Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Đình làng Vân Chàng thuộc địa phận tổ dân phố số 16, thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tín ngưỡng thờ Lục vị Tổ sư của người dân Vân Chàng

Đình làng Vân Chàng là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị Tổ sư nghề rèn có duệ hiệu là:

– Phạm Nguyệt Tiên sư tôn thần.

– Tử Cung Tiên sư tôn thần.

– Tử Hầu Tiên sư tôn thần.

– Nguyễn Nga Tiên sư tôn thần.

– Nguyễn Thận Tiên sư tôn thần

– Đỗ Bào Tiên sư tôn thần.

Theo các sách: Thần tích Việt Nam, Lệ làng việt Nam, Nghề và làng nghề truyền thống ở Nam Định, Địa chí Nam Định, Văn hóa Nam Trực – cội nguồn và di sản cùng Thần phả đình làng Vân Chàng và thơ ca truyền miệng: Vào năm Thiệu Phong thứ nhất đời vua Trần Dụ Tông (1344) có sáu ông là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận, Đỗ Bào là những người thợ rèn giỏi ở làng Hoa Chàng, tổng Trung Lương, phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh) thường mang hàng nông cụ và các đồ dùng gia dụng ra Bắc bán. Khi đến vùng đất Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu màu mỡ, các ông liền dừng chân ở lại sinh sống. Tại đây, các ông đã chiêu mộ thêm dân, xây dựng trại ấp, dạy dân trồng lúa và mở lò rèn chế tạo công cụ sản xuất nông nghiệp. Nhân dân địa phương và các nơi khác đến học nghề rất đông, từ đó dần phát triển thành làng rèn. Thần phả đình làng Vân Chàng cho biết, sáu vị tổ nghề đã cùng 15 vị tổ thuộc các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô… chiêu mộ nhân dân khai phá đồng ruộng, phát triển sản xuất và mở mang nghề nghiệp. Năm Quý Sửu (1373), đời vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh 2, sau khi truyền dạy nghề cho người dân nơi đây, sáu vị tổ lại trở về quê cũ làng Hoa Chàng (Hà Tĩnh) tiếp tục truyền dạy nghề rèn. Để tri ân công đức của các ông tổ nghề, nhân dân địa phương đã đặt tên làng là Hoa Chàng – quê gốc của các vị Tổ sư (đến thời Nguyễn đổi thành làng Vân Chàng); lập đền thờ tôn làm: Phúc thần – Lục vị Tổ sư – Đương cảnh Thành hoàng và lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch là ngày sáu vị Tổ sư từ làng Vân Chàng trở về quê cũ làm ngày chính kỵ.

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Khám, ngai và bài vị thờ Nguyễn Nga tôn thần, Tử Hầu tôn thần

Trong dân gian còn lưu truyền bài thơ nói về quá trình hình thành làng Vân Chàng và nguồn gốc nghề rèn như sau:

“Đời vua Dụ Tông thứ tư
Phủ tên Đức Thọ, tổng thì Trung Lương
Quê hương xã hiệu Hoa Chàng
Sáu ông buôn bán giữa đàng dở dang
Vốn lời không đủ hồi nhang
Ngụ cư tính kế mở mang đất bồi…
Nghề rèn vốn sẵn trong tay
Mở lò đắp bễ lại bày cho dân
Cuốc cày dao dựa làm dần
Đúc đồng, nung thép chuyên cần dạy dân
Ba mươi năm lẻ đã qua
Nhớ quê các cụ lại ra thuyền về”

Hiện tại đình làng Vân Chàng còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) khẳng định công lao “Hộ quốc”, “Tý dân” và gia tặng Lục vị Tổ sư là: Dực bảo trung hưng linh phù Vân Sơn Thánh tổ.

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Khám, ngai và bài vị thờ Đỗ Bào tôn thần, Nguyễn Thận tôn thần

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Khám, ngai và bài vị thờ Phạm Nguyệt tôn thần,tử Cung tôn thần

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Sắc phong cho Vân Sơn Thánh tổ Đỗ Bào tôn thần, niên hiệu Khải Định 9 (1924)

Ngoài các đạo sắc phong, tại đình làng Vân Chàng còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công lao và sự nghiệp của Lục vị tổ sư. Tiêu biểu nhất là câu đối treo tại gian giữa tòa tiền đường có nội dung:

“Vạn vật khúc thành thông biến nghi dân chi tổ
Bách thế bất sĩ khai vật thành vụ chi sư”.
(Tạo thành vạn vật, thông suốt biến hóa làm tổ của dân
Trăm đời trông cậy, rèn đúc vật dụng, thành thầy dạy nghề).

Bên cạnh các sách, thần phả và truyền thuyết địa phương, còn có nhiều tài liệu, trong đó có cả tài liệu chính sử ghi chép về nguồn gốc và sự xuất hiện của làng rèn Vân Chàng. Sách Đại cương Lịch sử Việt nam, tập I (Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn – Nguyễn Cảnh Minh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2000), trong mục viết về kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp của Đại Việt ở thế kỷ XIII đầu XV: thời Trần – Hồ có ghi: “Vào thời Trần, nghề rèn sắt đã phát triển mạnh, hình thành nhiều làng nghề chuyên nghiệp. Ở các phủ Diễn Châu, Nghệ An có hai làng Tùng Lâm và Hoa Chàng… Vào cuối thế kỷ XIV, nghề luyện sắt từ Hoa Chàng (nay là Trung Lương, Hà Tĩnh) truyền ra phía Bắc lập làng rèn Hoa Chàng mới (nay là Vân Chàng, Nam Định)”. Những ghi chép trong sách Đại cương Lịch sử Việt Nam về nguồn gốc và thời điểm xuất hiện của làng nghề rèn Vân Chàng đều trùng khớp với tài liệu lịch sử địa phương, nhất là Thần phả. Hiện nay, cùng với đình làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thờ Lục vị Tổ sư, ở các địa phương khác là Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh đều có nơi thờ các vị Tổ sư nghề rèn. Ở Hà Tĩnh có hai ngôi đền thờ Tổ sư nghề rèn thuộc phường Trung Lương và phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1945, một bộ phận dân cư ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chuyển vào cư trú vẫn chuyên nghề rèn cũng xây miếu thờ Lục vị Tổ sư ở khu Bà Hạt, quận 10. Hiện nay, tại ngôi miếu này còn đôi câu đối:

“Tượng quân chung linh, Bắc hữu sùng từ, Nam hữu miếu.
Vân sơn khai thác tiền vi sư biểu, hậu vi thần”.
( Đất đầu Voi gây thiêng, miền Bắc có đền thờ, miền Nam có miếu.
Làng Vân Chàng mở mang, trước thầy dạy dỗ, sau làm thần).

Như vậy có thể nhận thấy, tín ngưỡng thờ Lục vị Tổ sư của người dân Vân Chàng nói riêng, thờ tổ nghề của của nhân dân ở nhiều làng quê nói chung là một trong những nét độc đáo của văn hoá Việt Nam. Đó là hình thức thờ cúng những người đã có công sáng tạo và trao truyền nghề cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nam Định, vốn nổi tiếng từ xa xưa với hàng chục phố nghề, làng nghề như: nghề tiện, nghề chạm bạc, nghề thêu, nghề đúc đồng, nghề dệt, nghề chạm khắc gỗ… Những phố và làng nghề đó không chỉ sản sinh, sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất của người dân, mà còn được những người thợ thủ công từ các vùng miền khác mang đến trao truyền. Qua hàng trăm năm, dấu vết của các làng nghề cổ xưa đó vẫn còn gửi gắm trong các ngôi đình, ngôi đền cổ kính phân bố khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó có đình Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Trên bước đường khai hoang, tạo dựng làng xã, phát triển ngành nghề, hành trạng về 6 vị tổ truyền nghề rèn và nhân dân thôn Vân Chàng lập đình thờ đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đình Vân Chàng không chỉ là nơi tri ân công đức của nhân dân với 6 vị tổ có công trao truyền nghề, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh chung của cộng đồng qua các giai đoạn lịch sử. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng: “Nghiên cứu, tôn vinh các tổ nghề, chính là thể hiện đạo lý nặng nghĩa, nặng tình của dân tộc ta. Nhớ ơn và thờ cúng bách nghệ tổ sư là một nét bản sắc của văn hoá Việt Nam”.

Lịch sử nghề rèn ở làng Vân Chàng

Nghề rèn ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang hình thành từ cuối thế kỷ XIV, tính đến nay đã gần 7 thế kỷ. Ban đầu, nghề rèn chỉ là nghề phụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề rèn đã từng bước phát triển, tách khỏi nông nghiệp để đi sâu vào sản xuất chuyên môn hóa, trở thành nghề thủ công truyền thống.

Theo Nam Trực huyện thông chí do Tiến sỹ, Đốc học Nam Định Khiếu Năng Tĩnh (1835 – 1920) soạn, Địa chí Nam Định và truyền thuyết, vào thời Lê Sơ, nghề rèn ở Vân Chàng đã có bước phát triển mới. Địa chí Nam Định trong mục viết về làng nghề ghi: “Năm 1426, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc, một thanh niên người họ Đoàn đã đứng ra tập hợp dân làng đứng lên giết giặc, được phong Dũng tráng Đại tướng quân. Biết nơi đây có nghề rèn, Bình Định vương Lê Lợi đã giao cho dân làng nhiệm vụ rèn vũ khí cho nghĩa quân. Từ đó đến nay, nghề rèn Vân Chàng liên tục tồn tại và phát triển. Sản phẩm nghề rèn Vân Chàng rất đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu sản xuất và đời sống… Do có nghề thủ công phát triển, Vân Chàng xưa cũng là một trung tâm thương mại sầm uất trong vùng. Trong làng có chợ Chùa bán mua đủ mọi hàng hóa, có chợ Sắt Vân Chàng bán mua các sản phẩm và nguyên liệu nghề rèn và đặc biệt có chợ Viềng họp một phiên vào ngày mồng 8 tháng Giêng”.

Cũng trong thời kỳ chống giặc Minh xâm lược, một nhóm thợ Vân Chàng đã đến với nghĩa quân Lam Sơn dùng phương pháp rèn ra ống pháo lệnh bằng sắt. Loại pháo này là hiệu lệnh để nghĩa quân nhất tề vùng dậy tiêu diệt quân thù. Hiện nay, tại đình Vân Chàng vẫn còn lưu giữ được 2 pháo lệnh đúc bằng sắt. Trong dân gian địa phương vẫn còn lưu truyền hai câu thơ ca ngợi pháo lệnh Vân Chàng như sau:

“Pháo lệnh nhất thanh kinh lỗ Bắc,
Thư truyền liên tiếp tráng Nam quân”
(Một tiếng lệnh vang kinh giặc Bắc,
Liền tin thắng trận nức quân Nam)

Dưới thời Nguyễn và thời Pháp thuộc, nghề rèn ở Vân Chàng có bước phát triển hơn. Trước cách mạng tháng 8 – 1945, làng rèn Vân Chàng tổ chức thành 4 giáp, mỗi giáp cử 3 người, gồm 12 người, gọi là 12 ông Trùm. Các ông Trùm có trách nhiệm phân phối than sắt cho các lò sản xuất, chăm lo việc lễ bái, gánh vác mọi việc công tư. Các làng trong tỉnh muốn có lò rèn về làm tại làng cho tiện việc mua nông cụ thì cử người mang trầu rượu đến lễ Tổ sư, gọi là lễ “xin thợ”, đồng thời cử người “đón thợ”. Với tay nghề độc đáo, thợ rèn Vân Chàng có kỹ thuật dùng sắt phế liệu, đem những mẩu sắt vụn, dao cùn, cuốc gãy… dùng hai mảnh to làm áo cho những mảnh vụn vào trong, gọi là “nác sắt”, cho “nác sắt” vào lò nung chảy đưa lên mặt đe rèn ra sắt phiến gọi là “ẩu sắt”. Thời Nguyễn, thợ rèn Vân Chàng đi lính, nhiều người được phong “Tượng mục”, có người được phong “Thủy bộ chư dinh Thủy mục” là người cầm đầu lính thợ sửa chữa vũ khí cho các doanh trại quân đội, bao gồm cả quân thủy và quân bộ. Khi giặc Pháp xâm lược Bắc kỳ, nhiều thợ Vân Chàng đứng trong hàng ngũ quân dân chống Pháp. Hơn 2.000 quân Cần Vương do Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi (1836 – 1886) chỉ huy đóng tại làng Giao Cù (Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định), tất cả vũ khí đều do thợ rèn Vân Chàng sản xuất.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nghề rèn ở Vân Chàng vẫn tồn tại và phát triển theo hướng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Từ năm 1945, một bộ phận dân làng Vân Chàng di chuyển vào cư trú ở thành phố Hồ Chi Minh, đến nay có khoảng 500 hộ với hơn 3000 nhân khẩu vẫn chuyên nghề rèn. Tại đây, trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ, thanh niên Vân Chàng tham gia tòng quân, trong đó có 13 người quyết tử quân đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn; nhiều người thợ giỏi chế tạo vũ khí, máy móc phục vụ chiến đấu. Hòa bình lập lại (1954) đánh dấu sự xuất hiện mô hình hợp tác xã. Làng Vân Chàng thành lập hợp tác xã cơ khí Tiền Tiến vào năm 1958, sau đó hợp nhất với hợp tác xã Quyết Tiến và Đồng Tiến phát triển thành hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Tiền Tiến vào năm 1961. Từ đây, nghề rèn Vân Chàng có bước phát triển vượt bậc, dần chuyển từ thủ công lên cơ khí, với nhiều sản phẩm phong phú đa dạng. Vành xe đạp hợp kim là một sản phẩm nổi tiếng của hợp tác Tiền Tiến, được nhân dân cả nước ưa dùng. Hợp tác xã Tiền Tiến đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Hai. Hiện nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

“Ai ơi chớ lọ cầu kỳ,
Đi vành Tiền Tiến kém gì mê đan”

Từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đến nay, sản xuất trong làng rèn Vân Chàng ngày càng phát triển. Sự chuyên môn hóa trong sản xuất, với sự tác động của cơ khí hóa, điện khí hóa, quy mô sản xuất trong nghề rèn Vân Chàng ngày càng được mở rộng trên tất cả các mặt.

Làng Vân Chàng hiện nay có diện tích tự nhiên là 37ha, dân cư phân bố thành 19 dong chia thành 3 xóm: Đông Thịnh, Hòa Bình, Tây Hòa; hiện nay là 3 tổ dân phố 15, 16, 17 của thị trấn Nam Giang. Làng có 920 hộ dân với gần 5000 nhân khẩu. Hơn 90% số hộ trong làng theo nghề rèn và hầu hết đã có cơ khí hóa, chỉ còn một số hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.

Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có hàng trăm công ty, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về cơ khí, trong đó tập trung chủ yếu ở làng rèn Vân Chàng. Tiêu biểu là các công ty TNHH: chân chống Năm Sao; thang sắt Quốc Khánh và các công ty Thành Lộc, Bình Dương, Minh Quang, Anh Kỳ… Tại làng Vân Chàng đã hình thành cụm công nghiệp quy mô rộng 5,5ha với hơn 70 hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm cơ khí.

Sản phẩm của làng nghề Vân Chàng hết sức phong phú, đa dạng. Các sản phẩm đặc trưng của làng nghề từ xa xưa vẫn được duy trì đến nay là các dụng cụ nông nghiệp: cày, bừa, cuốc, xẻng, dao, kéo, đến các vận dụng trong sinh hoạt như: nồi, ấm, chảo… đến ngòi bút máy, phụ tùng xe đạp, xe máy và các loại sắt thép dùng trong xây dựng, các sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành giao thông, khai thác khoáng sản, các phụ tùng cơ khí chế tạo. Các sản phẩm của làng rèn Vân Chàng đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm được công nhận bằng sáng chế bàn tay vàng và sản phẩm đạt thương hiệu quốc tế như chân chống Năm Sao; nhôm Nam Sung, Tung SHIN…

Đến nay, trải qua gần 7 thế kỷ, từ nghề rèn thủ công truyền thống đã phát triển và lan tỏa mạnh mẽ, hình thành cụm công nghiệp cơ khí Nam Giang. Nghề rèn Vân Chàng và cơ khí Nam Giang đã và đang trở thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, xây dựng kinh tế – văn hóa – xã hội địa phương ngày một phát triển.

Đình làng Vân Chàng

Lịch sử xây dựng đình làng Vân Chàng

Theo tư liệu truyền ngôn tại địa phương thì sau khi Lục vị Tổ sư qua đời nhân dân đã lập đình thờ để tri ân công đức và tôn sáu vị làm Thành hoàng làng. Ngôi đình ban đầu được xây dựng trên khu đất nằm ở phía đông làng (cách vị trí ngôi đình hiện nay khoảng 500m). Sau vì dân ở đó mắc dịch bệnh nên họ đã di dời ngôi đình về vị trí hiện nay.

Đình làng Vân Chàng được xây dựng với quy mô lớn vào thời Hậu Lê (thế kỷ 18) và được trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ 19). Dòng chữ Hán khắc trên thượng lương tòa tiền đường và trung đường xác nhận niên đại tu sửa tiền đường vào năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái (1895).

Kiến trúc đình làng Vân Chàng

Đình làng Vân Chàng tọa lạc trên một khu đất cao ráo rộng 1480m2, quay mặt về hướng Nam, phía trước là trục đường liên thôn, xung quanh là khu dân cư. Trong khuôn viên đền có nhiều cây lưu niên và cây cảnh tạo không khí mát mẻ trong lành. Nhìn từ ngoài vào trong, đình gồm các thành phần kiến trúc: nghi môn, bình phong, hồ nước, sân, đền thờ vị tổ dòng họ, công trình kiến trúc trung tâm và hai dãy giải vũ nội hai bên.

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Nghi môn của đình gồm một cổng chính và hai cổng phụ xây theo lối cổ đẳng 2 lớp mái. Phần cổ đẳng nối giữa lớp mái trên và mái dưới nhấn nổi 4 chữ Hán: “Kỉ ân truyền nghệ”(ghi ơn truyền nghề). Dưới lớp mái tạo ba khoang cửa cuốn vòm, phân cách giữa các cổng là cột trụ vuông, giữa mỗi cột có nhấn câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của các vị Tổ dạy nghề. Nối liền với nghi môn là hệ thống tường bao xây khép kín bảo vệ công trình.

Từ nghi môn vào đến công trình kiến trúc đình chính phải đi qua các hạng mục gồm: Bức bình phong, tiếp đến là hồ nước hình lục giác và một khoảng sân rộng được lát bằng gạch đỏ. Toàn bộ công trình kiến trúc đình gồm 13 gian được xây dựng trên nền đất cao ráo có mặt bằng kiểu chữ “công”.

Ngoài ra, ở hai bên phía trong còn có hai dãy giải vũ, mỗi dãy gồm 3 gian tạo cho toàn bộ công trình với gần 20 gian lớn nhỏ kết hợp thành kiểu kết cấu “nội công, ngoại quốc” rất hài hòa và đăng đối.

Tòa tiền đường có 7 gian, bộ khung được liên kết bởi bốn vì kèo kiểu ba hàng chân cột. Mỗi bộ vì bố trí ba cây cột theo kiểu chốn cột cái phía trước. cột được tạo dáng búp đòng; phần chân cột được kê trên các chân tảng đá xanh hình vuông mặt chạm gờ tròn nổi, tạo thế vững chắc cho công trình. Để tạo nên bộ khung tòa tiền đường ở đây có 3 dạng vì liên kết chủ yếu: Vì nóc, vì nách và liên kết hiên.

Bộ cửa tiền đường được gia công bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn chạy dọc 5 gian giữa của công trình. Khoang cửa giữa gồm 6 cánh. Bốn khoang cửa còn lại mỗi khoang 5 cánh, kích thước giống khoang cửa giữa. Toàn bộ hệ thống cửa được đặt trong khung gỗ lắp chân quay vừa tạo thế trang nghiêm kín đáo, vừa thuận tiện cho việc đóng mở.

Phần trang trí mĩ thuật tại toà tiền đường được tập trung thể hiện trên nhiều cấu kiện song tiêu biểu nhất ở các cấu kiện như: Trên hệ thống 12 cây bẩy hiên tại tiền đường đều được chạm khắc sinh động các đề tài: lá lật, lá lật hóa long, các đường chạm sắc nét, mềm mại, đầu bẩy chạm chữ “thọ” theo kiểu chữ triện. Trên các con rường và xà nách đều chạm khắc họa tiết long hóa, đan xem họa tiết lá lật. Đường nét chạm khắc trên các cấu kiện gỗ tại đây mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ 19, với bố cục chặt chẽ, khá tinh xảo đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.

Trung đường có 3 gian quay dọc. Phần mái công trình lợp ngói nam với các góc đao uốn cong mềm mại. Bộ khung công trình làm bằng gỗ lim. Nâng đỡ bộ mái đao là 4 bộ vì gồm 8 cột cái và 8 cột quân cao. Cùng với đó là các cấu kiện câu đầu, xà ngang, xà dọc, bẩy hai bên liên kết chặt chẽ với nhau. Các bộ vì ở tòa trung đường cũng được gia công giống như tòa tiền đường song có phần cầu kỳ hơn. Hai bộ vì thứ nhất và thứ hai của tòa trung đường ngoài chức năng nâng đỡ hệ thống mái còn lắp dựng hệ thống cửa tạo cho không gian thờ tự được trang nghiêm kín đáo.

Về phần trang trí mĩ thuật, ngoài các cấu kiện con rường, ván mê được chạm khắc hết sức tỉ mỉ thì trên hệ thống cánh cửa của bộ vì nách thuận (bộ vì đầu tiên ngăn cách giữa tiền đường và trung đường) cũng được các nghệ nhân chạm khắc rất công phu. Bộ cửa gồm 4 cánh, hai cánh cửa giữa đục chạm thông phong họa tiết tứ linh chầu mặt trời, hai cánh cửa hai bên chạm rồng chầu, hoa văn sóng nước. Phía ngoài bộ cánh cửa là bộ cửa võng, đỉnh trên cửa võng chạm họa tiết rồng chầu mặt trời, diềm hai bên chạm tứ linh. Toàn bộ hệ thống cánh cửa võng được sơn son thếp vàng và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19.

Tòa hậu cung là công trình mới tôn tạo lại, được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu bê tông cốt thép, xây theo kiểu cổ đẳng hai lớp mái, lợp ngói nam, nền lát gạch. Mặt bằng công trình chia làm 3 gian chạy dài theo chiều ngang. Tại đây xây bệ thờ trên đặt khám, ngai và bài vị thờ Lục vị tổ sư.

Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, tại di tích đình làng Vân Chàng còn lưu giữ một số hiện vật mang giá trị lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu như: Một đôi ống bễ lò rèn bằng gỗ; hai nòng súng lệnh được làm bằng sắt ; một con dao bản, tương truyền cây dao bản này là của một người nông dân họ Đoàn, thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang dùng để kêu gọi nông dân đi theo Lê Lợi chống giặc ngoại xâm. Ngoài ống bễ lò rèn được làm bằng chất liệu gỗ ra thì bốn hiện vật còn lại có chất liệu bằng sắt và đều được làm bằng phương pháp Ẩu sắt – một phương pháp rèn cổ chỉ có ở làng rèn Vân Chàng, tận dụng từ những vụn sắt được nung chín gá vào nhau dưới tay búa tài hoa của những người thợ để tạo hình đồ vật. Tương truyền, những cổ vật này đó được sản xuất từ năm 1418-1430 trong thời kỳ chống giặc Minh và đều là những vũ khí chống giặc ngoại xâm thời Lê Lợi, được các thế hệ người làng Vân Chàng cất giữ, truyền lại cho con cháu.

Hàng năm tại di tích đình làng Vân Chàng dân làng mở hội vào ngày 15 tháng 11 âm lịch và theo định kỳ thì 5 năm mở hội lớn một lần.

Mở đầu buổi lễ, đại diện của Ban tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc và chúc văn ôn lại tiểu sử, công lao của Lục vị Tổ sư. Tiếp đó, các đoàn đại biểu của địa phương, khách thập phương cùng dân làng làm lễ dâng hương tế Tổ. Sau nghi thức dâng hương, các bậc cao niên dâng lễ vật lên Lục vị tổ sư gồm các sản vật mà nhân dân địa phương đó làm ra như: hương, đăng, trà, quả, thực (xôi, thịt)…Lễ vật dâng lên tuy đơn giản nhưng đó là thành quả lao động trong một năm mà người dân địa phương đó vất vả lao động, thể hiện sự nâng niu, quý trọng phẩm vật mà mình làm ra, từ đó tỏ rõ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các vị Tổ. Sau nghi thức dâng hương, tế lễ là nghi thức rước kiệu quanh làng. Hành trình của đám rước bắt đầu xuất phát từ đình đi về hướng Tây (cách đình 500m) để rước Thành hoàng của đền Tây có duệ hiệu là: Tây Lĩnh Linh sư đại vương, sau đó quay về đền Đông (cách đình 200m về hướng Bắc) rước bài vị Thành hoàng đền Đông, rồi quay trở về đình làng. Đi đầu đám rước là đội cờ thần, tiếp đến là đội kèn trống, đội phụng nghinh, 6 cỗ kiệu của Lục vị tổ sư, bát biểu… Theo cùng đoàn rước là các hội phụ lão của làng, hội Phật tử, hội cựu chiến binh cùng các nam thanh, nữ tú và đông đảo nhân dân đến tham gia.

Đình làng Vân Chàng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn ở Nam Định

Song song với những nghi thức tế lễ long trọng, hội làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút được đông đảo nhân dân cùng khách thập phương tham gia như: kéo co, chọi gà, cờ người…

Ý nghĩa đình làng Vân Chàng

Lễ hội và những sinh hoạt văn hoá tại đình làng Vân Chàng hiện nay tuy diễn ra ở phạm vi làng và đơn giản hơn về nghi lễ, song phần nào đã phản ánh được lòng biết ơn của nhân dân địa phương đối với các vị Tổ đã có công dựng làng mở ấp và truyền nghề cho dân. Đó cũng là nét đẹp văn hoá truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt cần được bảo tồn và phát triển.

Đình làng Vân Chàng là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị Tổ sư – những người đã có công lớn truyền dạy nghề rèn cho nhân dân địa phương.

Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đình làng Vân Chàng trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đình làng Vân Chàng là công trình kiến trúc có giá trị. Qua thời gian và chiến tranh tàn phá, các hạng mục công trình bằng gỗ lim được xây dựng tr­ước đây và trùng tu vào thế kỷ 19 hiện được bảo quản tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật và đồ thờ tự có giá trị như: ống bễ lò rèn, dao bản, ngọn đòng, súng lệnh, cây đèn, sắc phong, câu đối, đại tự…thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hoá qúy báu mà cha ông để lại.

Di tích đình làng Vân Chàng còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian. Nơi lưu giữ những thuần phong mỹ tục, bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề của một làng quê văn hiến. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình làng Vân Chàng đã được xếp hạng di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2018.

Updated: 28/06/2022 — 10:21 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *