Đời sống

Hoài niệm về những trái thị và 2 người bà của mình

259

Thứ không thể mua được bằng tiền, dù rất nhiều tiền chắc chắn là những ký ức đẹp đẽ đã qua đi của mỗi con người!

Mỗi năm đến mùa thị, mình lại nhớ những kỷ niệm xưa cũ thời thơ ấu, nhớ về bà ngoại. Năm nay thì bà nội cũng chẳng còn nữa, những trái thị thơm lại càng làm mình nhớ tới 2 bà của mình hơn.

Tháng 3 vừa rồi là giỗ đầu của bà nội mình, mình chợt nhớ ngày xưa bà thích thị lắm, mùa thị tới là trong túi áo và đầu giường của bà lúc nào cũng có những trái thị thật thơm. Và thế là mình mua thị về thắp hương cho bà, để dù bà chẳng còn nữa nhưng những trái thị thơm vẫn bên cạnh bà.

Mình lại nhớ tới những chiếc giỏ đan bằng dây dù ngày xưa bà đan để mình đựng những trái thị nhỏ xinh mang đi chơi, cứ đeo lủng lẳng ở tay, thi thoảng lại hít hà. Rồi đợi khi trái thị thật chín lại nắn nắn xung quanh cho thật mềm, rồi trái thị nứt ra, vị ngọt ngọt pha chút chát chát chảy ra là ăn. Thị có lẽ là món quà quê yêu thích của bọn trẻ con làng quê thời ấy, đứa nào đến mùa thị cũng thích được ăn, vừa ăn vừa cẩn thận không để nhựa thị dính vào quần áo, bởi nếu để dính vào sẽ thâm hết quần áo không giặt được, và kiểu gì cũng bị mắng. Thị ngày ấy chả mấy ai bán, đến mùa là đi xin được. Trẻ con thời nay thì chả biết thị là quả gì, và có lẽ chúng cũng chả thích ăn những loại quả quê mùa ấy. Chỉ còn bố mẹ chúng là mỗi khi nhìn thấy trái thị, là lại nhớ về một tuổi thơ êm ả, thiếu thốn mà vui, khó khăn mà luôn đầy ắp tiếng cười.

Hoài niệm về những trái thị và 2 người bà của mình

Bà ngoại vậy mà mất cũng 19 năm rồi, mấy hôm nữa là ngày giỗ của bà rồi. Nhớ năm bà mất, cây thị sai trĩu quả, chín rụng đầy gốc, mọi người nhặt đầy mấy thúng, rồi mỗi người mang về mấy quả. Rồi mùa thị năm sau, cả cây thị có đúng một quả dù cây vẫn rất xanh tốt, và những mùa thị sau nữa, cây thị chả còn sai quả,…Ngày còn bé, mỗi khi mùa hè về là hay được bố mẹ cho về quê ngoại. Sáng bà thường dậy sớm ra vườn, khi vào thế nào trên tay bà cũng có quả gì đó chín, nhưng mình thích nhất là những trái thị vàng vàng xinh xinh. Rồi những hôm chợ phiên, trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ bán hàng của bà, xen lẫn ấm nước vối, xô thạch găng, những gói kẹo lạc, kẹo vừng là rổ thị chín vàng. Thị bày ra chẳng phải để bán, mà thường chỉ để cho các vị khách ghé quán uống nước. Ngày còn học đại học ở Hải Phòng, mùa hè về nhà bác, trưa trưa hay leo lên nóc bể nước ngồi, đó là nơi bóng của cây thị toả xuống mát rượi. Mỗi khi có chuyện gì buồn, mình lại càng muốn ra đó ngồi, ngước nhìn lên cây thị, như muốn tìm kiếm một hình bóng quen thuộc, cái bóng dáng lưng còng lam lũ, cái bóng dáng ngồi đầu giường bỏm bẻm nhai trầu, vừa mắng mấy đứa cháu nghịch ngợm, sai chẳng được việc gì nhưng suốt ngày vào thó kẹo của bà ăn. Như mong tìm thấy đâu đó giữa những tán lá xanh có một trái thị chín vàng đẹp mắt.

Giờ thị trở thành một loại quả xa lạ với đám trẻ con, là một thứ gì đó xa xỉ phải tìm kiếm mới có của những đứa hay hoài niệm về quá khứ như mình. Thị giờ nhường chỗ cho những loại cây ăn quả kinh tế hơn, ngon hơn. Thị giờ chẳng còn là loại quả cứ đến mùa là trên tay hay túi áo đứa nhỏ nào cũng có. Thị và câu chuyện Tấm Cám mà thời mình dường như đứa nào cũng biết, cũng thuộc, cũng nghe đến giờ đã là một gì đó không hiện hữu trong đầu con trẻ.

Chiều qua đi qua phố, bắt gặp hình bóng một cụ già với rổ thị thơm, lại nhớ da diết hai bà của mình. Hai bà giờ đã là người thiên cổ, nhưng con sẽ không bao giờ quên những ký ức đẹp đẽ bà đã cho con đâu bà ạ!

Hoài niệm về những trái thị và 2 người bà của mình

Giờ chẳng có ai cho con thị nữa rồi bà ạ, mà con sẽ phải mua, con mua chẳng phải để ăn, mà con mua vì mong muốn được trở về những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ với hai người bà đáng kính!

Ngồi viết những dòng này, lại nhớ lại bài thơ dù học cách đây hơn 30 năm nhưng đến giờ vẫn thuộc:

“Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện

Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,

Thấy chú bé đi hài bảy dặm,

Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…”

Trích bài thơ “Nói với em” của Vũ Quần Phương.

0 ( 0 bình chọn )

Văn hóa tâm linh
https://vanhoatamlinh.com
Tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa tới nay. Phong tục tập quán, tín ngưỡng (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Đạo Mẫu).
Ý kiến bạn đọc (0)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài cùng chuyên mục

Kết nối với chúng tôi

Có thể bạn quan tâm

Chuyên mục

Bài viết mới
Xem thêm