Đình làng Giảng Võ mở cửa: ngày thường từ 7 giờ đến 11 giờ sáng, chiều từ 13 giờ đến 19 giờ, ngày rằm và mùng 1 mở cửa cả ngày từ 7 giờ sáng đến 21 giờ.
Lịch sử đình Giảng Võ
Làng Giảng Võ vốn thuộc phường Võ Trại là vùng đất từng có kho trại quân đội và trường võ bị thời xưa. Đình làng được xây dựng từ thế kỷ 15. Trong đình thờ bà Lý Châu Nương tức Lý Thị Châu, một nữ tướng được vua Trần giao cho phụ trách kho lương của quân đội, do đó dân quen gọi là Bà Chúa Kho.
Theo thần phả còn giữ trong đình, Lý Thị Châu sinh ngày 12 tháng 2 âm lịch, là con ông Lê Quỳnh. Hồi nhỏ bà sống ở quê mẹ thuộc phường Võ Trại, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Lớn lên theo học ở phường Bích Câu gần đó, 16 tuổi đã văn võ song toàn. Năm 22 tuổi Lý Châu Nương xe duyên cùng ông Trần Thái Bảo và theo chồng về trấn giữ Hoan Châu. Ông là một vị tướng tài từng trải qua hai đời vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông.
Lý Châu Nương có công giữ kho quân lương trong cả hai cuộc kháng chiến đầu tiên chống giặc Nguyên với chức phong Quản trưởng quốc khố. Khi quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, nghe tin chồng tử trận ở Thao Giang, Bà tự vẫn vào ngày 20 tháng 7 âm lịch. Vua Trần phong Bà làm Phúc thần phường Võ Trại, truyền dựng đền ngay trong khu kho để nước nhà thờ cúng… lại truyền cho phường tu sửa lại cung doanh để thờ tự, lấy nơi ở cũ làm đền thờ chính.
Thời Nguyễn, làng Giảng Võ nằm cạnh con đường cái quan từ Hà Nội đi Sơn Tây. Trước cổng đình ngày 21-12-1873 đã diễn ra một trận đánh nổi tiếng, trong đó viên chỉ huy Pháp vừa chiếm thành Hà Nội là Francis Garnière bị quân Cờ Đen mai phục từ đình đổ ra giết chết. Ngôi mộ giả của hắn cho đến thời kháng chiến chống Mỹ vẫn còn thấy ở gần đấy dưới hai cây cổ thụ ven đường La Thành.
Ngày 20-7-1994 ngôi đình được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Gần đây, giáo phường Ca trù Thăng long thường đến biểu diễn tại phương đình. Câu lạc bộ địa phương thì sinh hoạt đều đặn ở khu bên cạnh và trong nhà hữu mạc.
Tổng quan kiến trúc đình Giảng Võ
Diện tích toàn bộ khu vực của đình Giảng Võ xưa kia rộng khoảng 10.000m2; hiện nay bị lấn chiếm mất nhiều, chỉ còn 1.700m2. Đình trải qua trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ. Tam quan cũ tên là Bảo Khánh Môn đã bị mất, nay chỉ còn dấu tích gồm mấy viên đá xanh cỡ lớn ở ngay cạnh cổng chính mở bên hông sân đình.
Trước sân là nghi môn nhìn ra một hồ nước hình vuông, ở giữa có giả sơn, xung quanh cây cối um tùm, làm cho di tích trở nên đẹp đẽ và thoáng mát. Đối xứng qua sân có hai ngôi miếu nhỏ thờ hai nàng hầu của Lý Châu Nương và hai tấm bia đá được dựng gần bên.
Nhà phương đình bị Pháp đốt phá từ năm 1946, sau này mới được dựng lại, xây hai tầng tám mái trên nền cũ. Trong cùng là toà đại đình kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Nơi đây thờ bài vị Lý Châu Nương với long ngai và tượng của bà…
Di tích cổ nhất nằm hai bên phương đình là hai nhà tả, hữu mạc còn khá nguyên vẹn có kiến trúc độc đáo, kết cấu vì kèo quá giang, đầu hồi bịt đốc với các cây trụ đỡ mái. Ngoài ra có mấy con nghê đá tương truyền có từ thời Lê Trung Hưng, hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng để kê chân cột đình. Sau lưng nhà tả mạc là nơi hóa vàng và các công trình phụ. Xung quanh hồ được lát gạch, tạo thành lối đi bách bộ dưới bóng các cổ thụ.
Trên nóc đình có bức đại tự ghi 4 chữ “Lý Trần phương danh” (tiếng thơm hai họ Lý, Trần). Trong đình còn giữ được 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cấp cho Lý Châu Nương. Lại có bức đại tự “Nữ trung anh kiệt” (anh hùng hào kiệt trong giới nữ) và đôi câu đối ca ngợi Bà:
Tài chính túc sung quân môn nội mệnh văn thiên tử chiếu
Âm mưu năng thoái lỗ quốc trung danh chấn nữ thần cơ
Dịch tạm:
Của cải đủ nuôi quân, khắp chốn nghe tin vua xuống chiếu
Mưu hay lui giặc dữ, nước nhà nức tiếng nữ tài cao.
Hàng năm, dân địa phương thường tổ chức lễ dâng hương thành kính vào các dịp ngày sinh (12 tháng 2 âm lịch) và ngày hoá (20 tháng 7 âm lịch) của Bà Chúa Kho.
Ngoài nơi thờ chính là đình Giảng Võ tại Hà Nội, gần đó còn một số nơi thờ vọng Lý Châu Nương như đình Ngọc Khánh và đình Hào Nam.
Xa xôi hơn cũng có hàng chục đền thờ Bà ở các làng thuộc Diễn Châu (Nghệ An), nhưng nổi tiếng nhất gần đây (do lầm lẫn tên) lại là ngôi đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, vốn thờ một bà chúa khác.