Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng trích tài liệu do Jayne Susan Werner tham khảo từ một báo cáo gửi cho Toàn quyền Đông Dương ngày 14/12/1934 cho thấy đạo Cao Đài đã có từ năm trăm ngàn tới một triệu tín đồ vào năm 1930, lúc đó tổng dân số Nam Kỳ khoảng bốn đến bốn triệu rưỡi người.
Ngoài sự cởi mở, chấp nhận sự đa dạng tín ngưỡng của vùng đất mới khẩn hoang Nam Kỳ thì sự tham gia của các công chức trong đạo Cao Đài đã ít hưởng ít nhiều đến sự hưởng ứng của quần chúng.
Nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng người Nam Bộ tính hay nhút nhát nên những việc vận động quần chúng lớn lao phải có sự tham gia của công chức vì người dân “tin rằng công chức luôn luôn đàng hoàng, không làm quốc sự [làm chính trị]”.
Sâu xa hơn, nhà nghiên cứu Jayne S. Werner cho rằng “Đạo Phật và Khổng đã suy thoái [khi Pháp chiếm Nam Kỳ], để lại một khoảng trống văn hóa thuận lợi cho việc sáng lập các giáo thuyết mới nhắm vào mục đích khôi phục nền văn hóa Việt Nam”.
Werner ghi chép rằng sự ra đời của đạo Cao Đài đã trả lại sinh lực cho đạo Phật, Lão và các chi Minh [Minh Sư, Minh Đường…], quy tụ được một số người tu hành của những tôn giáo này cải đạo sang Cao Đài. Ông cũng ghi nhận trước khi các tòa thánh của Cao Đài được xây thì tín đồ đã làm lễ ở các chùa Phật khắp Nam Kỳ.
Về mặt luật pháp, theo nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng, đạo Cao Đài thuận lợi phát triển trong những ngày đầu cũng một phần do một số luật của nước Pháp được áp dụng ở Nam Kỳ. Là một thuộc địa của Pháp, “Nam Kỳ đã chịu sự chi phối của luật pháp nước Pháp”. Năm 1883, Pháp đã cho áp dụng bộ Hình luật và một số điều khoản của bộ Dân luật trên đất Nam Kỳ.
Sinh hoạt tôn giáo luôn đòi hỏi sự tụ tập của nhiều người có khi lên đến hàng vạn người, dẫn đến quyền tự do hiệp hội là một phần không thể thiếu trong các lễ nghi sinh hoạt của các tôn giáo. Trong khi đó, luật của nước Pháp áp dụng ở Nam Kỳ có nhiều thuận lợi về tự do hiệp hội.
Theo Luật Hiệp hội 1/7/1901, “các hiệp hội có thể tự do thành lập không cần cho phép hay khai báo trước”, nhưng chỉ có năng lực pháp lý sau khi thông báo với chính quyền chi tiết về hiệp hội và cập nhật sự thay đổi của hiệp hội (nếu có) trong mỗi ba tháng.
Thật vậy, bản thông báo thành lập đạo Cao Đài mà ông Lê Văn Trung gửi cho Quyền thống đốc Nam Kỳ đã phản ánh điều này. Văn phong trong bản thông báo không có hề có cảm giác xin cho mà giọng văn hết sức kiên quyết:
“Nhân danh đông đảo những người Việt Nam đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu này [nguyên nhân thành lập và sứ mệnh của đạo Cao Đài] và có danh sách kèm theo, những người ký tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông biết là chúng tôi sẽ truyền bá cho toàn thể nhân loại giáo lý thiêng liêng này.”
Tin tưởng rằng nền tôn giáo mới này sẽ mang đến cho tất cả chúng ta hòa bình và hòa hiệp, những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chính thức tiếp nhận tuyên ngôn của chúng tôi”, trích thông báo gửi chính quyền thuộc địa Nam Kỳ về việc thành lập đạo Cao Đài.
Sau thông báo đó, đạo Cao Đài tổ chức một buổi lễ kéo dài suốt ba tháng để giới thiệu các chức sắc đầu tiên của Hội thánh Cao Đài và thu nhận tín đồ từ khắp nơi.