Giai thoại về Đức Phật Thầy Tây An và “thập nhị hiền thủ”

Trên đường vân duSau khi rời làng Tòng Sơn, Đức Phật Thầy Tây An (tên thật là Đoàn Minh Huyên (1807- 1856), quê ở tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đến vùng Bảy Núi, An Giang lập làng dưới chân núi Két. Ông là một nhà […]

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Trên đường vân du

Sau khi rời làng Tòng Sơn, Đức Phật Thầy Tây An (tên thật là Đoàn Minh Huyên (1807- 1856), quê ở tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đến vùng Bảy Núi, An Giang lập làng dưới chân núi Két. Ông là một nhà nho yêu nước có nghĩa khí lớn và lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Không khuất phục trước sự bóc lột hà khắc của triều đình nhà Nguyễn cùng bọn vua quan phong kiến thối nát lúc bấy giờ, Đức Phật Thầy Tây An đã bỏ làng ra đi. Trên bước đường vân du, ông thấy dân làng Tòng Sơn bị bệnh dịch tả, truyền nhiễm khắp nơi. Đầu trên, xóm dưới, đâu đâu cũng có người chết vì dịch tả, chết đến nỗi không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ, làng xã giết heo bò để… “tống gió” nhưng vẫn không ăn thua. Ngoài đường vắng người đi, ban đêm chó không dám sủa. Hễ nghe tiếng lộp cộp là nhiều người lạnh da gà vì biết trong xóm vừa có một nắp quan tài được… đóng lại. Vốn biết chữ nho và một vài y thuật nên Đức Phật Thầy Tây An đã trực tiếp ra tay bốc thuốc cứu người. Nhờ cái tài của ông mà đã đẩy lùi được trận dịch tả cho dân nghèo. Sau khi hết bệnh, dân làng đến tạ ơn ông thì cũng chính là lúc Phật Thầy Tây An lên đường tiếp tục sang làng khác để bốc thuốc cứu người. Ngoài ra, ông còn răn dạy mọi người hãy đối nhân xử thế sao cho đúng 4 cái ơn: Ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam bảo, ơn đồng bào nhân loại.

Tương truyền, trên đường ngang qua làng Tinh Thới, Đức Phật Thầy Tây An gặp lúc cây da to tróc gốc ngã xuống sông, lấp cả đường nước làm ghe xuồng bị tắc nghẽn lối đi nên đậu dồn, kẹt cứng cả khúc sông. Sau đó, dân làng mới rủ nhau xúm lại cột dây kéo cây da vào bờ. Công việc kéo cây cả nửa ngày trời mà vẫn vô hiệu. Bởi, cây da quá nặng không tài nào nhích nổi, người dân định giải tán thì Đức Phật Thầy Tây An bèn ngỏ lời để ông kéo hộ. Ban đầu, thấy Đức Phật Thầy Tây An ốm yếu, mọi người những tưởng là ông nói đùa, họ cười bảo: “Chúng tôi thân hình lực lưỡng và đông như thế này mà kéo còn không đi, ông ốm yếu quá, làm sao tiếp nổi?”. Thế nhưng, bằng sự thuyết phục của ông, dân làng chịu lội xuống nước, cột dây lại và sắp thành hai hàng để chờ xem ông khách bộ hành định kéo như thế nào. Khi Đức Phật Thầy Tây An đứng giơ tay lên hè một phát thì hai hàng dây của tốp người vừa hơi căng thẳng, cây da từ từ xếp ngọn vào bờ. Cũng từ hôm đó, trống được đường nước nên những ghe xuồng đậu lại mấy hôm mới di chuyển được…

Giai thoại về Đức Phật Thầy Tây An và “thập nhị hiền thủ”

