Tử Vi là tên một loài hoa màu tím. Từ ngàn xưa Khoa Chiêm tinh Tướng mệnh Đông phương thường dùng loại hoa màu tím này để chiêm bốc. Ngoài ra Tử là Tím, còn Vi là Huyền Diệu. Cũng có người cho rằng tên gọi được lấy từ sao Tử Vi, một ngôi sao quan trọng nhất trong môn bói toán này.
Sự ra đời của Tử Vi
Vào thời nhà Tống, văn hóa Trung Hoa thời đó rất thịnh đạt về nhân học. Cũng nhiều triết gia, tâm học, đạo học chuyên nghiên cứu con người để tìm giải đáp cho cuộc sống, tìm quy tắc cho việc xử thế nhằm mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và tập thể. Nền triết học thời Tống thời đó đã xuất hiện nhiều trường phái như Nông Gia, Pháp Gia, Âm Dương bên cạnh các học thuyết lớn như Nho Học, Đạo Học. Hầu hết các môn nhân vận chuyên khảo cứu con người và xã hội, cần thiết cho việc tu tâm, trị nước, xử thế . . .
Đứng về mặt bói toán mà xét, khoa Tử Vi xuất hiện tương đối chậm, vì đi sau khoa bói dịch, khoa nhân tướng, khoa độn giáp, khoa thiên văn . . . Nhưng Tử Vi đã khai mào cho một học thuật riêng, hệ thống hóa được ngành bói toán bằng lý số theo một khảo hướng đặc thù. Mặc dù vay mượn nơi sở học của người thời đại nền tảng triết lý Âm Dương Ngũ Hành, nhưng khoa Tử Vi vẫn giữ được nét đọc đáo nhờ ở một đường lối khảo sát khác lạ, có thể xem một cuộc cách mạng hoặc ít ra như một phát minh biệt lập trong phái học Tướng Số của thời đó, Thủy Tổ của Tử Vi học là một đạo sĩ biệt hiệu là Hi Di, tên thật là Trần Đoàn, sống vào thời nhà Tống (Trung Hoa) .
Đạo sĩ Trần Đoàn đã cố gắng bày ra cách xếp vận mệnh con người vào một lá số, ghi trên một mảnh giấy vỏn vẹn chỉ có một trang, nhưng tổng kê hết cá tính và đời người vào 12 cung và hơn 100 vì sao, được gán cho nhiều ý nghĩa và ngũ hành khác nhau, ngõ hầu giúp con người suy diễn những chi tiết về kiếp số của mình. Tóm tắt cuộc đời phức tạp của con người vào một mảnh giấy một cách hệ thống hóa, đồ biểu hóa một cách khúc chiết. Mặc dù công trình này không tránh được vài sơ khoáng cố hữu nhưng nó vẫn không mất đi giá trị khai sáng cho một bộ môn bói toán hãy còn được tôn sùng ngay trong thế kỷ khoa học không gian này.
Nguồn gốc khoa Tử Vi
Khoa Tử Vi bắt nguồn từ thời nào? Cho đến nay sách sử không ghi lại ai là người khai sáng ra nó. Các Tử Vi gia thường chỉ chú ý đến việc giải đoán Tử Vi hơn là đi tìm hiểu lịch sử. Bởi vậy cho đến nay, lịch sử khoa này vẫn còn lờ mờ. Thậm chí có người còn lầm lẫn khoa Tử Vi với những chuyện truyền kỳ hoang đường.
Đời nhà Gia Tĩnh thuộc Minh triều có lưu truyền cuốn Tử Vi Đẩu số Toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn.
Bài tựa viết như sau: “Thường nghe nói cái lý của số mệnh rất huyền vi ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ coi công danh phú quí trên đời đều có mệnh.
Tôi vì muốn biết nên đă tới tận núi Hoa Sơn chỗ ông Hi Di Trần Đoàn đắc đạo để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền. Lúc ra về thì thấy một vị cao niên thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi cuốn sách mà bảo: “Đây là Tử Vi đẩu số tập của Hi Di tiên sinh”.
Các sách về Tử Vi sau này cũng đều thống nhất rằng người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này là Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc.
Trần Đoàn, tự Hi Di, người đất Hoa Sơn ngày nay về phía Nam huyện Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây. Tương truyền rằng khi ra đời, ông bị sinh thiếu tháng, nên mãi hơn hai năm mới biết đi, thủa nhỏ thường đau yếu liên miên. Trần Đoàn học văn không thông, học võ không đủ sức, thường suốt ngày theo phụ thân ngao du khắp non cùng thủy tận.
Thân phụ Trần Đoàn là một nhà thiên văn, lịch số đại tài đương thời. Về năm sinh của tiên sinh không một thư tịch nào chép. Nhưng căn cứ vào bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh, khi Trần Đoàn yết kiến Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vào niên hiệu Càn Đức nguyên niên (năm 963 Dương lịch) có nói: “Ngô kim nhật thất thập hữu dư” nghĩa là “tôi năm nay trên bảy mươi tuổI”. Vậy có thể Trần Đoàn ra đời vào khoảng 888-893 tức niên hiệu Vạn Đức nguyên niên đời Đường Hy Tông đến niên hiệu Cảnh Phúc nguyên niên đời Đường Chiêu Tông. Trần Đoàn bắt đầu học thiên văn năm 8 tuổi.
Bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh thuật rằng:
“Tiên sinh 8 tuổi mà tính còn thơ dại. Lúc nào cũng ngồi trong lòng thân phụ. Một hôm thân phụ tiên sinh phải tính ngày giờ mưa bão trong tháng, bị tiên sinh quấy rầy, mới dắt tiên sinh ra sân, chỉ lên bầu trời đầy sao mà bảo:
– Con có thấy sao Tử Vi kia không?
Đáp:
– Thấy.
Lại chỉ lên sao Thiên Phủ mà hỏi:
– Con có thấy sao Thiên Phủ kia không?
Đáp:
– Thấy
– Vậy con hãy đếm xem những sao đi theo sao Tử Vi và Thiên Phủ là bao nhiêu?
Thân phụ tiên sinh tưởng rằng tiên sinh có đếm xong cũng trên nữa giờ. Không ngờ ông vừa vào nhà, tiên sinh đã chạy vào thưa:
– Con đếm hết rồi. Đi sau sao Tử Vi là 5 sao, như vậy chòm sao Tử Vi có 6 sao. Đi sau sao Thiên Phủ là 7 sao, như vậy chòm Thiên phủ có 8 sao.
Từ đấy tiên sinh được thân phụ hết sức truyền khoa thiên văn và lịch số.”
Tử Vi du nhập vào Việt Nam như thế nào?
Tuy xuất phát từ Trung Quốc, Tử Vi không được nổi bật lắm trong các môn bói toán khác. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó trở thành môn học được ưa chuộng nhất. Có rất nhiều học giả Việt nam đã cống hiến thêm cho môn nầy, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Quý Đôn. Dần dần, Tử Vi Việt Nam có thêm những dị biệt so với Tử Vi nguyên thủy của Trung Quốc.
Những dị biệt giữa Tử Vi Việt Nam và Trung Quốc bao gồm:
Cách an mệnh của Tử Vi Việt nam bắt đầu từ cung Dần, trong khi Trung quốc bắt đầu từ cung Sửu
Cách tính tuế hạn của Tử Vi Việt Nam tùy thuộc vào chi của tuổi người xem. Trong khi tuế hạn của Trung quốc cố định.
(Trích Cốt tủy Khoa Tử Vi của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại-Sỹ – Đại Nam ấn hành 1994)
Đối tượng xem bói trong Tử Vi là số mệnh con người
Số mệnh con người được xét trong Tử Vi là số phận con người gắn liền với gia đình, dòng họ (ông bà, bố mẹ, anh em, con cái) và những mối quan hệ xã hội.
Các sao trong Tử Vi
Bộ Tử Vi Chính Nghĩa được coi như là chính thư không thấy nói về số sao. Song xét trong mục dạy an sao thì có 93 sao. Nhưng những lá số phụ lục thì chỉ chép có 89 sao. Không thấy an sao Thiên thương, Thiên sứ, Thiên la, Địa võng. Điều này dễ hiểu bởi 4 sao trên đều ở vị trí cố định, không cần thiết an vào.
Có môn phái Tử Vi an tới 118 sao. Mỗi ngôi sao có một ý nghĩa. Sao này khi tương tác với sao khác lại có ý nghĩa khác.
Theo Hi Di tiên sinh thì các sao đó là:
14 chính tinh
– Vòng Tử Vi có 6 sao: Tử Vi, Liêm trinh, Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương và Thiên cơ.
– Vòng Thiên Phủ có 8 sao: Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát và Phá quân.
Các phụ tinh
– Các sao này mang bản sắc riêng biệt được an định trong 12 Cung trên một Thiên Bàn:
– Vòng Thái tuế – 5 sao là Thái tuế, Tang môn, Bạch hổ, Điếu khách, Quan phù. Các phái khác thêm vào 7 sao nữa là: Thiếu dương, Thiếu âm, Trực phù, Tuế phá, Long đức, Phúc đức, Tử phù.
– Vòng Lộc tồn – 17 sao là Lộc tồn, Kình dương, Đà la, Quốc ấn, Đường phù, Bác sĩ, Lực sĩ, Thanh long, Tiểu hao, Tướng quân, Tấu thư, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ.
– Vòng Trường sinh – 12 sao là Trường sinh, Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng.
– Các sao an theo tháng – 7 sao là Tả phụ, Hữu bật, Tam thai, Bát tọa, Thiên hình, Thiên riêu, Đẩu quân.
– Các sao an theo giờ – 8 sao Văn xương, Văn khúc, Ân quang, Thiên quý, Thai phụ, Phong cáo, Thiên không, Địa kiếp. Vị trí chính của sao Thiên Không được các phái khác thay bằng sao Địa Không, còn sao Thiên Không thì được an liền sau sao Thái Tuế và đồng cung với Thiếu dương.
– Tứ trợ tinh – 4 sao là Hóa khoa, Hóa quyền, Hóa lộc, Hóa kỵ.
– Các sao an theo Chi – 17 sao là Long trì, Phượng các, Thiên đức, Nguyệt đức, Hồng loan, Thiên hỉ, Thiên mã, Hoa cái, Đào hoa, Phá toái, Kiếp sát, Cô thần, Quả tú, Hỏa tinh, Linh tinh, Thiên khốc, Thiên hư. Hai sao Hỏa tinh và Linh tinh được các phái khác an theo giờ sinh.
– Các sao an theo Can – 5 sao là Lưu hà, Thiên khôi, Thiên việt, Tuần không, Triệt không.
– Các sao cố định – 4 sao là Thiên thương, Thiên sứ, Thiên la, Địa võng.
Lá số Tử Vi
Lá số Tử Vi được trình bày trên Thiên bàn, địa bàn. Thiên Bàn ở giữa, chung quanh là Địa Bàn với 12 cung.
Tại Thiên bàn, ghi năm, tháng, ngày giờ sinh, giới tính, mạng và cục.
Địa Bàn gồm 12 cung cố định, được đặt tên theo mười hai địa chi, mỗi cung phản ảnh một lĩnh vực, một mặt của đời sống một con người qua những liên hệ công danh, tiền bạc, bạn bè, vợ con, phúc đức, cha mẹ… Các cung trên địa bàn lần lượt mang các tên là: Mệnh, Phụ mẫu, Phúc đức, Điền trạch, Quan lộc, Nô bộc, Thiên di, Tật ách, Tài bạch, Tử tức, Phu thê, Huynh đệ.
Những phương thức để xác định vị trí của khoảng 110 sao lên trên địa bàn được gọi là “an sao”.
12 cung của Tử Vi
Đó là:
– Cung Mệnh và Thân
– Cung Phụ Mẫu
– Cung Phúc Đức
– Cung Điền Trạch
– Cung Quan Lộc
– Cung Nô Bộc
– Cung Thiên Di
– Cung Tật Ách
– Cung Tài Bạch
– Cung Tử Tức
– Cung Phu Thê
– Cung Huynh Đệ (hay cung Bào)
Cách lập lá số Tử Vi
– Lá số Tử Vi của mỗi người được thành lập dựa vào các yếu tố vào giờ, ngày, tháng, năm sinh (âm lịch) và giới tính.
– Trước hết vẽ bản đồ, giữa Thiên Bàn, chung quanh là Địa Bàn với các cung. Bản đồ phải đủ lớn để viết trên 100 Sao.
– Ghi năm, tháng, ngày giờ sinh, giới tính, an mạng và tính cục, ghi vào Thiên bàn.
– Sau đó xác định các đai vận và ghi trên Địa bàn.
– Tiếp đến, tiến hành an sao. Đầu tiên là an sao Tử Vi. Sau đó là an các bộ sao Tử Vi, Thiên phủ, Thái tuế, Thiên không, Lộc tồn, Tràng sinh, Hung sát tinh, Trung tinh.
– Sau cùng ghi tiểu vận.
Cách đoán giải
Muốn lập thành một lá số Tử Vi cần phải hội đủ 4 yếu tố là giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính. Cách lập thành lá số Tử Vi nói chung có nguyên tắc, trình tự được chỉ dẩn khá rỏ ràng, nhưng về phương cách giải đoán thì còn phải tùy theo trình độ, cơ duyên và kinh nghiệm… của người giải đoán mà sẽ có những lời giải đoán khác nhau.
Khi luận đoán một lá số Tử Vi, nói chung cần phải theo đúng những tiến trình luận đoán số, nắm được những đặc tính của các sao, nắm được những cung cần phải xem và những vận hạn trong cuộc đời phải biết.
Giới hạn
Có tất cả 518.400 (60 can chi, 12 tháng, 30 ngày, 12 giờ, và 2 giới tính) lá số khác nhau trong Tử Vi. Có người dùng con số nầy để đi đến kết luận rằng Tử Vi không thể dùng để lý giải sự khác nhau của những người sinh cùng thời điểm. Tuy nhiên, muốn giải đoán chính xác một lá số của một người thì cũng nên khảo sát thêm những lá số của những người thân của người đó, mới có thể biết được khá chính xác lá số của người đó.
Ý nghĩa của xem Tử Vi
Xem Tử Vi là một môn khoa học dựa trên giờ sinh, ngày tháng năm sinh của mỗi người để luận ra lá số. Từ lá số này, người chấm Tử Vi sẽ dựa vào các chòm sao chính tinh và phụ tinh trong mỗi cung để nói cho bạn biết tính cách, hoàn cảnh, dự đoán về các “vận hạn” hay công việc nên theo đuổi … trong cuộc đời của một người, đồng thời nghiên cứu tương tác của một người với các sự kiện, nhân sự….
Xem Tử Vi với mục đích chính là để biết vận mệnh của con người, tuy nhiên “vận mệnh” đó có thể thay đổi trong quá trình sống.
Ví dụ Tử Vi cho biết rằng chị Hoa cả đời không thể có con do kiếp trước đã làm nhiều việc xấu, tuy nhiên chị không nản chí, đi cầu con, chạy chữa khắp nơi, làm nhiều việc tốt giúp mọi người, cuối cùng chị vẫn có con. Điều này không phải do Tử Vi nói sai, mà do chị tạo phước, khiến nghiệp cũ tiêu trừ, phước mới tăng thêm, số mệnh đã được sửa lại.
Ngược lại, hiện tại nếu một người tạo thật nhiều việc bất thiện, sẽ khiến cái vốn liếng Phước – Tội của quá khứ thay đổi: phước bị tổn giảm, và nghiệp khổ tăng lên. Chẳng hạn, Tử Vi phán rằng người này thọ 70 tuổi, nhưng vào năm 30 tuổi anh ta tạo nghiệp sát sinh nặng, giết trâu, giết chó quá nhiều, tuổi thọ sẽ bị giảm xuống, tới 45 tuổi đã mắc bệnh chết. Cái này không phải do Tử Vi tính sai, mà là do nhân quả nghiệp báo của người này đã thay đổi.
Như vậy, Tử Vi dựa theo ngày giờ sinh chỉ tính được phần vốn liếng tội phước quá khứ, chứ không tính được sự thay đổi Tội – Phước mà người đó tạo ra trong kiếp hiện tại. Các bạn có thể dựa vào Tử Vi để biết được Nghiệp và Phước của mình như thế nào, từ đó sẽ có hướng để thay đổi cách sống, tích đức nhiều hơn, gieo nhiều hạt mầm thiện lành hơn cho cuộc đời sau này.
Tử Vi cũng sẽ xem được bạn hợp với nghề nào và khả năng của ban là gì. Vì vậy, nếu bạn xem Tử Vi để phấn đấu cho nghề nghiệp sau này thì cũng tương đối chính xác.
Tử Vi cũng sẽ nói khá chuẩn về tính cách của bạn, bố mẹ, gia tiên dòng họ nhà bạn và ngay cả người bạn sẽ lấy làm vợ hoặc chồng. Từ đó, bạn sẽ biết được một chút về tương lai để có sự chuẩn bị chu đáo hơn và “đỡ sốc”.
Có nên xem Tử Vi không?
Như vậy, mục đích của việc xem Tử Vi là muốn cho mình biết trong kiếp này sinh nghiệp của mình là gì? Và chúng ta chỉ nên tham khảo để biết cuộc đời của mình thế nào để đi cho đúng hướng. Và mình chỉ học bài học của mình thôi chứ đừng quá tham vọng mà quá sức. Ngày xưa người lập ra môn Tử Vi có ý tốt, nhưng sau này con người cứ muốn biết thế này thế kia nhiều quá nó lại trật.