Lẫm (廩) là từ Hán – Việt, có nghĩa là kho đụn chứa lương thực. Lẫm là vật dụng trữ lúa chỉ có ở những gia đình giàu có, thuộc thành phần “Địa Chủ” theo phân định của cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1956), mỗi vụ thu được một lượng thóc rất lớn mà các loại bồ, cót, hòm cáng không thể chứa hết được.
Lẫm thường được dựng ở một góc sân cao ráo, không ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như các hoạt động khác của gia đình. Lẫm có hình trụ tròn, đường kính từ 1,5 – 2m, chiều cao (từ chân đến nóc) từ 2 – 3m (tùy theo lượng thóc thu được bình quân qua nhiều năm); gồm các bộ phận sau:
– Chân (hay đế) lẫm: có hình tròn, đường kính ngoài khoảng từ 1,6 – 2,1m, cao khoảng 40cm, đắp bằng đất được luyện kỹ, có trổ một cửa rộng với kích thước đủ để đưa một chiếc thúng vào – ra một cách thuận tiện. Trên cửa có một con then bằng gỗ, mở ra đóng vào khi cần lấy thóc, có khóa ở bên ngoài, chủ yếu là khóa con chuột.
– Thân lẫm: hình trụ tròn, có đường kính bên trong từ 1,4 – 2m, cao từ 1,5 – 2,5m, đáy trên và đáy dưới đều được lót bằng gỗ tốt; xung quanh thân lẫm được bao bằng phên tre trát bùn trấu ở cả hai mặt. Phía trên cùng có một cửa rộng, đủ để người chui vào một cách thoải mái mỗi khi cần dọn dẹp và đổ thóc vào. Cửa có nắp đậy bằng gỗ.
– Nóc lẫm: hình chóp nón, cao (từ đáy lên đỉnh) khoảng 0,5m, chiều rộng phải chườm ra ngoài khoảng 30cm, che được thân lẫm. Tại chóp có 5 trụ tre (một trụ từ đỉnh chóp xuống thẳng đáy chóp và 4 trụ chạy xuống bốn góc ở đáy chóp) nhằm tạo ra sự chắc chắn. Chóp này có thể xê dịch cơ động.
Khi cần chứa thóc đã phơi khô, quạt sạch, dùng thang trèo lên để đổ các thúng thóc vào lẫm. Khi cần lấy thóc ra, dùng tay nhấc then ở đáy lẫm và hứng thúng ở dưới.
Lẫm chỉ có ở những nhà có nhiều ruộng, nhiều thóc. Lẫm thóc cùng với “nhà ngói, cây mít, sân gạch” và “vườn trên, ao dưới” tạo thành “tổ hợp” các công trình là niềm mơ ước của người nông dân ở Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thậm chí đến tháng 10/1954.
Cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1956) đã xóa bỏ tầng lớp “lắm ruộng, nhiều thóc” ở nông thôn, lẫm thóc không còn tồn tại. Lớp người sinh ra từ cuối thập niên 1950 trở đi không còn biết đến loại kho chứa thóc này nữa.
Ngoài các công trình, dụng cụ chứa đựng một lượng lớn thóc lúa, trong các gia đình nông dân đều có các loại thúng, mủng, nong, nia (đã nêu ở trên). Đây là các dụng cụ chứa đựng tạm thời.