Lễ cúng Thần Nông ở Hội An

Lễ cúng Thần Nông là một lễ hội rất quan trọng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, xã hội đối với người dân Hội An, Quảng Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Từ xưa, trong tâm thức của người Phương Đông nói chung, của người Việt nói riêng luôn sống gần gũi, gắn bó, hòa mình và dựa vào thiên nhiên với quan niệm “Thiên địa nhân hợp nhất”.

Từ đó, một trong những hình ảnh về thiên nhiên vũ trụ huyền bí tiêu biểu trong cảm quan của người Việt đó là các thần linh: Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sông, Thần Núi, Thần Mặt Trời,… Đặc biệt, đối với những người làm nông nghiệp đều quan niệm nhờ các vị thần này đã đem lại cuộc sống no đủ, bình lặng cho muôn dân. Mong ước chính của họ là trông cho mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, mùa màng tươi tốt, bội thu… những mong ước này được thể hiện qua câu ca dao:

“Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”.

Từ những mong ước bình dị của người nông dân, từ lâu trong dân gian đã hình thành nên tục cúng Thần Nông – vị Thần tương truyền là người đầu tiên đã dạy dân trồng lúa, làm hoa màu.
Như chúng ta đã biết, Hội An vốn là vùng cửa sông – ven biển, diện tích đất trồng trọt không nhiều nhưng cùng với thương nghiệp, ngư nghiệp thì nông nghiệp là một trong những nghề nghiệp chính của cư dân Hội An. Vì thế, Thần Nông là một vị Thần không xa lạ gì đối với cư dân làm nông nghiệp ở Hội An.

Lễ cúng Thần Nông ở Hội An

Lễ Thần Nông hay còn gọi là lễ Tịch Điền

Để bày tỏ lòng tri ân của dân làng, từ xa xưa ông cha ta đã xây dựng miếu để thờ vị thần của nghề “bám mặt cho đất, bám lưng cho trời”, đó là Thần Nông. Cho đến hiện nay, nằm rải rác trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn một số ngôi miếu hoặc đàn/nền Thần Nông như miếu Thần Nông (số 76 đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô), nền Thần Nông (Hòn Gieo, xã Tân Hiệp), đàn Thần Nông (thôn 5, Cẩm Thanh),…

Hàng năm, sau một vụ mùa lao động nhọc nhằn, vất vả với ruộng đồng là mùa thu hoạch của người nông dân và cũng là dịp để mọi người cùng chung góp lại trước là cúng tạ ơn Thần Nông, các vị Thần linh, sau là cầu mong dân làng làm ăn thuận lợi, phát đạt, mùa màng năm sau được mùa hơn….Vì thế, mục đích chính của lễ cúng Thần Nông là cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch (sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân), có nơi tổ chức cúng vào dịp Thanh minh.

Trước đây, đối với nghề nông, lễ cúng Thần Nông là một lễ lệ rất quan trọng của dân làng, hầu như địa phương nào làm nông nghiệp đều tổ chức cúng Thần Nông, ví như phường Cẩm Phô, vốn là vùng đất màu mỡ, đa số người dân làm nông nghiệp nên hàng năm cứ vào dịp Thanh minh mọi người trong làng cùng quyên góp lại tổ chức cúng Thần Nông tại miếu Thần Nông (số 76 đường Trần Hưng Đạo hiện nay), lễ cúng được tổ chức rất quy mô với sự tham gia đông đảo của bà con dân làng, có năm cúng lớn còn tổ chức rước long chu.

Hiện tại, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn duy trì lễ cúng Thần Nông nhưng không còn được tổ chức quy mô, bài bản như trước kia. Đối với cư dân nông nghiệp ở xã Tân Hiệp, hàng năm sau khi thu hoạch vụ mùa đầu của năm, lễ cúng Thần Nông được tổ chức tại nền Thần Nông – Hòn Gieo. Trong lễ cúng người ta có vái cầu:

“Tôi làm nông
Vái ông Thần Nông, vái bà Thần Nông
Trông có bông, có trái cho nhiều
Bờ trên phủ bờ dưới, bờ dưới phủ bờ trên”

Qua lời bài cúng Thần Nông của cư dân Cù Lao Chàm, nói lên mong ước chính của người nông dân là cầu cho cây trái trĩu hạt, được mùa.

Lễ vật cúng Thần Nông cũng đơn giản giống một số lễ cúng liên quan đến nghề nông như cúng mục đồng, cúng cơm mới. Lễ vật chính gồm: Hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, cơm in muối mè, heo (đối với những năm cúng lớn thì cúng nguyên một con heo luộc hoặc quay), đồ thổ thần (lễ vật cần có để cúng ông Thần Nông). Ngoài ra, còn có một số cúng phẩm khác.

Từ những lễ lệ truyền thống còn lưu truyền trong dân gian, cúng Thần Nông là lệ cúng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, có tác dụng giáo dục tính cộng đồng, nhưng ngày nay lễ cúng này đã dần phai mờ trong đời sống của những cư dân nông nghiệp ở Hội An nói riêng, vì thế cần gìn giữ, phát huy.

Updated: 22/07/2021 — 9:07 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *