Cứ mỗi năm Tết đến, mọi nhà đều vui vẻ chuẩn bị cho mâm cúng đêm giao thừa. Vậy mâm cúng giao thừa quan trọng ra sao và cần phải chuẩn bị những gì? Hãy cùng Văn Hóa Tâm Linh đi tìm hiểu nhé.
1. Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng
Nhà nghiên cứu Minh Đường trong sách Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên cho biết lễ giao thừa (lễ trừ tịch) là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán.
Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng của năm cũ và giờ khởi đầu của năm mới, với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Không chỉ vậy, cúng giao thừa còn là để rước ông bà tổ tiên của chúng ta về chơi lễ Tết, nhìn con cháu sum vầy vui vẻ bên gia đình.
2. Chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngoài trời
Chuẩn bị lễ vật vàng mã
Đối với lễ cúng giao thừa, chúng ta cần chuẩn bị giấy cúng giao thừa. Trong nhà có bao nhiêu người sẽ chuẩn bị bao nhiêu bộ đồ thế có in hình người trên đó, có cả nam và nữ.
Mỗi một người sẽ chuẩn bị 12 bộ đồ và ghi tên lên đó. Khi bày mâm cúng thì để sắp hết các bộ đồ thế lên trên mâm.
Chuẩn bị đồ cúng trên bàn thờ
Mỗi nhà thường có một bàn thờ được dựng sẵn ngoài trời có lư hương (thường là bàn thờ Ông Thiên). Lễ ở trên bàn thờ này bao gồm:
Một dĩa trầu cau và dĩa trái cây gồm 5 loại quả, đây là mâm ngũ quả cúng đầu năm, đèn dầu, một dĩa muối gạo, 5 chung trà, bánh mứt các loại tùy vào gia đình, 1 bình hoa cúng, vàng mã.
Lễ này thường được trưng mùng 3 hoặc mùng 7 là kết thúc.
Chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa có thể làm cỗ chay hoặc cỗ mặn được dọn ở một bàn riêng. Cúng xong sẽ dọn đi.
– Với cỗ mặn gồm: 1 con gà luộc, bánh chưng, xôi, trà, rượu, nước, giò chả, các món cơm canh mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Dọn cùng với chén đũa nếu có nhiều món.
– Với cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước
3. Chuẩn bị mâm cúng giao thừa trong nhà
Chưng bàn thờ gia tiên trong nhà gồm các bánh mứt, trái cây, hoa, đèn, vàng mã, hương, trà, nước. Bàn gia tiên ở trong nhà cũng được trưng đến mùng 3 hoặc mùng 7 là kết thúc.
4. Mâm cỗ giao thừa đặc trưng của 3 miền Bắc, Trung, Nam
Cũng tùy theo từng vùng miền mà có các loại đồ cúng khác nhau, cụ thể:
Mâm cúng giao thừa miền Bắc
Ở miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết thường tuân theo một nguyên tắc truyền thống: 4 bát, 4 đĩa (không kể xôi, nước chấm, dưa hành) tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
Các bát này thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Dĩa thường là xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối. Có nhà cũng cúng gà, gà thường là thịt gà trống thiến.
Mâm cúng giao thừa miền Trung
Trên mâm cúng của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, bát ninh măng khô, miến Huế, cá chiên hay chả ram khiến mâm cỗ người miền Trung có đầy đủ các món ăn.
Mâm cúng giao thừa miền Nam
Còn ở miền Nam, mâm cúng thường đơn giản hơn chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà,… Nhưng nếu là mâm mặn đầy đủ sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè…
5. Những lưu ý khi sắp mâm cúng
Nên dùng hoa tươi
Hoa bày trên bàn thờ cần phải hoa tươi chứ không được dùng hoa giả, hoa nhựa vì theo quan niệm đó là sự giả dối.
Cúng đất đai ngoài sân trước rồi mới đến cúng trong nhà
Theo nhiều quan niệm phong thủy thì: “Cúng giao thừa là cúng vị chư thiên cai quản năm mới và tiễn chư thiên cai quản năm cũ đi nên phải cúng ngoài trời trước rồi mới cúng gia tiên, thần linh trong nhà”.
Nên đặt một chiếc bàn cúng nhỏ riêng để cúng giao thừa ở phía dưới bàn thờ chính
Dù làm cỗ cúng mặn hay chay cũng nên để ở chiếc bàn con bên dưới bàn thờ. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã, trà, nước mang tính tượng trưng.