Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến có rất nhiều ngôi đền khác nhau, không thể không kể đến đền Ngọc Sơn.
Lịch sử hình thành Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên một gò đất được gọi là đảo Ngọc Sơn ở phía Đông Bắc của hồ Gươm. Cổng đền nằm tại phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Lịch sử hình thành ngôi đền này cũng lắm thăng trầm và gắn liền với lịch sử đất nước.
Đền được xây dựng vào thế kỉ 19, để thờ Quan đế đã giúp trấn áp điều ác, mang đến điều tốt lành cho người dân. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, người đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng.
Đến thời nhà Trần, đền được đổi tên thành Ngọc Sơn – là nơi thờ binh tướng đã hy sinh trong trận đánh quân Nguyên – Mông. Sau đó, ngôi đền bị sụp đổ.
Đến thời nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã dựng Cung Khánh Thụy và đắp hai quả núi đất trên bờ đất phía Đông, đối diện Đền Ngọc Sơn. Cuối đời nhà Lê, Cung Khánh Thụy bị phá hủy một phần. Sau đó dân làng Tả Khánh dựng lại và đặt tên là Đền Khánh Thụy. Hiện cửa Đền Khánh Thụy hướng ra Đền Ngọc Sơn.
Sau đó, một nhà từ thiện có tên Tín Trai đã xây dựng Chùa Ngọc Sơn trên một phần nền cung Khánh Thụy khi xưa, quay mặt về phía Nam.
Một thời gian sau, chùa Ngọc Sơn được nhượng lại cho một hội từ thiện và đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính cùng các dãy phòng hai bên, đặt tượng Văn Xương Đế Quân và đổi tên thành đền Ngọc Sơn.
Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Văn Siêu đại tu cho đắp thêm đất, xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba ở phía Nam, cầu Thê Húc dẫn từ bờ Đông đi vào đền cùng Tháp Bút, Đài Nghiên.
Năm 2013, đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là điểm tham quan thu hút mọi du khách khi đến Hà Nội. Được biết đến là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Hà thành, hàng năm vẫn có rất nhiều sĩ tử đến đây hành lễ trước kỳ thi.
Tổng quan Kiến trúc đền Ngọc Sơn
Trải qua nhiều lần xây, sửa, đổi tên và đại trùng tu cùng nhiều biến động lịch sử, đền Ngọc Sơn vẫn giữ được kiến trúc cổ kính. Từ cổng ngoài đi vào, du khách sẽ nhìn thấy bức tường với bảng rồng, bảng hổ với 2 câu đối nói về việc học hành, thi cử.
Đi qua cầu Thê Húc, du khách sẽ vào Đắc Nguyệt Lâu (lầu hứng trăng). Lầu được thiết kế với mái vòm 2 tầng với phù điêu gợn mây 4 góc. Trên Đắc Nguyệt Lâu có hai bức tranh đắp nổi gồm bức Hoành Phi Long Mã Hà Đồ bên phải và bức Hoành Phi Thần Quy Lạc Thư bên trái.
Đền Ngọc Sơn được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Tam. Khu đền chính có ba nếp chính, từ ngoài vào trong gồm bái đường, trung đường và hậu cung.
Bái đường là nơi hành lễ đầu tiên có đặt một hương án lớn, hai bên có đôi chim anh. Trung đường là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Lã Tổ đều là những vị thần học vấn nổi tiếng. Hậu cung là nơi thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc đã ba lần đại thắng quân Nguyên Mông.
Phía Nam đền có đình Trấn Ba (đình chắn sóng) có kiến trúc hình vuông với 8 mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.
Đền Ngọc Sơn được bao quanh bởi 3 công trình kiến trúc đặc biệt gồm Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc.
- Tháp Bút nằm ngay cổng đền, được xây dựng bằng đá, cao 9m, dựng trên một gò đá hộc tượng trưng cho 1 ngọn núi có tên là Độc Tôn. Trên tháp có khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên”, có nghĩa là “Viết Lên Trời Xanh”. Ngọn tháp này tính đến hiện nay đã hơn 150 tuổi.
- Dưới chân Tháp Bút là Đài Nghiên bằng đá xanh được đội trên lưng ba con thiềm thừ. Trên nghiên có khắc bài minh của Nho sĩ Nguyễn Văn Siêu. Tương truyền, du khách đến thăm đền may mắn sẽ được chứng kiến bóng Tháp Bút chấm đúng vào giữa lòng Đài Nghiên khi mặt trời đứng bóng.
Cầu Thê Húc “cong cong như con tôm”, được làm bằng gỗ. Thê Húc có nghĩa là “nơi đậu tia nắng Mặt Trời buổi sáng sớm”. Đây là biểu tượng thần Mặt Trời dẫn lối vào đền Ngọc Sơn.
Đền được xây dựng vào thế kỉ 19 với mục đích thờ Quan đế. Đến ngày nay, đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, Văn Xương Đế Quân (vị thần chủ quản khoa cử, văn chương), Quan Vân Trường, thờ Phật, thờ Công Đồng, Tam Tòa Thánh Mẫu,… Có thể thấy đền Ngọc Sơn thể hiện rõ quan niệm “tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Đạo giáo và Nho Giáo) với ý nghĩa đoàn kết, hòa hợp các tôn giáo ở tất cả vùng miền đất nước.
Hai bên khu đền chính có hai gian chái, gian bên phải là nơi trưng bày hai tiêu bản rùa Hồ Gươm. Tiêu bản bên ngoài là của “cụ” rùa chết năm 1967, nặng 250kg, dài 2,1m. Tiêu bản bên trong của “cụ” rùa chết năm 2016, nặng 169kg, dài 2,08mt, ngang 1,08m. Hai tiêu bản đều được xử lý theo phương pháp nhựa hóa.
Thời điểm và giá vé tham quan đền Ngọc Sơn
Du khách có thể tham quan, vãng cảnh, thỉnh hương tại ngôi đền nổi tiếng này vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, đầu năm luôn là dịp lý tưởng nhất khi không khí du xuân tràn ngập khắp phố phường. Lúc này, người dân Hà thành đến đây thắp hương cầu nguyện năm mới mạnh khỏe, may mắn, thành công.
Đền mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Từ thứ 2 đến thứ 6, đền mở cửa từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Riêng thứ 7 và chủ nhật, đền mở cửa đến 9 giờ tối để phục vụ khách tham quan. Du khách có thể sắp xếp thời gian và lịch trình hợp lý để ghé thăm đền.
Du khách sẽ chỉ phải mua vé khi qua Đắc Nguyệt Lâu. Nếu chỉ dừng chân ở cầu Thê Húc thì không cần mua vé. Giá vé được quy định khác nhau cho từng đối tượng như sau:
- Trẻ em dưới 15 tuổi: miễn phí.
- Sinh viên: 15.000 đồng/vé (xuất trình thẻ sinh viên)
- Người lớn trên 15 tuổi: 30.000 đồng/vé
Để di chuyển đến đền Ngọc Sơn, nếu đi xe buýt, du khách có thể chọn tuyến 36, 08, 31, 14 đều có lộ trình đi ngang qua đền. Tuy nhiên cần lưu ý, cuối tuần thành phố sẽ cấm phương tiện lưu thông trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm.