Bố tát là gì?
Bố tát là dịch âm từ tiếng Sanskrit Posatha. Từ này là một dạng hỗn chủng của tiếng Sanskrit Phật giáo, mà tiếng Pàli đọc là Uposatha, và tiếng Sanskrit tiêu chuẩn gọi là Upavasatha.
Từ Posatha này có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Do ý nghĩa này, Hán dịch là trưởng tịnh, tức nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Vậy Bố tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành nhằm nuôi lớn các thiện pháp, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp.
Truyền thống lễ Bố tát đã có từ khi Phật còn tại thế. Chiếu theo lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Sa La, đức Phật chấp thuận cho chúng Tỳ kheo cùng sống trong một vùng phải tập họp lại một chỗ gọi là giới trường vào ngày trăng tròn và ngày đầu trăng để thuyết giới, tức đọc giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa. Lúc ban đầu, nội dung đọc tụng Ba La Đề Mộc Xoa được rút gọn trong bài kệ:
Không làm các điều ác, Thực hành các điều thiện. Giữa tâm ý trong sạch, Chư Phật dạy như vậy.
Tuy nhiên, Ba La Đề Mộc Xoa[1] được lưu truyền trong các bộ phái Phật Giáo thời ấy không chỉ bao gồm như vậy mà còn có những điều răn cấm, những quy tắc, những luật lệ để áp dụng cho đời sống cá nhân và tập thể và ngày nay Ba La Đề Mộc Xoa chính là giới bản ghi lại những giới luật do đức Phật Thích Ca chế định, làm quy tắc sinh hoạt và tu học cho Tăng chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Tuỳ theo bộ phái, số giới luật thay đổi từ 227 đến 250 giới đối với Tỳ kheo và từ 348 đến 500 giới đối với Tỳ kheo ni. Và lễ Bố Tát bây giờ là đọc lại toàn bộ Ba La Đề Mộc Xoa ấy. Tỳ kheo nào trong nửa tháng có vi phạm điều nào trong đó, phải sám hối và tùy theo tội nặng nhẹ đã được quy định mà sám hối cho đúng pháp.
Theo giới luật nhà Phật, trước khi tụng giới phải qua việc tự kiểm thảo mình trong nửa tháng qua có vi phạm giới không. Vị Chủ tọa lễ Bố tát hỏi Tăng chúng: “Trong nửa tháng qua, ai có phạm giới phải đứng ra tự bạch và sám hối với chúng?”. Hỏi như vậy ba lần, nếu cả chúng im lặng thì tuyên bố: “Tất cả giữ giới trong sạch”, rồi mới bắt đầu tụng giới.
Bố tát diễn ra khi nào?
Thời Bố tát diễn ra vào sáng sớm của ngày trăng tròn và ngày đầu trăng, trước lúc trời sáng. Khi Tăng chúng tụ hội phải theo thứ tự đúng pháp quy định mà chọn chỗ ngồi : người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau, không luận già, trẻ, người sang như quốc vương, đến kẻ hèn như tôi tớ v.v… tất cả đều theo giới lạp (số năm đã thọ giới) nhiều hay ít mà ngồi có thứ tự. Phật pháp chủ trương đặt giới là pháp đứng đầu trong tất cả. Vì vậy chỉ căn cứ vào giới lạp nhiều hay ít mới có thể phân biệt ai là Thượng Tọa, ai là Hạ Tọa, ai ngồi trước, ai ngồi sau.
Bất cứ trú xứ nào mà các Tỳ kheo không hòa hợp tụ hội định kỳ nửa tháng làm lễ Bố Tát để tụng đọc giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa, thì nơi ấy tăng đoàn được xem như là bị chia rẽ, chưa có sự hoà hợp. Và nếu trú xứ nào mà Tăng chúng định kỳ nửa tháng hoà hợp tụ hội để Bố tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy, xem như là Phật giáo hưng thịnh và được coi như có sự hiện diện của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Do đó, “Bố tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỳ kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng để phá hoại chánh pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất nghiêm trọng của Bố tát là như vậy nên nó không thể không có trong sự sinh hoạt của Tăng.” (TT. Thích Minh Chuyển, Luật Tạng).
Mục đích chính của việc hành sự Bố Tát định kỳ nửa tháng là duy trì sinh mệnh tồn tại của tăng đoàn theo tinh thần hoà hợp và thanh tịnh. Tuy nhiên, tinh thần Bố Tát cũng được Đức Bổn Sư mở rộng cho các đệ tử tại gia dưới hình thức thọ trì Bát Quan Trai trong thời hạn một ngày một đêm.
*Ghi chú:
[1] Ba-la-đề-mộc-xoa là chỉ cho giới luật. Giới luật là những điều răn cấm của Đức Phật, từ người cư sĩ đến người xuất gia phải sống thế nào cho đúng, nên gọi đó là giới. Giới là răn cấm. Tại sao đức Phật lại răn cấm những điều đó ? Chính là vì lòng từ bi đức Phật răn cấm cho chúng ta thoát khỏi khổ. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy : “Các thầy Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, các thầy phải trân kính tịnh giới Ba La Đề Mộc Xoa, như ở chỗ mù tối mà được ánh sáng; nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Ta ở đời thì cũng không khác gì vậy”.