Vị trí chùa Văn Trì
Dựa theo tấm bia đặt tại đình Văn Trì thì chùa được xây năm Cảnh Hưng thứ nhất (năm 1740), tên chữ là Bồ Đề Tự. Nói về Văn Trì, đây là một ngôi làng cổ lâu đời, nằm kề phía sau hai thôn Ngọa Long và Nguyên Xá ở mạn bắc con đường lớn từ Cầu Diễn đi Nhổn. Trong làng có một khu di tích xây liền nhau trên khu đất cao ráo, bao gồm đền, đình và chùa. Bức tường dài ở mặt phía nam của khu này chạy dọc con đường làng khá rộng, nối ngõ 70 Văn Trì và ngõ 132 Cầu Diễn. Ngay sát cổng con của làng Văn Trì có một ngôi chùa mới hơn cũng trùng tên như vậy.
Chùa Văn Trì đã trải qua trùng tu và sửa đổi nhiều lần, các đợt cải tạo đáng kể nhất là vào năm 1989 và gần đây. Qua các năm tháng thăng trầm của lịch sử và các đợt trùng tu, ngôi chùa Văn Trì đã không giữ lại được nhiều nét cổ khi xưa, trong khuôn viên hiện nay cũng chỉ còn ít cổ thụ.
Ngày 22/04/1992, chùa Văn Trì được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Kiến trúc chùa Văn Trì
Trước kia chùa là một con ngòi chảy từ cánh đồng Ba Na tới cửa sông Nhuệ. Lối vào nay ở số 19 ngõ 70 Văn Trì, dưới gốc cây to có đặt tấm bia đá đen khắc tên. Khi xưa chùa từng có cổng tam quan khá đẹp, về sau mới mở ngõ chạy song song với sân của ngôi đền Bà, dẫn thẳng vào một cổng bên xây đơn giản ở chếch mạn trái tòa tam bảo.
Tam bảo quay mặt về hướng nam, thềm cao, đầu hàng hiên phía đông chỉ cách lưng đền Bà một khoảng vườn nhỏ, chỗ đặt tượng Bồ Tát ngồi cạnh giả sơn.
Tiền tế rộng 5 gian 2 chái, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Phía tây tam bảo kề với nhà Tổ và điện Mẫu, độ rộng và chiều cao bằng nhau.
Di sản chùa Văn Trì
Chùa Văn Trì lưu giữ được hơn 40 pho tượng Phật giáo tạc từ gỗ quý, đúc đồng hoặc đắp bằng đất, tiêu biểu là các tượng Phật Tuyết Sơn, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Di Lặc, Thánh tăng, Hộ pháp, Ông Sét, Thổ thần. Đa phần những tác phẩm này đều mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đặc trưng của thế kỷ XIX.
Ngoài nhiều đồ sứ, đồ đá quý giá khác, trong chùa còn có những đồ thờ tự làm từ lâu đời. Điển hình như bộ hương án chạm rồng yên ngựa, quả chuông đồng đúc vào thời Tây Sơn với niên hiệu bị đục bỏ vì sợ nhà Nguyễn trả thù, chiếc khánh lớn bằng đồng đúc nổi 4 chữ Hán “Bồ Đề thanh tự” và ghi niên đại ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đời vua Minh Mạng thứ 15 (năm 1834),…
Hoạt động và lễ hội
Hiện nay, chùa Văn Trì thường tổ chức các khóa tu và thiền như Thiền hành, Thiền ăn… Đặc biệt nhất là những buổi Thiền trà, được tổ chức thường xuyên để các vị khách gần xa có thể tham dự.
Ngoài ra, chùa Văn Trì còn tổ chức lễ Vu Lan vào 25/8 tức 15/7 âm lịch để ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục to lớn của cha mẹ.