Cổng làng Ước Lễ – Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Dù đã tồn tại qua hàng trăm năm, bao phủ lên đó là lớp rêu của thời gian nhưng cổng làng Ước Lễ vẫn còn vẹn nguyên giá trị của lịch sử.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Dấu tích của hồn làng

Từ xa xưa, những người con của đồng bằng Bắc Bộ và người dân Ước Lễ đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhà có nóc, làng có cổng”. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Thuở sơ khai, cổng làng có vai trò làm cột mốc phân chia phần đất thổ cư và không gian địa lý giữa bên trong và bên ngoài làng.

Trải qua thời gian, cổng làng Ước Lễ có vị trí thân thuộc, quan trọng trong đời sống của con người. Dù lớn hay nhỏ, dù xây bằng đá hay bằng tre nứa thì cổng làng vẫn giữ vai trò là minh chứng cho một ngôi làng đã được công nhận trong tiềm thức của mỗi người dân. Bước vào không gian ấy là bao la hương vị tình quê chất chứa trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất, đó là hồn làng.

Cổng làng Ước Lễ được xây dựng từ thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ XVI – XVII), cổng hình vòm uốn, mái cong vút đảm bảo 3 vai trò của cổng làng khi xưa: Là cánh cổng bảo vệ làng, là nơi phô bày văn hóa và là minh chứng cho việc thể hiện tư tưởng, định hướng của cha ông đối với con cháu trong làng.

Cổng làng Ước Lễ – Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Cổng làng Ước Lễ có hình dáng chung là hình thang, cao 6m, rộng 12m được xây dựng bằng gạch chỉ nung đỏ; cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m chất liệu xây dựng phần mái hoàn toàn bằng gạch bề thế với ý nghĩa ngăn chặn kẻ thù xâm lược.

Ông Nguyễn Văn Mùi (sinh năm 1954), người sinh ra và lớn lên gắn bó với biết bao kỷ niệm cùng cổng làng cho biết: “Trên mặt trước của cổng có đắp nổi 3 chữ: “Ước Lễ Môn” – cổng làng Ước Lễ. Ở mặt sau của cổng có ba chữ “Thiều Cao Đại” – xuất phát từ truyền thuyết xa xưa của cha ông truyền lại với mong muốn sau này con cháu trong làng làm quan to, cổng làng cao thì xe ngựa mới đi vừa. Chữ được khắc ở phía sau để người dân đi ra khỏi cổng đọc được, tự nhắc nhở mình phải có chí học hành để thành đạt trong cuộc sống”.

Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo.

Vẻ đẹp trường tồn qua 5 thế kỷ

Đến nay, cổng làng Ước Lễ vẫn giữ được lối kiến trúc cổ của làng xưa: Thượng gia – hạ môn (trên là nhà, dưới là cổng). Phía trên vòm của mặt cổng có xây một vọng lâu có mái che cong vút, vọng lâu trước đây chỉ có tác dụng như canh gác, phòng ngừa kẻ xấu hay địch xâm nhập làng. Hai bên hông cổng vẫn giữ các bậc thang, làm lối đi lên trên vọng lâu.

Không những là nơi chắn giữ, canh phòng về mặt an ninh, cổng làng Ước Lễ còn thể hiện giá trị tinh thần và lẽ sống của người dân nơi đây thông qua các dòng câu đối chữ Hán được đắp trên. Hai bên cổng có đôi câu đối rất độc đáo, cả hai vế đều có chữ Nôm, chữ Hán với nghĩa là: “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị / Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều”. Đây là sự kết hợp của nghệ thuật kiến trúc với văn chương thường thấy trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ.

Phía trên trán cổng là ba chữ Hán đại tự rất đẹp “Ước Lễ môn” nghĩa là Cổng (làng) Ước Lễ.

Cổng làng Ước Lễ – Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Nếu kiến trúc của cổng làng xưa thường gắn liền với sông, hào đào bao quanh thì cổng làng Ước Lễ cũng có lạch nước chảy phía trước mặt. Người ra vào làng sẽ đi qua một chiếc cầu, ngoài giá trị bảo vệ thì lạch nước và chiếc cầu có vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ của cổng làng Ước Lễ.

Hai bên trụ cổng dưới còn được trang trí bằng hình cá chép như nhắc đến truyền thuyết cá chép vượt vũ môn, hình ảnh cá chép trên cổng gần gũi với thực tế, đường nét sinh động. Ngày nay, vọng lâu tô điểm làm đẹp cho cổng làng, để cho những ngày hội làng, làng sẽ treo cờ trên đó.

Trên khối kiến trúc của cổng làng Ước Lễ còn có các hoa văn chạy dọc trên diềm mái vọng lâu và lan can phía trên của cổng làm thay đổi cảm giác về những đường thẳng đơn điệu, tạo nên sự hài hòa giữa các họa tiết.

Cổng làng Ước Lễ còn vẹn nguyên nét cổ kính trang nghiêm, là niềm tự hào của người dân Ước Lễ. Bởi, ở đó người ta thấy được toàn bộ bề dày của lịch sử, văn hóa truyền thống của làng dù đã trải qua biến thiên thời cuộc.

Ngoài giá trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp nên thơ cho cổng làng Ước Lễ.

Cổng làng Ước Lễ – Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Ước Lễ là ngôi làng duy nhất trong 4 thôn, làng ở Tân Ước có nghề làm giò chả nổi tiếng khắp Nam – Bắc gần xa. Vậy mà khi bước chân vào làng, chúng tôi không nghe thấy những tiếng giã giò lách cách, hình ảnh người dân Ước Lễ ngồi gói giò như đã hình dung. Hỏi ra mới biết, những người biết làm nghề ở Ước Lễ đều không làm nghề ở địa phương mà đi khắp các nơi để sinh nhai, đến ngày giỗ tổ hay lễ Tết mới trở về quê hương.

Chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi phải chứng kiến nhiều cổng làng ngày một mất dần theo dòng chảy của thời gian. Nhưng cũng thật mừng vì ở Ước Lễ vẫn còn gìn giữ được hồn quê, hồn quê ấy vẫn sống mãi trong tâm tưởng người dân Ước Lễ, là nét đẹp của quê hương.

Cùng chung với suy nghĩ ấy, thi sĩ Mạc Trường Thiên đã viết bài thơ Cổng làng với những câu thơ giàu cảm xúc:

“Cổng làng

Nơi người già thường ngồi kể về quá khứ

Khách vãng lai dừng chân trú nắng trưa nồng

Nơi lũ trẻ trèo leo và chim về làm tổ

Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông

Cổng làng

Nơi chứng kiến những thăng-trầm, hưng-phế

Màu rêu xanh bàng bạc tháng năm dài

Có ai đó bước phiêu linh hoài vọng

Giấc mơ thầm ẩn hiện – cổng làng bay…”

Updated: 02/04/2023 — 8:53 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *