Lịch Công giáo năm Phụng vụ 2021-2022 của Giáo phận Nha Trang ghi ngày 26/12/2021: “CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. LỄ THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE. Lễ kính” (In chữ màu đỏ. Lịch Phụng vụ năm 2020-2021 cũng dòng chữ như trên nhưng in chữ màu đen). Ngoài ra ở Giáo phận Nha Trang có hai giáo xứ mang tên Thánh Gia: Giáo xứ Thánh Gia, 48 Võ Thị Sáu, phường Phước Long Nha Trang và Giáo xứ Thánh Gia, thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, Nha Trang. Ở Việt Nam có một Hội dòng nam gọi là Dòng Thánh Gia.
Cụm từ “Thánh Gia Thất” và “Thánh Gia” đều có âm Hán Việt. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ “Gia” và “Thất”. Sách Tam thiên tự là cuốn sách dạy chữ Hán cho người Việt ghi: “…Tử/Con, Tôn/Cháu, Lục/Sáu, Tam/Ba, GIA/NHÀ, Quốc/Nước…”. Như vậy “Gia” có nghĩa là nhà. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích chữ “Gia” là chỗ ở (nhà). Chữ “Thất” cũng có nghĩa là cái nhà, cái buồng, cái phòng. Nơi thờ tự của tín đồ đạo Cao đài gọi là Thánh thất (ngôi nhà thánh). Hai chữ “Thánh gia” nếu viết chữ Hán thì người Trung Quốc đọc, họ sẽ hiểu nghĩa Thánh gia giống như Thánh thất vậy!
Ghép hai chữ “Gia” và “Thất” lại với nhau thì có nghĩa là gia đình, vợ chồng và con cái. Thiều Chửu giải thích thêm: Chồng gọi vợ là Gia; vợ gọi chồng là Thất. Sách Tả truyện có câu: “Nam hữu thất, nữ hữu gia” (con trai có vợ, con gái có chồng). Người con trai đi lấy vợ gọi là “thụ thất”. Gái chưa chồng, còn trinh tiết gọi là “thất nữ”. Trai gái sau khi kết hôn với nhau gọi là “yên bề gia thất”. Kinh Thi có câu: “Chi tử vu quy/ Nghi kỳ gia thất” (Nàng ấy đi lấy chồng/ Thì ắt thuận hòa êm ấm cảnh gia đình- Tạ Quang Phát dịch). Hai chữ “vu quy” trong Kinh Thi được ghi trên tấm biển treo ở cổng đám cưới nhà gái với ý nói là người con gái đi lấy chồng.
Như vậy phải gọi “Lễ Thánh Gia Thất” mới nói lên được ý nghĩa của gia đình Thánh gồm có: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Nếu gọi “Lễ Thánh Gia” thì chỉ có nghĩa là Lễ ngôi nhà Thánh mà thôi!