Đền Yên Thành quận Ba Đình, Hà Nội thờ ai?

Đền Yên Thành thờ bà Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của nhà Lý, nằm ở số 28 phố Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đền Yên Thành được xây dựng từ cuối thời Lê, có nhiều điểm tương đồng như ngôi đền Yên Thái ở ngõ Tạm Thương.

Tổng quan kiến trúc đền Yên Thành

Yên Thành là vùng đất có bề dày lịch sử. Thời Lê, Yên Thành là một trong số tám làng có tên gọi bắt đầu bằng chữ “Yên”, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Tám làng đó ở giữa một khu vực với mặt phía nam là tường thành Hà Nội (nay là phố Phan Đình Phùng), mặt phía bắc là hồ Trúc Bạch và hồ Mã Cảnh (Cổ Ngựa), mặt phía đông giáp phường Hòe Nhai và mặt phía tây giáp phường Thụy Chương.

Tòa tiền tế gian áp sát mặt phố Phan Huy Ích, hai bên bậc lên thềm có đôi rồng đá nằm chầu. Phía trong là nhà thiêu hương, hai bên có hành lang tả hữu với các ban thờ nhỏ. Hậu cung thâm nghiêm là nơi thờ đức Vua Bà Lý Chiêu Hoàng.

Đền Yên Thành quận Ba Đình, Hà Nội thờ ai?

Điểm nổi bật của ngôi đền là nghệ thuật trang trí trên các bức chạm nổi hình rồng. Kẻ, xà ngang, đấu kẻ chạm hình lá đề, vân xoắn, diềm mái phía trước tiền tế có hình hổ phù, hoa lá, chữ triện.

Trải qua nhiều biến động của thời gian, đến nay trong đền Yên Thành vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị. Đó là những tượng thờ, hương án, sập thờ, cửa võng, kiệu rước mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 được nghệ nhân tạo tác rất tỉ mỉ, công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy và đều có chạm rồng phượng. Hệ thống tượng tròn gồm 21 pho, trong đó có 9 tượng các vua triều Lý và các tượng thánh, tượng chầu.

Đặc biệt trong đền có pho tượng Lý Chiêu Hoàng được thể hiện bằng trình độ nghệ thuật cao. Ngoài ra còn có các tư liệu thành văn như thần tích, sắc phong, bia đá làm thành nguồn dữ liệu quý giá góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Thăng Long. Ngày 31.12.2002, đền được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Tiểu sử Lý Chiêu Hoàng

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vì vua Huệ Tông không có con trai nên mùa đông tháng Mười xuống chiếu lập Công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái Tử để truyền ngôi cho. Chiêu Thánh lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Năm thứ nhất tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Trần Thị”.

Theo cuốn “Lý Thái Hậu thực lục” bản thần tích chữ Hán và một số tài liệu khác: Chiêu Hoàng sinh vào tháng 9-1218. Trước đó hai năm, người chị gái của bà là công chúa Thuận Thiên chào đời. Vì vua cha không có con trai, tháng 10-1224, bà được phong làm Hoàng Thái tử rồi lên ngôi vua lúc mới 7 tuổi. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự xếp đặt của Trần Thủ Độ – lúc này đang là Điện tiền chỉ huy sứ (coi giữ mọi việc quân sự ở Kinh thành) – Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh cũng 7 tuổi và nhường ngôi cho chồng. Lý Chiêu Hoàng đang từ ngôi chí tôn phải xuống làm Chiêu Thánh Hoàng Hậu.

Theo Phan Duy Kha, vợ chồng ăn ở với nhau được 12 năm. Trở thành hai thanh niên ở độ tuổi đáng lẽ tình yêu phải nở hoa kết trái nhưng thật không may Hoàng hậu không hề có thai. Lúc này, người chị gái là Thuận Thiên lấy Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) đang mang thai. Sợ vua không có người nối dõi, Trần Thủ Độ đã có một quyết định hết sức trái với luân thường đạo Lý. Đó là bắt Trần Liễu phải nhường vợ cho Trần Cảnh. Thế là nàng Thuận Thiên lại trở thành Hoàng Hậu, còn Lý Chiêu Hoàng bị đánh tụt xuống làm công chúa và phải vào ở lãnh cung.

Cũng vì quyết định này mà Trần Liễu nổi dậy làm phản đem quân chống lại Triều đình. Còn Trần Cảnh thì áy náy không yên vì mang tiếng cướp vợ anh, bỏ vợ mình, tuy tình cảm hai người đang rất nồng đượm. Ông quyết tâm bỏ ngai vàng để lên núi Phù Vân (Yên Tử) đi tu. Sự kiện đó xảy ra vào năm 1237.

Năm 1258, ở tuổi 40, Chiêu Thánh được gả cho Lê Phụ Trần một vị tướng có công lớn trong việc đánh lui quân Nguyên lần thứ nhất (vào năm 1257). Họ sống với nhau thuận hòa, sinh được hai người con, con gái tên là Khuê được phong Ưng Thuỵ công chúa, con trai tên là Tông được phong tước Thượng vị hầu.

Bà mất tháng 3-1278 khi vừa tròn 60 tuổi (sử ghi 61 tuổi là tính theo tuổi ta). Theo truyền thuyết dân gian thì lúc ấy Chiêu Thánh vẫn còn là một người phụ nữ rất đẹp, má bà vẫn hồng, môi đỏ và đặc biệt tóc không hề có sợi bạc. Mộ bà được táng tại khu lăng mộ các vua nhà Lý ở Đình Bảng, gọi là lăng Cửa Mả. Tuy không được thờ trong đền thờ 8 vị vua triều Lý (đền Lý Bát Đế) nhưng bà được thờ ở một ngôi đền riêng, gọi là đền Rồng.

Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng nằm ở trung tâm của vòng xoáy quyền lực, vì vậy mà số phận của bà rất đặc biệt, bị quăng lên quật xuống bao nhiêu lần. Số phận cuối cùng cũng mỉm cười với bà, khi bà bước ra ngoài vòng xoáy đó. Bà sinh ra để làm một người phụ nữ yêu chồng, thương con, sống một cuộc đời đáng kính. Sinh thời Chiêu Thánh nổi tiếng là người nhân hậu, có lòng từ bi quảng đại. Vượt qua dâu bể, đôi câu đối quý còn lưu giữ trong đền Yên Thành mãi mãi là lời nhắn gửi tới du khách thập phương và gợi nhiều suy ngẫm:

“Vạn cổ tinh quang hồ thượng miếu

Thiên thu thắng tích nữ trung vương”

(Muôn thuở sáng soi miếu bên hồ nước

Nghìn năm cảnh đẹp vua giới nữ lưu).

Updated: 11/08/2022 — 10:23 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *