Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Ba Thoải đứng sau Cô Đôi Thượng Ngàn và trước Cô Tư Ỷ La.
Cô Bơ Thoải là ai ?
Cô Bơ Thoải là vị thánh cô thứ ba trong hàng Tứ phủ Thánh cô, cai quản miền Thoải Cung vì vậy còn được gọi là Cô Bơ Thoải Cung. Cô vốn là con giá vua Thủy Tề ở dưới Thoải Cung được phong là Thoải Cung Công Chúa. Có người còn nói rằng, Cô là con gái Long Vương rất xinh đẹp nết na nên được Mẫu cho theo hầu cận, chầu chực trong cung cấm.
Sự tích Cô Ba Thoải
Có rất nhiều câu chuyện, thần tích về Cô Ba Thoải Cung được lưu truyền, trong bài viết này Vanhoatamlinh.com xin gửi tới độc giả một số thần tích về cô Bơ Thoải được lưu truyền cho tới ngày nay.
Thần tích Cô Bơ Thoải giáng sinh vào thời vua Lê Trung Hưng
Chuyện kể rằng Đức Thái Bà nằm mộng thấy có người con gái xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, tóc mượt mắt sáng, má hồng, môi đỏ, cổ cao ba ngấn, mặc áo trắng. Nàng đến trước sập nằm dâng lên người một viên minh châu rồi nói rằng mình vốn là Thủy Cung Tiên Nữ, nay vâng lệnh cao minh lên phàm trần đầu thai vào nhà đó, sau này để giúp vua giúp nước, khi tỉnh rồi thì Thái Bà thụ thai. Đến ngày 2 tháng 8 thì bỗng trên trời mây xanh uốn lượn, nơi Thủy Cung nhã nhạc vang lên. Đúng lúc đó, Thái Bà hạ sinh ra được một người con gái, xem ra thì nhan sắc mười phần đúng như trước kia đã thấy chiêm bao. Thấy sự lạ kì vậy nên bà chắc hẳn con mình là bậc thần nữ giáng hạ, sau này sẽ ra tay phù đời nên hết lòng nuôi nấng dạy dỗ bảo ban. Cô lớn lên trở thành người thiếu nữ xinh đẹp, tưởng như ví với các bậc tài nữ từ ngàn xưa, lại giỏi văn thơ đàn hát. Đến khi vừa độ trăng tròn thì cũng là lúc nước nhà phải chịu ách đô hộ của giặc Minh, cô cùng thân mẫu lánh vào phía sâu vùng Hà Trung (Thanh Hóa), nơi ngã ba bến Đò Lèn, Phong Mục. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, cô đã có công giúp vua Lê trong những năm đầu kháng chiến (và có nơi còn nói rằng cô cũng hiển ứng giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc” sau này).
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau: Vào những năm đầu khởi nghĩa, nghĩa quân do Lê Lợi chỉ huy vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ. Cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cùng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô. Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đo không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi. Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về triều đình phong công. Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống quân Minh thì công lao của cô là không nhỏ. Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ. Vua còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh.
“Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” còn ghi chép:
Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây, nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không ? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả ?”. Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát.Vua Lê Lợi để tỏ biết ơn cô, có nói với cô rằng: “Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô.” Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ. Tương truyền rằng, sau thắng lợi, Vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện.
Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua Thủy Tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, vua Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền Cô, để tưởng nhớ công lao của Cô.
Thần tích về Cô Ba Bông giáng sinh vào thời vua Lê Thánh Tông
Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “rừng thiêng nước độc”. Lúc ấy xảy ra một trận giao tranh ác liệt kéo dài, bất phân thắng bại, tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu Thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm. khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công. Thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào đắm rất nhiều. Quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay).
Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay, đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái. Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp như vậy.
Hầu giá Cô Bơ Thoải
Cô Bơ là một trong số những Thánh Cô thường xuyên ngự đồng trong bất cứ khóa lễ nào thỉnh cô đều ngự đồng. Khi loan giá ngự đồng, Cô Bơ Thoải trong trang phục áo ngũ thân trắng, đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng cài ba nén hương.
Khi ngự đồng Cô làm lễ tấu hương, sau đó hầu dâng dâng cô đôi mái chèo, cô khoan thai bẻ lái dạo chơi khắp nơi, bên hông dắt túi tiền đò. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, cô chèo đò du ngoạn danh lam thắng cảnh. Chèo thuyền xong, Cô lấy dải lụa hồng đi đo nước, đo mây.
Khánh tiệc Cô Ba Thoải Phủ
Tiệc Cô Bơ Thoải (Cô Ba Thoải cung) chính tiệc vào ngày 12 tháng 6 âm lịch.
Nhận biết người mang Căn Cô Bơ
Những người có căn cô Bơ có số mệnh được định sẵn là hầu thánh để làm lính, làm đồng, những người này sẽ có tính cách giống cô Bơ, được thể hiện qua một số nhận định như: ngoại hình nhẹ nhàng thanh thoát, tâm tính và phong thái nữ tính bất kể là nam hay nữ; tâm tình giàu lòng trắc ẩn, nhiều cảm xúc, hay hờn tủi nhưng sắc diện lại vui tươi; diện trang phục màu trắng trông rất đẹp, có điều về tình duyên lận đận và trắc trở; nếu dự lễ Thánh cô thì bắt đầu rưng rưng hoặc khóc.
Đền thờ Cô Ba Thoải có ở đâu?
Đền chính thờ Cô Bơ Thoải là đền Cô Bơ thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gần ngã ba bến Đò Lèn. Trước kia, vào những năm 1940, giặc Nhật đã tàn phá đền cô Bơ. Sau này, ngôi đền đã được tôn tạo lại và được cấp chứng nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Nơi đây được coi là cõi “trên bến dưới thuyền”, đông đúc nhộn nhịp người dân sinh sống và khách đến kêu cầu nên ngay trước cổng đền Cô Bơ Bông người ta đã cho xây dựng một bến thuyền rất rộng rãi và sạch đẹp. Bến thuyền này được tôn tạo từ bến thuyền xưa, vừa để phục vụ du khách chiêm bái cũng là để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân 2 bên bờ.
Đền thờ Cô Bông nay đã tu sửa nên du khách thập phương có thể hành hương tới đền Ba Bông một cách thuận tiện.
Ngoài ra còn Đền Cô Bơ ở Tuyên Quang và Đền Cô Bơ ở huyện Duy Tiên, Hà Nam cận kề bên đền Lảnh Giang.
Bản văn và văn khấn Cô Bơ Thoải
Đọc ở bài viết này: https://vanhoatamlinh.com/ban-van-van-khan-co-bo-thoai/