Đình Hưng Lộc ở Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng, Nam Định

Đình Hưng Lộc thờ Thái úy Đại tướng Phạm Cự Lượng (triều Đinh và Tiền Lê), nằm về phía Tây Nam xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đình Hưng Lộc thờ Thái úy Đại tướng Phạm Cự Lượng, ông là danh tướng có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước dưới hai vương triều Đinh và Tiền Lê.

Tiểu sử Thái úy Đại tướng Phạm Cự Lượng

Theo cuốn thần tích “Hưng Lộc hương thần từ sự tích” (Sự tích đền thờ thôn Hưng Lộc) do Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Huy Oánh soạn năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751) hiện còn lưu giữ tại đình thì thân thế sự nghiệp của danh tướng Phạm Cự Lượng như sau:

Phạm Cự Lượng sinh ngày 20 tháng 11 năm Giáp Thìn (944), cha tên là Phạm Mạn, mẹ là Trần Thị Hồng quê ở Khúc Giang Nam Sách (thuộc Hải Dương ngày nay). Phạm Cự Lượng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn võ, có tư chất thông minh lại là người chăm chỉ học tập nên từ việc học võ nghệ, đến văn chương đều thấu hiểu tường tận. Sống trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến loạn ông đã cùng anh là Phạm Hạp chiêu dụ nhân tài, chọn Đinh Bộ Lĩnh là minh chủ. Phạm Cự Lượng được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, giao cho giữ chức Phòng ngự sứ tiên phong tướng quân, cử ra trấn giữ vùng cửa biển Đại ác. Vùng này ở ven biển, gần cửa sông Đáy và là ngã ba sông, tương ứng với địa bàn miền nam huyện Ý Yên, phía bắc huyện Nghĩa Hưng, trong đó có các thôn Hưng Lộc, Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Thượng Kỳ, Hạ Kỳ… thuộc xã Nghĩa Thịnh ngày nay.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xây dựng kinh đô ở Hoa Lư, đặt triều nghi, dựng chế độ phong kiến tập quyền. Do công lao, đức độ nên Phạm Cự Lượng được phong là Tâm phúc tướng quân, coi việc thị vệ bảo vệ hoàng thành.

Năm 980 nội bộ vương triều lục đục, Đinh Tiên Hoàng cùng Nam Việt vương Đinh Liễn đều bị ám hại, các quan đại thần nặng quan điểm trung quân, bất hòa gây nội chiến. Nhân cơ hội ấy, nhà Tống cho quân xâm lược nước ta. Để đối phó với tình hình ấy, Thái hậu nhường ngôi cho Lê Hoàn, đồng thời cử Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân, chuẩn bị chống giặc. Lê Hoàn lên ngôi phong Phạm Cự Lượng làm Thái úy tham tán nhung vụ.

Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lượng cùng Hoàng đế Lê Hoàn chinh phạt quân Chiêm Thành thu thắng lợi lớn. Năm sau (983), Phạm Cự Lượng tuân lệnh chỉ huy khơi sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ngoài việc khơi sông, ông còn đắp đất hai bên, tạo thành đường lớn để mở mang mạng lưới giao thông thủy bộ.

Ngày 19-9 năm Giáp Thân (984). Phạm Cự Lượng mất tại quân doanh ở Đồng Cổ, hưởng thọ 41 tuổi. Được tin đó, vua Lê Hoàn tỏ lòng thương tiếc, cho đem linh cữu về kinh thành táng tại núi Bồ ở phía sau kinh thành Hoa Lư nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Nhân dân Đồng Cổ nhớ công ơn của Phạm tướng quân nên đã lập đền thờ ông, với thần hiệu: “Lê triều tiên phong đại tướng quân, Thái úy Đồng Cổ sơn thần “.

Ngọc phả đền Hưng Lộc có ghi sự việc năm Đại Bảo (1440 -1442), tại vùng núi Đồng Cổ có mưa lớn, nước lên to, cây cối bị đổ, gãy trôi theo dòng nước. Khi ấy có một cây gỗ trôi về bến Bạch Vân, thôn Hưng Lộc, huyện Đại An, trấn Sơn Nam là nơi xưa kia đại tướng quân Phạm Cự Lượng đã từng đóng quân. Cây gỗ đổ trôi dạt vào bến, bị ông già kéo vó nhiều lần đẩy ra, nhưng lại trôi vào chỗ cũ. Việc lạ này cùng với thần núi Đồng Cổ Phạm Cự Lượng báo mộng cho dân làng nên nhân dân địa phương đã lập đền thờ.

Ngoài ra, đình Hưng Lộc còn thờ bốn vị thủy tổ có công khai hoang lập ấp thuộc họ Bùi, Lường, Hoàng, Phạm vào thế kỷ XIII. Công sức của bốn vị tổ đã lập nên cả một vùng đất rộng lớn, gồm nhiều thôn của xã Nghĩa Thịnh ngày nay. Để ghi nhận công lao đó, không riêng gì Hưng Lộc mà các thôn Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Nhân Hậu, Bình A đều lập đền thờ. Bức đại tự ở tiền đường đình Hưng Lộc còn ghi: “Công tại vạn thế” nghĩa là công lao tồn tại mãi mãi.

Tổng quan kiến trúc Đình Hưng Lộc – Nam Định

Đình Hưng Lộc gồm 3 tòa, làm theo lối “tiền nhất hậu đinh”. Tòa tiền đường chia làm 3 gian, có kích thước: chiều dài 8,8m, chiều rộng 5,3m, với kết cấu đơn giản. Tòa trung đường được làm theo kiểu thượng mê cốn, hạ bẩy kẻ. Phần chạm khắc ở công trình, cũng được gia công theo nhiều đề tài như rồng chầu, phượng hàm thư sinh động. Tòa trung đường được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) nên các hoa văn, họa tiết mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đình Hưng Lộc ở Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng, Nam Định

Tiếp đến là tòa chính tẩm được làm theo kết cấu thượng chồng rường, hạ bẩy kẻ. Mặc dù tòa chính tẩm đã được trùng tu vào năm 1901 nhưng toàn bộ các cấu kiện gỗ đều bảo lưu gần như nguyên vẹn phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII. Từng cấu kiện kiến trúc gỗ như hệ thống cột lim, con rường, xà, cánh cửa đều là những tác phẩm điêu khắc với kỹ thuật chạm kênh bong nổi khối, cầu kỳ đến từng chi tiết. Đề tài tại đây cũng đa dạng, phong phú +như: long sào, mẫu long giáo tử, trúc hóa long, tiên nữ cưỡi rồng… Đan xen với sự oai nghiêm của rồng, mềm mại của tiên là những hình tượng dân gian như trai gái chòng ghẹo nhau trong mảng chạm bốn nụ cười , hình tượng các con vật như rắn, khỉ, sóc…Tất cả kết hợp, hòa quyện tạo nên sự đa dạng, sinh động cầu kỳ, khơi gợi trí tưởng tượng, cuốn hút người xem vào những luồng tư tưởng vừa trang nghiêm vừa dân dã, thể hiện một hoài bão về một cuộc sống bình đẳng, sum vầy, phát đạt.

Lễ hội đình Hưng Lộc

Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, đình Hưng Lộc còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đó là ngày hội xuân ngày mồng 6 tháng giêng và lễ hội kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Phạm Cự Lượng từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 11 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ trang trọng và hình thức vui chơi giải trí, thuần phong mỹ tục từ bao đời của người dân Hưng Lộc xã Nghĩa Thịnh.

Từ những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, đình Hưng Lộc đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa.

Updated: 13/08/2022 — 9:37 chiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *