Vấn đề đức tin trong đạo Phật

Ðức Thích Ca có dạy: “Tin là căn bản của sự thành công, và là nguồn gốc của muôn hạnh lành”. Nhưng lòng tin của người Phật Tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, không suy xét.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, dân tộc và xã hội. Cái tín ngưỡng sai lầm có thể làm hại tinh thần quần chúng. Sự tín ngưỡng mù quáng không căn cứ trên lý trí xét đoán đã đào luyện và sẽ đào luyện lên những trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng.

Một đức tin hổn tạp, thiếu căn cứ, thường hay đi với sự nương nhờ vào một thế lực phỉnh phờ. Hai thứ ấy nương nhau, có ảnh hưởng lẫn nhau rất mạnh. Hai thứ ấy cũng đều tạo nên những bộ óc yếu đuối, ỷ lại, thiếu tinh thần tự lập. Do một tin tưởng sai lầm, tinh thần càng ngày càng bị u tối, và sau bức màn thành kiến, con người làm sao trổi dậy, cường tráng và tự lập cho được?

Ðạo Phật truyền sang đất Việt đã gần 2.000 năm, có thời rực rỡ huy hoàng, nhưng cũng có thời lu mờ hôn ám. Rực rở huy hoàng hay lu mờ hôn ám chỉ là ở tại đức tin: mê tín đã gây nên cái hình thức tào tạp của đạo Phật của thời cận đại. Có nhiều người tự xưng là tín đồ đạo Phật mà lại có những tín ngưỡng sai lạc hẳn tinh thần Phật Giáo. Căn cứ vào hình thức ấy, người ta vội mỉm cười, cho đạo Phật là mê tín, là ỷ lại thần quyền, là chỉ lo tư lợi, là chán đời, là nhu nhược yếu đuối.

Vấn đề đức tin trong đạo Phật

Số người chịu khó đi sâu vào tinh thần Phật Giáo có được bao nhiêu đâu! Nhiều kẻ mang danh là tín đồ mà sự hiểu biết và hành động trái hẳn giáo lý Phật dạy, phản lại tinh thần từ-bi trí-tuệ của Phật Tổ. Nhận xét bằng một cặp mắt kém nhận xét, nhiều người trông thấy những màu mè ấy vội kết luận rằng đạo Phật chỉ là một đa thần giáo như những đa thần giáo ngày xưa!

Phật giáo nước Việt trong mấy thế kỷ vừa qua đã có một hình thức tào tạp. Những hình thức bói xăm, vàng mã, đồng bóng họp chung lại gọi là “đạo”, và trong trường hợp nào (ví dụ như lên đồng lên bóng chẳng hạn) người ta cũng “mô Phật” được! Những vị chân tu cùng đạo Phật chân chính, vì thế, được ít người biết đến. Hèn gì mà đạo Phật không bị nhận thức sai lầm.

Có bao nhiêu kẻ thường ngày không biết đến Phật, không nghe, không hiểu, và không làm theo lời Phật dạy, khi lâm nạn mới đến chùa tháp, đốt một nén hương khẩn cầu. Họ xem đạo Phật là một lối chuyên môn thờ cúng, và Phật là một vị thần thiêng liêng sẵn sàng ban phúc diệt họa cho họ mỗi khi họ cần đến.

Một hôm, có người trong phái Kalmala đến tìm Phật và hỏi Ngài: “Bạch đức Thế Tôn, các thầy Bà-la-môn ngoại đạo đến thăm chúng tôi, người nào cũng bảo rằng chỉ có lời của họ mới đúng chân lý mà thôi. Bạch Ngài, chúng tôi thật lấy làm phân vân không biết theo bên nào, bỏ bên nào”.

Trả lời câu hỏi ấy, đức Phật không bảo rằng Ngài là chúa tể vạn vật, chỉ có đạo Ngài mới nên theo; ngài không bảo rằng các vị giáo chủ và các đạo khác đều là hư ngụy, là sai lầm. Lời dạy của Ngài rất rộng rãi. Ngài bảo: “Ngươi đừng vội tin theo ai cả. Tất cả những gì ngươi đã thực nghiệm sâu xa, hợp với lý trí xét đoán của ngươi, có thể đem lại hạnh phúc cho chính ngươi và những kẻ khác, những cái ấy, ngươi hãy nhận đó là chân lý và hãy cố sống đúng theo chân lý ấy”.

Ðọc đoạn vừa rồi trong kinh Kalama, chúng ta nhận thấy hai điều: một là đạo Phật không bao giờ bắt buộc người ta tin theo một cách mù quáng; hai là đức Phật không phải là một vị chúa tể có quyền phép lạ, có thể đem tín đồ mình đặt ở thiên đường hay ở địa ngục tùy theo ý thích của mình.

Nội một sự kiện “không buộc người phải tin theo một cách mù quáng” đủ chứng tỏ rằng đạo Phật có một tinh thần thật rộng rãi và có tính cách nhân loại. Ðạo Phật dạy rằng không hiểu Phật mà theo Phật thì đã không có lợi mà còn có hại là khác nữa.

Chính đức Phật Thích Ca cũng có dạy: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta vậy”.

Như thế, người nào tin Phật như một vị chúa tể có quyền ban phúc trừ họa tức đã bài báng Phật.

Một lòng tin chân chính phải đi theo với một lý trí xét đoán. Hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chánh tin. Ðối với đạo Phật, tin mà không hiểu thì sẽ lạc đường.

Ðạo Phật chủ trương cá nhân có quyền thẩm sát tất cả, và tin hay không là tùy ở mình. Chúng ta hãy đọc đoạn nầy cũng ở trong kinh Kamala:

“Ðừng vội tin tưởng những cái gì mà người ta thường lập đi lập lại luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một tập tục cổ truyền đã trải qua nhiều thời đại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là điều người ta hay đồn và hay nói đến luôn. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do bút tích thánh nhân xưa để lại. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là một luật lệ đặt ra từ lâu và được xem như là chánh đáng. Ðừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó là do quyền năng của một bậc thầy hoặc do quyền lực của một nhà truyền giáo.

Tất cả những gì hợp với lý trí xét định, hãy tin “.

Tam Tạng giáo điển của Phật Giáo đối với Phật Tử không giống những thánh kinh đối với tín đồ các tôn giáo khác. Phật Tử không bị bắt buộc tin vào kinh điển một cách mù quáng. Kinh điển đối với Phật Giáo không phải là một “tối hậu chân lý”, một bảo vật mà ai cũng phải thờ lạy. Kinh điển không phải là những bùa chú linh thiêng mà hể đọc lên là được Ðức Phật cứu độ. Kinh điển chỉ là lời dạy của Phật, của một bậc giác ngộ. Ðức Phật đã từng nói:

“Này các tỳ kheo! Hãy xem ta như kẻ hướng dẫn các ngươi trên đường tu học”.

Ðịa vị của Ðức Phật trong Phật Giáo là địa vị của một người dẫn đường trong đám người lạc hướng, hay nói cho khác hơn, địa vị của một lương y trong đám bệnh nhân đau khổ.

Nếu những người lầm đường không đi theo con đường của người dẫn lối thì không khi nào đến đích được, và đó là lỗi của người không đi, chứ không phải là lỗi ở người chỉ đường. Vị lương y cho thuốc uống, nhưng sợ đắng không uống, bệnh không lành, đó chỉ là lỗi ở các con bệnh, chứ không phải lỗi ở lương y.

Nếu Phật Tử không hiểu lời dạy của Phật, không thực hành theo những lời dạy của Ngài, thì Ðức Phật và tam tạng giáo điển của Ngài đối với người kia không còn ý nghĩa gì nữa cả. Bởi thế, đốt hương, kết hoa, tỏ lòng biết ơn Phật cũng chưa phải là việc cần làm nhất của một người Phật Tử chân chính. Thực hành và sống theo lời Phật dạy mới là Phật Tử chân chính vậy.

Căn cứ vào những lời trong kinh Kalama và căn cứ trên lý nhân quả xác thực, chúng ta thấy rằng Ðức Phật không phải là một vị chúa tể toàn năng có thể ban phúc lợi và sự giải thoát cho con người, nếu con người có cầu nguyện Ngài. Lạy Phật, dâng hương lễ Phật, mới là việc làm của kẻ biết ơn. Muốn giải thoát, muốn có an lạc, con người phải biết xem Phật như một ngôi sao dẫn đường, một bậc Thầy sáng suốt.

Hãy nhìn Ðức Phật ở địa vị chính của Ngài, và đừng bao giờ đặt ngài ở địa vị một thần linh, một chúa tể. Người Phật Tử nếu có tin tưởng, thì chỉ là tin tưởng ở sự dẫn đạo sáng suốt của bậc giác ngộ, tin tưởng ở khả năng giác ngộ (Phật Tính) sẵn có ở mọi loài, chứ không phải tin nơi quyền phép có thể ban phúc trừ họa.

Hiểu như thế, ta mới thấy rằng những tâm niệm đen tối, mê tín, ỷ lại vào quyền năng vu vơ của thần thánh không phải là một lòng tin mà đạo Phật đòi hỏi. Người học Phật phải thận trọng, luôn luôn giữ thái độ khách quan trong khi tìm hiểu kinh điển, và như thế là có tinh thần khoa học. Trí óc kẻ học Phật phải là một cơ quan gạn lọc vàng sõi, phân biệt rõ ràng, đừng để bị nô lệ cho những kiến văn, sách vở, và những thành kiến dựa vào tình cảm.

Updated: 15/09/2021 — 12:02 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *