Chùa Thiên Ấn được xây dựng cuối thế kỷ 17 trên ngọn núi cùng tên bên bờ sông Trà Khúc gắn với nhiều huyền thoại lịch sử của miền đất Quảng Ngãi giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.
Lịch sử chùa Thiên Ấn
Nằm ở độ cao khoảng 100 m trên đỉnh núi Thiên Ấn, chùa Thiên Ấn thuộc địa phận xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi. Ngôi cổ tự được ôm trọn bởi cánh rừng xanh mướt rộng khoảng một hecta. Theo lịch sử ngôi chùa, chùa được xây dựng vào năm 1694, hoàn thành vào cuối năm 1695 và là một trong những ngôi nhà chùa cổ nhất Quảng Ngãi với niên đại trên 300 năm tuổi.
Tương truyền, cánh rừng và ngọn núi Thiên Ấn xưa kia rậm rạp hiểm trở, là nơi trú ẩn của nhiều thú dữ như cọp, beo… Người dân sợ thú dữ ăn thịt nên mỗi khi đi rừng thường đi thành đoàn để tiện bảo vệ nhau và họ không dám bén mảng lên núi mà chỉ quanh quẩn nhặt củi, kiếm sản vật dưới chân núi.
Thế rồi một hôm, đoàn người đi rừng bỗng phát hiện có một con đường mòn dẫn lên núi Thiên Ấn chứng tỏ có vết tích người sống trên đỉnh núi hiểm trở này. Tò mò men theo vết chân, họ bắt gặp một thiền sư.
Thì ra bao năm nay vị sư đã ẩn mình trên núi, nương vào nước suối thanh tịnh và hoa trái của núi rừng để tĩnh tâm tu tập trên đỉnh Thiên Ấn. Đó là thiền sư Pháp Hóa – vị tổ sư đã dựng thảo am trên đỉnh Thiên Ấn để tu thiền.
Bức tượng Đức Phật dưới tán bồ đề bên cánh rừng trăm tuổi lắng nghe cầu nguyện của muôn nỗi nhân gian.
“Ở ngài toát lên lòng từ bi và trí huệ, ngài đã giảng cho người dân về đạo Phật và lẽ nhân sinh. Càng về sau nhiều người dân đến thảo am để nghe giảng Phật pháp”, Hòa thượng Thích Đồng Hoàng – Phó trụ trì chùa Thiên Ấn kể bằng lòng thành kính. Danh tiếng ngôi chùa và vị thiền sư lan truyền đến chúa Nguyễn Phúc Chu, một người sùng đạo Phật. Năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn tự”.
Chuông Thần, giếng Phật tại Thiên Ân tự
Trong chùa Thiên Ấn hiện có một bảo pháp quý giá là đại hồng chung còn gọi là chuông thần. Chuông này được đúc ở làng Chí Tượng, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tương truyền, quả chuông này đúc xong, đánh không kêu. Năm 1845, thiền sư Bảo Ấn, tổ sư thứ ba của chùa đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp báo mộng tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Sau thiền sư cầu nguyện, bỗng nhiên tiếng chuông thỉnh lên vang vọng khắp cả vùng. Từ đó người dân gọi đây là chuông thần.
Ngoài chuông thần, trong chùa Thiên Ấn còn có huyền tích về “giếng Phật”. Cũng giống như chuông thần, dấu tích giếng Phật hiện nay vẫn còn với nét kiến trúc rêu phong, cổ kính.
Người dân kể lại, ngược dòng thời gian vào ba thế kỷ trước, dù núi rừng hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng vì nghe danh tiếng ngôi chùa linh thiêng cũng như cảm phục tài năng, đức độ của vị thiền sư nên phật tử lên núi ngày càng đông, vị sư trụ trì đã nghĩ cách đào giếng trên đỉnh núi để dân có nước uống.
Nhà sư được báo mộng khi đào ở phía đông chùa sẽ gặp tảng đá bàn, dưới tảng đá này sẽ có nước. Nhưng việc cạy tảng đá rất khó khăn, may thay đúng lúc đó có một vị sự trẻ đến chùa nói sẽ giúp việc đào giếng. Khi mạch nước ngầm phun lên, vị sư già vục mặt, uống thỏa thích, bình tâm lại thì không thấy vì sư trẻ đâu cả. Thì ra đó chính là thần tiên hiện về giúp lão thiền sư. Về sau dân gian lưu truyền hai câu thơ: “Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi”. Giếng ấy được người dân gọi là giếng Tiên.
Ngôi chùa với lịch sử 300 năm tuổi đã trải qua những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, trải qua bom đạn chiến tranh nhưng cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, cổ xưa. Với bề dầy truyền thống lịch sử văn hóa, Chùa Thiên Ấn đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.
Chùa Thiên Ấn hiện nay được tôn tạo lại trên nền ngôi cổ tự xưa kia, tương truyền chính là thảo am xưa kia nơi Pháp Hóa thiền sư tu hành. Đi quan cổng tam quan được thiết kế đẹp mắt với nghệ thuật khá cầu kỳ như rồng chầu mặt nguyệt, cửa cuốn mái vòm, phía trên có thần Hộ Pháp trấn cửa, bạn sẽ bước vào không gian văn hóa tâm linh đặc sắc, thanh tịnh mà vẫn thoáng đãng.
Trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây cổ thụ, các loại kỳ hoa dị thảo khiến du khách có cảm giác tĩnh tâm, thư thái. Một bức tượng Phật lớn an tọa dưới gốc cây bồ đề trăm năm tuổi là nơi lắng nghe tất cả những tâm nguyện của nhân gian.
Sau chùa có một vườn mộ tháp là nơi an táng của các vị sư tổ, thiền sư trụ trì với những ngôi bửu tháp có hình hoa sen được xây dựng ở phía đông trong khuôn viên chùa.
Sau khi cúng Phật và vãng cảnh chùa, du khách đừng quên tham quan vườn mộ tháp để thành tâm tưởng nhớ những bậc thiền sư đã dầy công tu tập và gây dựng lên ngôi chùa Thiên Ấn với không gian văn hóa tâm linh đặc sắc này.