Không biết tự bao giờ những tập tục ngày đầu xuân này đã chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa cũng như tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày nay, con người hiện đại vẫn truyền tai nhau giữ nét truyền thống này như một phương thức tâm linh để tự bảo vệ trước những điều bất trắc, điềm “gở”, đồng thời chủ động đón điều lành đến nhà.
Tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình. Những điều kiêng kỵ phổ biến trong ngày Tết, ngày đầu xuân năm mới ở nước ta như sau:
Kiêng quét nhà
Dân gian cho rằng nếu quét nhà vào 3 ngày đầu năm thì cả năm đó gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Hoặc có thể quét nhà nhưng tập để rác ở một góc nhà chứ không hốt đi.
Tập tục này xuất phát từ truyền thuyết, ngày xưa ở Trung Hoa có một lái buôn thật thà tên là Âu Minh. Khi ông đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to.
Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. Như Nguyệt hoảng sợ trốn vào đống rác và sau đó biến mất tăm. Từ ngày đó, Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác. Dân làng bàn tán xôn xao cho rằng Như Nguyệt là một vị thần đã mang lại sự giàu có, hưng thịnh mà nhà Âu không biết quý trọng. Từ đó, dân gian đã lập bàn thờ Như Nguyệt và đặt tên là Thần Tài với hy vọng vị thần này sẽ độ trì cho gia đình được nhiều tài lộc.
Cũng xuất phát từ truyền thuyết này mà ngày Tết, nhân dân có tục kiêng hốt rác trong ba ngày đầu năm vì sợ hốt mất Thần Tài ẩn trong đống rác đổ đi thì cả năm đó làm ăn sẽ thất bát. Vì thế từ trước đó cho đến đêm giao thừa, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, đồng thời ý tứ ức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
Riêng ở Nam bộ người ta còn cho rằng sau khi quét dọn phải cất hết chổi, bởi nếu trong ngày Tết bị mất chổi là điềm gở, cả năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.
Kỵ mai táng
Tết Nguyên Đán được gọi là “Tết Cả”, là ngày vui nhất của một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng mở đầu cho một vận hội mới của đất trời, của con người và cả dân tộc. Vì thế dù gia đình có tang cũng phải tạm gác chuyện buồn để hòa chung với niềm vui toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết, tức là nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, còn ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh đó.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó. Đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Còn nếu qua đời đúng Mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng Mùng Hai làm lễ phát tang.
Kỵ cho nước, cho lửa
Người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn, cho người khác cái may trong ngày Mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai vạ.
Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc, nguồn công năng cho gia đình. Nếu cho nước thì sẽ bị mất “lộc”.
Bởi quan niệm này nên ngay từ những ngày cuối năm, dân gian luôn chủ động đưa nước đầy ắp lu vại, lửa hồng trong bếp để tránh phải đi xin mấy ngày đầu năm.
Kỵ vay mượn, trả nợ
Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.
Kiêng ăn thịt chó, cá mè, vịt, trái chuối
Là những loài mà tên gọi của nó gắn liền với những điều không may lành như “trượt vỏ chuối”…
Không làm vỡ đồ đạc
Vỡ bát đĩa, ấm chén hoặc cãi nhau, chửi tục, khóc lóc, buồn tủi, nói điều xui rủi…sẽ khiến gia đình bất hòa, chia rẽ.
Kiêng mặc quần áo màu đen (hoặc trắng)
Theo quan niệm của người xưa, màu đen và trắng là màu của tang lễ, chết chóc. Thay vào đó nên mặc đồ màu hồng, đỏ, vàng, xanh… tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới.
Kiêng đi chúc Tết vào sáng Mùng Một Tết
Xuất phát từ phong tục xông nhà xông, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày Mùng Một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Vì thế người ta nên tránh đi chúc Tết vào sáng Mùng Một nếu không được gia chủ mời vì sợ sẽ mang đến điều không tốt đẹp gia đình đó.
Kiêng giặt giũ vào Mùng Một và Hai Tết
Vì ngày sinh của thần Thủy là ngày 1, 2 tháng Giêng Âm lịch, do đó nên tránh giặt quần áo trong hai ngày này để phòng xui xẻo.
Không treo tranh ảnh có nội dung tiêu cực
Không treo tranh khóc lóc, đánh ghen, tai nạn. Ngược lại nên dùng những bức tranh thể hiện sự may mắn, sung túc như đàn lợn, gà, em bé, vàng bạc…
Kiêng Mở tủ
Một số gia đình kiêng mở tủ vào ngày Mùng Một Tết do tin rằng mở tủ lấy tài sản tức là “tống tiễn” tài lộc ra khỏi nhà. Do vậy, người lớn thường nhắc trẻ con cần lấy sẵn đồ đạc, quần áo diện ngày đầu năm ra ngoài trước lúc giao thừa.
Kiêng chụp hình hoặc chúc Tết người đang nằm ngủ
Bởi đây là tư thế của người chết, người bệnh, nên chụp hình hoặc chúc Tết lúc này không khác gì “rủa” họ bệnh tật, chết chóc cả năm. Ngoại trừ trường hợp nằm để tạo dáng chụp ảnh…
Kiêng xuất hành ngày mùng Năm
Người Việt thường tin rằng Mùng 5 là ngày nguyệt kỵ không thích hợp cho xuất hành. Chẳng vậy mà ca dao Việt Nam có câu: “Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”.
Kiêng xõa tóc
Ở vùng quê Việt Nam và một số gia đình gốc Hoa, người ta kỵ việc xõa tóc của các thiếu nữ. Họ cho rằng tóc xõa rũ rượi gợi lên liên tưởng đến những hình ảnh ma quái, cõi âm. Vì vậy, tốt nhất, vào những ngày này, phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp gọn gàng khi ra đường.