Giáo tỉnh là gì?
Theo quy định tại Điều 413 của Bộ giáo luật Công giáo 1983 thì “Để cổ vũ hoạt động mục vụ chung giữa nhiều giáo phận gần nhau, tùy theo hoàn cảnh con người và địa phương, cũng như để thắt chặt mối quan hệ tương trợ giữa các Giám mục Giáo phận hơn nữa, các Giáo hội địa phương gần nhau phải được kết hợp thành các giáo tỉnh được giới hạn trong một địa hạt nhất định”.
Giáo tỉnh tuy không phải là một cấp hành chính đạo chính thức nhưng Giáo tỉnh có tư cách pháp nhân theo Luật trong tổ chức giáo hội.
Người đứng đầu Giáo tỉnh là một Tổng Giám mục và Tổng Giám mục sẽ có các quyền hạn chất định như: Liệu sao để đức tin và kỷ luật Giáo hội được tuân giữ cách chu đáo, nếu có những lạm dụng xảy ra thì thông báo cho Đức Giáo hoàng Roma biết; Thực hiện việc kinh lý theo Giáo luật; đề cử Giám mục địa phận sau tám ngày trống ngôi mà chưa có Giám quản; Tổng Giám mục có quyền cử hành mọi nghi lễ tại các nhà thờ trong Giáo tỉnh sau khi báo cho Giám mục địa phận biết.
Nếu là tại nhà thờ Chính tòa của địa phận thì Tổng Giám mục có thể cử hành nghi lễ như một Giám mục trong chính địa phận của mình.
Giáo miền là gì?
Theo quy định tại Điều 439 của Bộ giáo luật Công giáo thì “Công đồng Giáo miền là công đồng tập hợp tất cả các Giáo hội địa phương thuộc cùng một Hội đồng Giám mục, phải được tổ chức mỗi khi Hội đồng Giám mục ấy xét thấy cần thiết hay hữu ích với sự phê chuẩn của Tông tòa”.
Giáo miền không phải là cấp hành chính đạo của Giáo hội nên không nhất thiết có tư cách pháp nhân trong hệ thống tổ chức của Giáo hội.
Thực chất của Giáo miền chính là một hình thức liên hiệp các Giáo hội địa phương để tăng cường sự hợp nhất giữa các Giám mục nhằm hỗ trợ cho việc truyền giáo, quản lý hoạt động mục vụ và thiết lập mối quan hệ giữa tổ chức giáo hội với chính quyền nhà nước.
Thông thường các Giám mục trong Giáo miền sẽ lập ra Hội đồng Giám mục; Hội đồng Giám mục này sẽ có nhiệm vụ triệu tập công đồng toàn miền để bàn thảo và định ra những nghị quyết, đường hướng hoạt động trong khuôn khổ giáo hội cho phép.