Chùa Cổ Lễ là một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo nổi tiếng của Việt Nam.
Chùa Cổ Lễ thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không
Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tông, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công lớn trong việc xây dựng chùa.
Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài về kiến trúc chùa tháp được giao về trụ trì chùa. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa.
Kiến trúc Chùa Cổ Lễ ở Nam Định
Trong khoảng thời gian sau đó, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt, nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, kiến trúc cổ kính phương Đông kết hợp với kiến trúc gô-tích phương Tây.
Tương truyền rằng nhà sư Phạm Quang Tuyên không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo, vừa hiện đại vừa cổ kính…
Toàn bộ khuôn viên và công trình chùa Cổ Lễ tọa lạc trên diện tích gần 10 mẫu bắc bộ
Kiến trúc của ngôi chùa có sự giao thoa giữa lối kiến trúc truyền thống phương Đông…
…và phong cách kiến trúc gô-tích của phương Tây.
Cầu Núi (giả động núi) bắc qua hồ dẫn tới kiến trúc chính của chùa Cổ Lễ, đó là chùa Thần Quang.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 12 tầng (32m), có 8 mặt, là một điểm nhấn quan trọng trong quần thể kiến trúc chùa Cổ Lễ.
Đế tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được đặt trên lưng một con rùa đá lớn, đầu hướng vào chùa.
Một cây cầu đá cổ quen thuộc ở vùng đất thành Nam được bảo tồn nguyên trạng trong không gian chùa.
Văn bia cổ bằng đá ghi chép lịch sử xây dựng và trùng tu chùa Cổ Lễ
Sau lưng chùa Trình có quả chuông nặng 9.000 kg ngâm giữa hồ gọi là Đại Hồng Chung, là một trong những quả chuông cổ lớn nhất Việt Nam, tương truyền khi đánh lên thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân.
Bình thường chùa Cổ Lễ luôn tấp nập phật tử, du khách về chiêm bái. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chùa vắng vẻ, chỉ có ngày tuần, người nhà chùa mở cửa thực hiện nghi lễ.
Vật liệu chính để xây dựng các hạng mục trong chùa Cổ Lễ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản tạo nên một công trình trường tồn hàng trăm năm.
Chùa Cổ Lễ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1988.