Theo các vị trong Ban Quản tự chùa Thới Sơn kể, đạo của Đức Phật Thầy hết sức giản dị và cao cả, đó là đạo làm người, tu tại gia và luôn quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó. Với uy tín và đức độ của Đức Phật Thầy, triều đình phong kiến ngày càng lo sợ, rồi viện cớ quy tội gian đạo sĩ để bắt Thầy. Tuy nhiên, do không có chứng cứ nên phải phóng thích Thầy. Để tránh sự hoài nghi của nhà cầm quyền lúc bấy giờ, Đức Phật Thầy đã tìm về núi Sam ở trong một ngôi chùa sẵn có do phái Lâm Tế lập ra và đã được triều đình chứng nhận. Chùa này thờ Phật, gõ mõ, tụng kinh không giống cách trần thiết và hành đạo của Ngài. Để thực hiện cho kỳ được giáo pháp vô vi chân truyền, Đức Phật Thầy Tây An bắt đầu tìm những nơi xa xôi hẻo lánh để lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, mà thuở ấy Ngài cho gọi là Trại ruộng, để đem bổn đạo tới đó vừa tu niệm, vừa làm vừa ăn. Bằng cách ấy, Ngài đã biểu thị tinh thần Phật giáo vị nhân sinh, lúc nào cũng vì đời, vì người. Lúc này, khắp vùng Thất Sơn không đâu Ngài không bước đến, thỉnh thoảng Ngài đến những Trại ruộng để truyền dạy đạo pháp cho tín đồ.

Ông Huỳnh Văn Điều, cựu chiến binh huyện Tịnh Biên kể lại những điều ông nghe được từ những người cao tuổi truyền lại, khi về vùng Bảy Núi, Đức Phật Thầy Tây An đã nhận đệ tử và chiêu mộ nhân tài. Hồi xưa, nơi đây hoang vu hẻo lánh, cọp beo, rắn rít nhiều vô kể, nhưng Thầy vẫn bám trụ và khai hoang vùng đất này. Đặc biệt, Thầy có công khai phá và lập nên 2 làng: Hưng Thới và Xuân Sơn, hướng dẫn cho nhân dân khai khẩn phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Thầy còn lập ra 3 cơ sở thờ tự: Chùa Phước Điền (còn gọi là Trại ruộng); đình Thới Sơn (Trại rẫy); chùa Thới Sơn (gọi là chùa Phật).

Quyết giữ vùng đất thiêng

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu viết, Thất Sơn nằm trên địa phận Châu Đốc, đặc biệt là sông Cửu Long và những dãy Thất Sơn. Ở đầu nguồn quanh co uốn khúc chẳng khác nào “Sơn Long hườn khúc”, chảy vào địa phận Việt Nam được nối liền với kênh Vĩnh Tế lại càng giao hội gần nhau. Thất Sơn (tức là Bửu Sơn, Bảo Sơn), còn Cửu Long (tức là Bửu Giang, Bảo Giang). Cả hai kết hợp với nhau quý báu vô ngần. Theo các nhà nghiên cứu địa lý, đầu nguồn sông Cửu Long là sông Lan Thương (Trung Quốc), mà sông này lại do 2 sông Trác Khúc và Cát Khúc tạo thành. Khi chảy vào Việt Nam, chia làm 2 hai nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang đổ ra biển bằng chín cửa gọi là Cửu Long nên được mệnh danh là “đất chín rồng”. Trong khi đó, hễ một dòng sông bắt nguồn từ nơi đất “hiển linh” cùng núi cao ngàn năm không người ở, rừng rậm ngàn năm không ai lui tới, phóng lượng sóng nghênh ngang, ngàn thu không cạn thì con sông đó sẽ kết tụ thành một địa danh, địa huyệt rất linh hiển và phì nhiêu về vật chất.

Khoảng năm 1851, vâng mệnh Đức Phật Thầy Tây An, Đức Quản cơ Trần Văn Thành cùng một số tùy tùng lên núi tìm gỗ “lào táo” (một loại gỗ chắc ở vùng Bảy Núi) vuốt, đẽo theo hình búp sen và khắc bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”, rồi đem cắm 5 cây thẻ ở 4 phương và 1 cây thẻ trung tâm để hun đúc “hồn thiêng sông núi”.

Qua tìm hiểu và đi thực tế, chúng tôi được biết, cây thẻ số 1(Đông phương Thanh Đế) được cắm ở làng Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành. Đây là cây “thẻ ẩn” được cắm khuất dưới hòn non bộ nằm ở bàn thông thiên có “quần long phục thức”, trông rất nghiêm trang và huyền bí. Bên trong là Dinh Quan Thẻ thờ “Tiền Đình Hậu Tự”, trước thờ Quan Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực… Còn cây thẻ thứ 2 (Bắc phương Hắc Đế) cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú). Đây là cây thẻ lộ thiên rõ nhất được quấn lớp vải đỏ thờ rất nghiêm trang trong một đền thờ giữa 2 hàng gươm giáo. Đối với cây thẻ số 3 (Tây phương Bạch Đế) được cắm ở chùa Bồng Lai Cổ tự, ven kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc). Riêng cây thẻ số 4 (Nam phương Xích Đế) thì được cắm ở làng Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Vì nằm ở giữa rừng tràm ngập nước nên vị trí không xác định, do đó đã thất lạc nơi cắm thẻ cho đến ngày nay. Đặc biệt, cây thẻ số 5 (Trung ương Huỳnh Đế) được xem là nơi trung tâm và là cây thẻ chính được cắm tại ấp Vồ Đầu trên núi Cấm.

Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, việc Đức Phật Thầy Tây An sai đệ tử cắm thẻ ở những nơi chỉ định là một hình thức làm dấu hoặc cho biết ranh đất hay còn gọi là cắm ranh, cắm mốc giới. Mốc giới ấy dùng làm giới hạn, xác định vùng đất này đã có chủ. Theo giảng nhà láng, Đức Phật Thầy có viết, cắm thẻ là để nhằm ngăn chặn “kẻ dữ” xâm phạm chủ quyền địa giới, chứ không nói gì đến việc trấn ếm hay giải trừ trấn ếm ai.

“Trong tinh thần bảo tồn, nhất là bảo tồn cổ vật mang tính tâm linh, người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã nhổ một số cây thẻ đặt trong lồng kiếng thờ trong ngôi miếu, người ta xem đây là “vật thiêng” được nhân cách hóa lên thành “ông Thẻ”. Điều này, không ngạc nhiên bởi nó được dùng rất nhiều và phổ biến trong dân gian Nam Bộ. Điển hình như con cọp thì gọi “ông Cọp”, con cá sấu thì gọi “ông Năm Chèo”, đôi trâu của Đức Phật Thầy Tây An dùng để khai hoang thì gọi là “ông Sấm, ông Sét”… Do đó, việc cắm thẻ ở các nơi thuộc vùng Thất Sơn có thể mang ý nghĩa là những cột mốc để người trong đạo biết chừng mà bảo vệ “chủ quyền”, ngăn chặn kẻ gian lấn cướp thành quả do chính mình khai phá” – ông Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định.

Hào khí Bảy Thưa

Ngày nay, khi nhắc đến Đức Phật Thầy Tây An và “thập nhị hiền thủ” của ông, đặc biệt là Đức Quản cơ Trần Văn Thành được cư dân Nam Bộ luôn tôn kính và ghi nhớ.
Đúng vào dịp kỷ niệm 140 năm ngày Đức Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, chúng tôi tìm về xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú). Vào những ngày diễn ra lễ hội, hàng chục ngàn người dân từ khắp nơi đổ xô về đây cúng viếng. Khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Đức cố Quản Trần Văn Thành khởi xướng thì nhiều người dân địa phương nhớ rất rõ. Người dân nhớ cuộc khởi nghĩa của “đạo binh” Trần Văn Thành như một dấu son chói lọi trong sự nghiệp chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.
Nhắc về thời khắc lịch sử ấy, ông Phạm Công Thưởng (84 tuổi) cháu cố của Đức cố Quản Trần Văn Thành vẫn còn nhớ như in về hào khí Bảy Thưa của ông mình. Cụ Phạm Công Thưởng bồi hồi kể: “Ông cố tôi tên thật là Trần Văn Thành (1817-1873) quê ở làng Bình Thạnh Đông (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân), một đồ đệ giỏi của cụ Đoàn Minh Huyên. Nhờ có văn võ song toàn nên ông được tuyển dụng làm chức Suất đội chỉ huy khoảng 50 binh sĩ. Từ đó, ông tôi theo các tướng lĩnh nhà Nguyễn đánh bại quân xâm lược Xiêm La và Chân Lạp. Do lập nhiều công trận, ông được thăng chức từ Suất đội lên Chánh Quản cơ chỉ huy 500 binh lính. Theo lịch sử ghi lại, khoảng tháng 6-1867, quân đội Pháp chiếm thành Châu Đốc, ông tôi đem toàn bộ lực lượng về Láng Linh xây dựng căn cứ địa kháng chiến lâu dài…”.

Nói về vùng Láng Linh xưa, ông Phạm Công Thưởng cho biết, là một cánh đồng bao la bát ngát, không kênh rạch dẫn vào, đế sậy mọc kẹo nẹo, nhiều chỗ nước đọng sình lầy quanh năm, có nhiều thú dữ và rắn độc. Xưa kia, vùng này ít người lui tới, ngoại trừ những tay thợ săn và những người theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Quản cơ Trần Văn Thành trông coi. Với địa thế hiểm trở, ông chọn nơi đây làm căn cứ vững chắc. Cũng tại đây, Đức Quản cơ Trần Văn Thành chiêu binh, xây dựng đồn trại và dự trữ lương thực để chuẩn bị khởi nghĩa.
Tháng 4-1872, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa đột kích vào các nơi chiếm đóng của Pháp ở chung quanh Long Xuyên, Châu Đốc và Tịnh Biên. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho Pháp khiếp sợ trước sự gan dạ và đoàn kết của đội binh này. Từ đó, Pháp xem căn cứ địa Bảy Thưa là cái gai trong mắt họ ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, khoảng tháng 6-1872, quân Pháp theo đường kênh Mặc Cần Dưng tiến đánh Giồng Nghệ. Bị phục kích bất ngờ, nhưng chủ tướng Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh, dùng ống loa kích động tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Quân sĩ hò reo, trống thúc giục liên hồi làm cho giặc phải thất kinh hồn vía. Ông cắt từng lọn tóc nhỏ của mình phát cho các binh sĩ để xác định tinh thần chiến đấu một mất một còn với bọn giặc. Với tinh thần quật khởi, nghĩa quân Bảy Thưa đã đánh trả quyết liệt đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, do sức yếu thế cô và không nhận được sự viện binh nên nghĩa quân Bảy Thưa đã bỏ đồn rút lui, một số bị bắt và một số hy sinh… Sau khi cuộc chiến thất bại, Đức cố Quản Trần Văn Thành rút lui về vùng Bảy Núi ẩn dật.

Đi vào tiềm thức dân gian

Cứ vào dịp 21 và 22-2 âm lịch hằng năm, Ban Quản nghi lễ Dinh Đức cố Quản Bửu Sơn Tự và huyện Châu Phú đều tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức cố Quản Trần Văn Thành. Đặc biệt, tại đền thờ Đức cố Quản Trần Văn Thành ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) có hàng vạn người tề tựu về cúng viếng. Đặc biệt, từ năm 2003, huyện Châu Phú đã kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thành Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú. Nhiều công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhằm nâng cấp khu di tích căn cứ Láng Linh tương xứng với tầm cao lễ hội văn hóa. Bên cạnh đó, tượng đài Đức Quản cơ Trần Văn Thành đã được dựng tại khu trung tâm huyện.

Trên địa bàn tỉnh An Giang có đến 7 điểm lập miếu, dinh, đình tôn thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành ở các xã thuộc các huyện: Phú Tân, Châu Phú và Châu Thành. Ngoài ra, các địa phương còn lấy tên, chức tước của ông đặt tên đường, trường học, địa danh. Đặc biệt, vào ngày 6-12-1989, Dinh Đức cố Quản Bửu Sơn Tự được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Để thu hút khách du lịch đến với di tích này, một số ý kiến đề nghị cần phục dựng lại một số công trình tiêu biểu ngoài trời để phản ánh công cuộc kháng Pháp của Đức cố Quản theo hình tượng sa bàn có tỷ lệ phù hợp qua hình ảnh đại đồn Hưng Trung, các đồn – bót canh phòng, cơ sở sản xuất nuôi quân, lò rèn vũ khí, xây dựng trên mặt phục dựng một góc rừng cây bảy thưa của căn cứ nghĩa quân xưa. Ngoài ra, còn xây dựng thêm các khu hoạt động văn hóa, khu hoạt động thể dục, thể thao, khu khai thác lợi thế du lịch xanh, khu dịch vụ, khu quảng trường hoa viên cây cảnh…
Nếu các khu này được thực hiện, tương lai Di tích Dinh Đức cố Quản Trần Văn Thành sẽ trở thành khu di tích trọng điểm văn hóa lịch sử và du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đồng thời, nhắc nhớ con cháu về tinh thần yêu nước mà chủ xướng là Đức Quản cơ Trần Văn Thành với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa.

Updated: 25/05/2022 — 9:28 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *