Sự tích hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm)

Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm, hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Gươm nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tổng quan về hồ Gươm

Hồ Hoàn Kiếm (chữ Nôm: 湖還劍 hoặc 還劍湖) còn được gọi là Hồ Gươm là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha.

Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt).

Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và rùa lặn xuống nước biến mất. Từ đó hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm. Tên hồ còn được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội đó là quận Hoàn Kiếm và hồ Gươm là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.

Sự tích hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm)

Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.

Rùa Hồ Gươm

Rùa hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus leloii, họ Ba Ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudies), lớp Sauropsida (Mặt thằn lằn). Rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể, cả bốn cá thể đều đã chết (một được lưu trong đền Ngọc Sơn, một lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một đã bị giết thịt năm 1962 – 1963 khi bò lên vườn hoa Chí Linh).

Rùa hồ Gươm là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng từ hàng ngàn năm nay.

Năm 2011, rùa hồ Gươm, được biết chỉ còn một cá thể sống sót, thường được gọi là “Cụ Rùa” đã được trục vớt và trị chữa các vết thương.

Ngày 19 tháng 1 năm 2016, cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng đã chết.

Di tích lịch sử tại hồ Hoàn Kiếm

Tại Hồ Gươm có các di tích lịch sử:

Tháp Rùa

Tháp Rùa nằm ở trung tâm hồ, được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, trên gò Rùa chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật. Tầng một: chiều dài 6,28 mét (của 2 mặt hướng Đông và Tây), mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn. Tầng hai: chiều dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba: chiều dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét. Nơi đây từng là nơi chôn cất của vợ một tướng Pháp.

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ Gươm, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng khi dời đô ra Thăng Long và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã lập ra đền Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ (bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh)[7]. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo.

Cầu Thê Húc

Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm”

Tháp Bút

Tháp Bút nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí.

Đài Nghiên

Đài Nghiên nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, là phần không thể thiếu của Tháp bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán.

Tháp Hòa Phong

Tháp Hòa Phong nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông hồ, là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân (bị dỡ bỏ năm 1898). Tháp cao ba tầng, cửa theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, có các chữ Hán như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp, ứng với mỗi cửa của tháp. Tầng một to và cao hơn hai tầng trên cùng. Bốn mặt của tầng hai hình Bát quái. Tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”.

Đền Bà Kiệu

Đền Bà Kiệu nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, là một di tích hoàn chỉnh nhưng do việc mở đường nên đã tách làm hai phần, Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền thờ ở về phía bên này đường. Toạ lạc theo hướng Nam. Tam quan và Đền thờ (Nhà đại bái) đều có kiến trúc ba gian xây gạch, lợp mái ngói ta. Ngôi đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ.

Thủy Tạ

Thủy Tạ được khởi công năm 1937 trên nền Tả Vọng đình thời chúa Trịnh Sâm, nằm ở mép hồ hướng Tây Bắc, là một loại hình kiến trúc đặc sắc trong kiến trúc cổ Việt Nam, là địa điểm thưởng ngoạn không gian hồ.

Đền thờ vua Lê

Đền thờ vua Lê ở nằm ở vị trí trên bờ phía Tây hồ Gươm, áp với đình Nam Hương. Đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.

Truyện Sự tích hồ Gươm

Sự tích Hồ Gươm là truyện truyền thuyết ca ngợi chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và giải thích nguồn gốc tên gọi của Hồ Gươm ngày nay.

Sự tích hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm)

Vào thời giặc Minh [1] xâm lược nước ta, đi đến đâu chúng cũng tàn sát người dân vô tội, cướp bóc của cải của nhân dân. Cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ, và lầm than. Thấy cuộc sống của trăm dân như vậy một số người có lòng yêu nước đã tụ họp lại với nhau cùng bàn bạc làm một cuộc khởi nghĩa để chống lại sự tàn ác và bạo ngược của quân giặc. Trong đó có nghĩa quân ở vùng Lam Sơn.

Tuy nhiên, nghĩa quân cũng chỉ toàn là những người nông dân áo vải, binh khí thì thô sơ mà chưa thu hút được nhiều người nên chưa có đủ sức mạnh để chiến đấu chống lại quân giặc. Rất nhiều lần nghĩa quân đã đứng lên khởi nghĩa nhưng lần nào cũng bị binh tướng nhà Minh đánh cho bại trận. Đức Long Quân [2] nhìn thấy tấm lòng chiến đấu quả cảm và tinh thần yêu nước của nghĩa quân, liền quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để tăng thêm sức mạnh và sĩ khí chiến đấu cho họ.

Hồi ấy ở Thanh Hóa, có một người đi đánh cá dưới sông, khi kéo lên thấy lưới rất nặng. Anh ta nghĩ thầm trong bụng: “Phen này chắc là được nhiều cá lắm đây!“. Tuy nhiên khi lưới được kéo lên thì không có một con cá nào mà chỉ là một lưỡi gươm cũ. Anh ta liền vứt lưỡi gươm trở lại sông, lần thứ hai chàng kéo lưới, lưỡi gươm ấy lại vướng vào. Lần này anh quăng lưỡi gươm đi xa hơn nữa.

Đến lần thứ ba kéo lưới vẫn là lưỡi gươm đó mắc vào. Thấy lạ, anh liền cầm lưỡi gươm cũ lên và mang về để trong góc nhà. Người đó tên là Lê Thận – một nông dân quê ở Thanh Hóa, có lòng yêu nước nồng nàn, từ lâu đã có ý muốn gia nhập cùng nghĩa quân Lam Sơn [3].

Lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn lúc bấy giờ đã ngày càng đông, muốn chiêu binh thêm những người tài giỏi và có lòng yêu nước tham gia. Lê Thận có sức khỏe cùng với lòng yêu nước mong đánh đuổi giặc ngoại xâm từ lâu nên đã gia nhập nghĩa quân. Anh tham gia những trận chiến quan trọng và góp nhiều công sức trong các trận thắng lớn, được Lê Lợi vô cùng tin tưởng.

Một lần Lê Lợi đưa quân qua vùng Thanh Hóa đã vào nhà Lê Thận để nghỉ ngơi. Vừa vào tới nhà, Lê Lợi và các tướng lĩnh thấy lưỡi gươm cũ vứt ở xó nhà của Lê Thận phát ra ánh hào quang sáng chói. Mọi người tiến lại cầm lên xem thì thấy trên lưỡi gươm có khắc hai chữ “thuận thiên” [4]. Tất cả vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng không nghĩ đó là báu vật, chỉ cho đó là lưỡi gươm bình thường mà thôi.

Thời gian sau, nghĩa quân tổ chức rất nhiều trận đánh trả quân Minh. Trong một đánh không may nghĩa quân bại trận, Lê Lợi bị quân giặc đuổi theo vào trong rừng sâu. Khi đang chạy trốn, ông nhìn thấy có một vật sáng chói trên cành cây. Lấy làm tò mò, Lê Lợi liền trèo lên cành cây thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc [5] sáng lấp lánh. Lại nhớ tới hôm ở nhà Lê Thận có lưỡi gươm phát sáng Lê Lợi liền cầm chuôi gươm về.

Vài hôm sau, gặp Lê Thận, Lê Lợi kể lại chuyện nhặt được chuôi gươm phát sáng và bảo Lê Thận cho mượn lưỡi gươm cũ. Không ngờ sau khi cho lưỡi gươm vào trong chuôi gươm thì lại vừa in như một cặp, lưỡi gươm trở lên sáng chói và sắc nhọn vô cùng.

Lê Thận và mọi người ở đó đều quỳ rạp dưới chân Lê Lợi mà rằng: “Có lẽ đây là gươm báu trời ban, giúp nghĩa quân đánh giặc xâm lược. Nay xin chủ tướng cầm gươm báu để lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, để cho muôn dân được hưởng cuộc sống yên bình”.

Lê Lợi nhận thanh gươm từ tay Lê Thận, hứa sẽ dốc hết lòng lãnh đạo nghĩa quân thuận theo ý trời.

Kể từ đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng. Dần dần lực lượng quân Minh bị suy yếu, nghĩa quân không còn phải trốn ở trong rừng nữa, mà chuyển sang đối đầu trực diện. Kho lương thực cũng ngày càng đầy đủ do chiếm được của quân giặc càng giúp cho quân lính có thêm khí thế chiến đấu hơn trước.

Chẳng bao lâu sau, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và nhờ gươm thần mà nghĩa quân đã đánh bại quân Minh. Giặc sợ hãi bỏ tháo chạy về phương Bắc [6], muôn dân lại được thái bình.

Sau khi đánh đuổi hết giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua để trị vì và thống nhất đất nước.

Một năm sau, khi nhà vua cùng các bề tôi thân tín ngồi thuyền đi dạo trên hồ Tả Vọng trước kinh thành. Đức Long Quân sai rùa vàng lên để lấy lại thanh gươm thần.

Khi thuyền ra tới giữa hồ thì bất ngờ từ dưới làn nước trong xanh, có một con rùa vàng ngoi đầu lên, cất tiếng:

– Thưa nhà vua, lúc trước Đức Long Quân có cho nhà vua mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nay nghiệp lớn đã hoàn thành, xin nhà vua hãy trả lại gươm thần!

Lê Lợi nghe xong, liền cởi thanh gươm bên mình ra, cầm hai tay và dâng lên trước mặt rùa vàng. Thanh gươm bất ngờ bay khỏi tay nhà vua sang miệng rùa vàng. Rùa vàng ngậm lấy gươm, lặn xuống hồ biến mất.

Từ đó, hồ Tả Vọng được đặt tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm [7].

Chú thích trong truyện Sự tích Hồ Gươm

[1]. Giặc Minh: giặc phương Bắc triều đại nhà Minh (giặc Minh xâm lược nước ta từ năm 1407 đến năm 1427).

[2]. Lam Sơn: nơi Lê Lợi khởi nghĩa, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

[3]. Đức Long Quân: tức Lạc Long Quân (đức: tiếng tôn xưng vua chúa, thần thánh,…).

[4]. Thuận Thiên: t theo ý Trời; đây là tên thanh gươm. Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lấy hiệu là “Thuận Thiên”.

[5]. Nạm ngọc: gắn ngọc vào (nạm: gắn, dát, đặt kim loại hay đá quý vào một đồ vật để trang trí).

[6]. Phương bắc: chỉ Trung Quốc.

[7]. Hoàn Kiếm: có nghĩa là “trả lại gươm” (hoàn: trả; kiếm: gươm).

Updated: 11/03/2022 — 10:55 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *