theo một cách nào đó để noi gương Thánh Gia. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể học hỏi từ những gì chúng ta không thể nhìn thấy được?
Khám phá “Cuộc sống ẩn dật”. May mắn thay, chúng ta có thể bắt đầu nhìn thoáng qua về “cuộc sống ẩn dật” khi chúng ta suy gẫm thêm một chút về bằng chứng từ Kinh thánh. Sách Giáo lý tóm tắt lại như thế này: “Trong suốt phần lớn cuộc đời, Chúa Giêsu đã chia sẻ tình trạng của đại đa số con người: một cuộc sống hằng ngày không có gì nổi bật, một cuộc sống lao động chân tay. Đời sống tôn giáo của Ngài chính là một người Do Thái tuân theo luật pháp của Thiên Chúa, một đời sống trong cộng đồng” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 531). Điều này gợi ý một vài dòng suy gẫm.
Rõ ràng nhất, Thánh Gia có một đời sống tâm linh sâu sắc. Khi nuôi dưỡng Chúa Giêsu, cả Maria và Giuse đều nêu gương cầu nguyện và tin cậy nơi Thiên Chúa. Mỗi người đã nghe và chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa qua sứ điệp của thiên thần – các ngài đã vâng lời và hòa hợp với Chúa Thánh Thần. Các ngài cũng thấm nhuần Kinh thánh. Lời cầu nguyện của Maria, Kinh Magnificat, rất giàu các trích dẫn Cựu Ước (Lc 1,46-55). Giuse cũng phải biết Kinh thánh: Các Tổ phụ Do Thái vào thời của ông có trách nhiệm chính là hướng dẫn các con trai về những chỉ dẫn và sự mặc khải của Thiên Chúa cho dân Israel.
Từ thời trưởng thành của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhìn thoáng qua đời sống cầu nguyện mà Ngài học được từ cha mẹ mình. Ngài đọc kinh nguyện buổi sáng của những người Do Thái ngoan đạo (Mc 12,29-30). Ngài cầu nguyện một cách tự phát. Ngài dành thời gian để cầu nguyện một mình. Tuy nhiên, Ngài cũng cầu nguyện với bạn bè của mình. Chúa Giêsu đã ăn chay và chú ý những ngày thánh. Ngài đến Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua và các lễ hội hành hương khác trong năm của người Do Thái. Tất cả những thói quen này có lẽ Ngài đã có được từ cuộc sống tại gia của mình ở Nagiarét. (Bạn có thể coi đây là một dự án gia đình trong năm nay để tra cứu và thảo luận về một số ví dụ trong Kinh thánh này về Chúa Giêsu khi cầu nguyện).
Công việc cũng quan trọng đối với gia đình của Chúa Giêsu. Giuse, với tư cách là trụ cột gia đình, đã thành thạo nghề nghiệp mà ngài đã truyền lại cho Chúa Giêsu. Khi trưởng thành, Chúa Giêsu không chỉ được gọi là “con trai của Giuse” mà còn là “con trai của người thợ mộc” (Lc 4,22; Mt 13,55). Hình ảnh Giuse và Chúa Giêsu cùng làm việc trong xưởng và trong các dự án xây dựng nói lên phẩm giá thiết yếu của công việc. Nó cũng cho thấy rằng các ngài đã biết điều gì đó về thực tế như mệt mỏi trong công việc, khách hàng kén chọn và thanh toán muộn!
Có thể chắc chắn rằng lối sống của Thánh Gia rất đơn giản. Maria và Giuse rất nghèo (nhớ lại mô tả của Luca về sự ra đời và sự dâng con của Chúa Giê-su – 2,1-24). Các ngài phải dè chừng chi tiêu của mình. Chúng ta có thể kết luận qua lời rao giảng của Chúa Giêsu rằng Maria cần cù và tiết kiệm trong việc nội trợ. Có thể từ gương của mẹ mình, Chúa Giêsu đã rút ra nhiều câu chuyện yêu thích của Ngài: một người phụ nữ tìm được tấm vải phù hợp để vá một chiếc quần áo, một người phụ nữ để dành men nướng cho ngày mai, một bà góa đang tìm kiếm đồng xu bị mất trong nhà.
Bình thường, như chúng ta. Thánh Gia làm việc chăm chỉ, vật lộn để trả các hóa đơn, có những chuyến đi xa, cầu nguyện và các việc đạo đức đơn giản – đây là những gì mà các sách Tin mừng thực sự nói với chúng ta về Thánh Gia. Thật khác xa với chuyện phim “Dennis the Menace – Cậu bé Dennis, mối đe dọa”, người đã khiến cha mẹ cậu ta phát điên vì chuyên đi chọc tức người ta!
Cuộc sống rất ư… bình thường. Và theo một cách nào đó, đó không phải là điều khiến nó đáng sợ sao? Từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu tại sao những người kể chuyện đời xưa đó lại thích nghĩ về Thánh Gia như một loại Gia đình Addams tốt lành (phim Gia đình Addams – The Addams Family). Nếu chúng ta làm nổi bật sự khác biệt của chúng, điều đó cho phép chúng ta dễ dàng bỏ qua. Ai có thể trách chúng ta vì đã không bắt chước các ngài?
Nếu Thánh Gia khác thường so với chúng ta, chúng ta không cần phải bắt chước. Nhưng vì Kinh Thánh và Sách Giáo Lý đã nói đúng, nên chúng ta có bổn phận phải làm cho gia đình của mình trở nên thánh thiện như Thánh Gia đã sống thánh thiện. Năm mới là thời điểm lý tưởng để thực hiện mục tiêu này một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Hãy cân nhắc đưa ra một số “quyết tâm cho năm mới” để giúp gia đình bạn phát triển “cuộc sống ẩn dật” thánh thiện của riêng mình.
Hãy biến ngôi nhà của bạn thành nơi cầu nguyện. Một ngày của bạn không nên bị chi phối bởi những việc đạo đức, nhưng bạn nên có những giờ phút cầu nguyện gia đình thường xuyên, giống như Thánh Gia đã làm. Các ngài cầu nguyện và học Kinh thánh, nhưng vẫn cố gắng chu toàn công việc của mình.
Chắc chắn, bạn và gia đình của bạn rất bận rộn. Tất cả chúng ta đều bận rộn. Nhưng nếu bạn có thể dành thời gian trong ngày để xem TV, nghe radio, ăn vặt, hoặc lướt web, thì bạn có thể dành thời gian để cầu nguyện với gia đình. Có nhiều cách để làm điều này, và bạn nên tìm kiếm cách nào phù hợp nhất với gia đình của mình. Hãy bắt đầu với một giờ cầu nguyện ngắn gọn và có thể duy trì được, sau đó mới từ từ dành thêm thời gian để phát triển nó.
Trưng bày một hình ảnh Thánh Gia. Hãy trưng bày một ảnh tượng Giáng sinh quanh năm, trên lò sưởi hoặc trên kệ ở nơi dễ nhìn. Treo một tấm hình hoặc một tấm thiệp Giáng sinh đặc biệt đẹp đẽ ở nơi nào đó bạn sẽ nhìn thấy nó hằng ngày, hoặc trưng bày ảnh tượng của Thánh Gia trong nhà bạn quanh năm. Giống như những bức ảnh được đóng khung về những người thân yêu quý của bạn, nó sẽ nhắc bạn biết bạn là ai, bạn đến từ đâu và những tiêu chuẩn bạn muốn sống.