Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Thoải mặc xiêm y trắng ngồi bên trái Mẫu Thượng Thiên. Chữ Thoải là đọc chệch từ chữ Thủy (nghĩa là nước). Trang phục màu trắng cũng là tượng trưng cho nước, thế giới mẫu Thoải cai quản.
Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, Mẫu Thoải là vị thần vô cùng quan trọng. Mỗi khi có hạn hán, lũ lụt, Mẫu liền ra tay cứu giúp để đảm bảo mùa màng bội thu. Không chỉ vậy, Mẫu còn cứu vớt các vong linh trôi nổi trên các ao hồ, sông nước. Ngoài ra, Mẫu còn dạy dân đóng thuyền bè, đan lưới bắt cá… Bởi vậy, Mẫu Thoải được người dân miền sông nước vô cùng sùng kính và ngưỡng mộ.
Nguồn gốc Mẫu Thoải
Trong dân gian lưu truyền rất nhiều huyền tích về Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ.
Mẫu Thoải là con gái vua Thủy Tề (Long Vương)
Có hai truyền thuyết Mẫu Thoải xuất thân là con gái của Long Vương:
Truyền thuyết từ vùng Thái Bình, Nghệ An: Từ thủa hồng hoang, thời mở mang đất nước, vua Kinh Dương Vương đi chu du khắp nơi. Rồi một ngày kia, nhà vua gặp một người con gái nhan sắc tuyệt trần và đã lấy nàng làm vợ. Nàng chính là con gái của Long Vương. Sau này bà đã sinh ra Sùng Lãm chính là vua Lạc Long Quân. Vì nàng là con gái Long Vương nên được làm nhiệm vụ cai quản vùng sông biển, ao hồ.
Truyền thuyết tại vùng Nghệ An cho biết thêm hai người đã gặp nhau bên bờ sông Lam ngày nay, ngày xưa gọi là sông Thanh Long.
Truyền thuyết Mẫu Thoải ở Đền Dùm – Tuyên Quang, Đền Xâm Thị và Đền Dầm- Thường Tín – Hà Nội: Theo truyền thuyết này thì Mẫu Thoải cũng xuất thân là con gái của Vua Thủy Tề, nhưng không thấy nhắc đến hai vợ chồng sinh ra Lạc Long Quân:
Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hết sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan.
Trong văn thỉnh Mẫu Thoải cũng có một đoạn nhắc đến giai thoại này:
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”
Theo truyền thuyết này, có lẽ dân gian vẫn nói người con gái gian giảo là “thảo mai” chắc là xuất xứ từ sự gian giảo của nàng Thảo Mai trong câu chuyện này.
Mẫu Thoải là vợ của Vua Thủy Tề
Ở làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Mẫu Thoải được thờ là Thành hoàng và có sắc thượng phong đề “Nhữ Nương Nam nữ Nam Hải Đại Vương”.Theo thần phả của làng: Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, là Hoàng hậu ở dưới Thủy cung. Vua Thủy Tề trông coi các việc ở biển, còn Mẫu trông coi các việc ở sông, suối. Do sông suối có ở khắp nơi nên Mẫu cũng có mặt ở khắp nơi, nhất là tại các bến sông lớn.
Mẫu Thoải là hóa thân của 3 công chúa của Lạc Long Quân và Âu Cơ
Theo thuyết này, Lạc Long Quân đã giao cho 3 công chúa cai quản sông biển nước nam là:Thủy tinh Động đình Ngọc nữ Công chúa, Hoàng Bà Đoan khiết Phu nhân và Tam giang Công chúa. Ba bà đóng dinh cơ ở sông Nguyệt Đức và có nhiệm vụ coi sóc các sông nước, luồng lạch, dạy dân chế tạo thuyền bè và đan các thứ lưới bắt cá, chế ngự các vị thần mưa, thần gió mỗi khi các vị này xâm hại đến hạ giới. Các Mẫu còn làm mưa và giúp dân chống lụt.
Bình luận thêm của người viết: Truyền thuyết Mẫu Thoải là hoàng hậu của Vua Thủy Tề thì chỉ giới hạn ở một làng. Truyền thuyết Mẫu Thoải là hóa thân của 3 công chúa của Lạc Long Quân không phải là thuyết thuyết phục lắm bởi cai quản sông biển ao hồ là của Hoàng cung Thủy Tề. Nếu có thì đây coi như một hóa thân của Mẫu Thoải mà thôi.
Truyền thuyết về Mẫu Thoải là con gái của Vua Thủy Tề (Long Vương) có lẽ hợp với tục thờ Mẹ Sông Nước trong tín ngưỡng thờ Thoải Phủ của dân tộc Việt Nam từ muôn đời nay. Truyền thuyết này được phổ biến ở mọi miền đất nước. Như vậy, có thể nói tích Mẫu Thoải là con gái Long Vương được coi là tích có tính thuyết phục hơn cả.
Đền Mẫu Thoải ở đâu?
Mẫu Thoải được thờ phụng hầu hết ở các vùng sông nước. Tuy nhiên, điều kỳ lạ vùng núi Tuyên Quang lại được coi là nơi phát tích của Mẫu Thoải. Có lẽ là là vì tích của Mẫu liên quan đến Vua Hùng.
Ở Tuyên Quang có 3 ngôi đền thờ Mẫu Thoải: Đền Hạ (Đền Tam Cờ), Đền Ỷ La, Đền Thượng (Đền Dùm). Đền Hạ là đền gốc, còn hai đền kia là đền được chia tách từ Đền Hạ. Đây là ba ngôi đền chính của Mẫu Thoải được gắn với sự phát tích của Mẫu.
Mẫu Thoải có công trạng phù các triều đại đánh giặc, giữ nước. Dấu tích của Mẫu Thoải phù cho Vua nhà Trần là Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên được phát tiết tại vùng Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tiêu biểu về dấu tích này là đền Xâm Thị ở xã Hồng Vân và Đền Dầm xã Ninh Sở. Đây được coi là hai ngôi đền chính của Mẫu Thoải gắn với tích Mẫu hiển linh phù vua Trần.
Đền Mẫu Thác Hàn (ở Thanh Hóa) là dấu tích của Mẫu Thoải hiển linh giúp vua Lê Lợi.
Ngoài ra, Mẫu Thoải còn được thờ vọng ở nhiều nơi. Có lẽ phải kể đến Đền Mẫu Thoải tại Lạng Sơn, Đền Bắc Biên – Long Biên, Đền Ghềnh – Gia Lâm…