Lịch sử hình thành giáo hội Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được hình thành như nào? Hãy cùng Vanhoatamlinh.com đi tìm hiểu về lịch sử hình thành GHPGVN qua bài viết này.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật tồn tại và phát triển theo truyền thống sơn môn. Các sơn môn sinh hoạt độc lập, ít có sự liên hệ và chịu sự chi phối của các sơn môn khác.

Khi thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta, cũng là lúc Pháp mang theo văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo phương Tây truyền bá vào Việt Nam, mặt khác ra sức kỳ thị, chèn ép Phật giáo với mưu đồ xoá dần tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá truyền thống của người dân Việt. Trong nước, Phật giáo không còn được sự ủng hộ như trước đây … Bản thân Phật giáo lúc này nặng về tín ngưỡng hơn tư duy. Từ bối cảnh đó, một số Tăng Ni, Cư sĩ có tâm huyết và tinh thần đạo pháp, dân tộc đã quyết tâm chỉnh đốn lại bằng cách mở trường Phật học, dịch kinh điển sang chữ quốc ngữ cho Tăng Ni, Phật tử dễ học, dễ hiểu, xây dựng các cơ sở xã hội, ra các tờ tạp chí với mục đích giúp đỡ nhau cùng học Phật và hoằng pháp, nêu cao tinh thần dân tộc. Chương trình học văn hoá cũng được đưa vào giáo dục cho Tăng Ni.

Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” ở cả 3 miền Trung – Nam – Bắc trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX đã thổi bùng lên truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với Dân tộc và Đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử, nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Cùng với các tổ chức cứu quốc khác, Phật giáo cứu quốc ra đời…

Phật giáo Việt Nam đã ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự phải cùng nhau đoàn kết, tập hợp nhau trong một tổ chức để chấn hưng đạo pháp, bảo vệ văn hoá truyền thống, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lý do để Phật giáo tiến hành các cuộc vận động thống nhất Phật giáo trong cả nước:Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất (năm 1951) với sự tham dự của 6 đoàn thể Phật giáo ở 3 miền; Cuộc vận động thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (năm 1957, 1958); Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam để thành lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Tuy nhiên, sự thống nhất của 3 cuộc vận động này chưa được trọn vẹn vì đây không phải là sự thống nhất của Phật giáo trên toàn quốc mà chỉ là sự thống nhất của một số tổ chức Phật giáo hay của một miền.

Lịch sử hình thành giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đầu năm 1980, thể theo nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử, các vị Giáo phẩm đại diện cho các tổ chức hệ phái lớn của Phật giáo họp tại thành phố Hồ Chí Minh và quyết định thành lập “Ban Vận động thống nhất Phật giáo” để xúc tiến cuộc vận động trong phạm vi cả nước, bao gồm đại diện của 9 tổ chức, hệ phái:

– Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc);

– Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (Ấn Quang);

– Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh;

– Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam;

– Giáo hội Tăng già nguyên thuỷ Việt Nam;

– Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Khmer);

– Giáo phái Khất sĩ Việt Nam;

– Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông;

– Hội Phật học Nam Việt.

Tháng 11/1981 Đại hội thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự tham dự của 168 vị Giáo phẩm, Tăng Ni, Cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái nói trên để thành lập nên một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (GHPGVN). Tại Lời nói đầu của Hiến chương, GHPGVN đã khẳng định: Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam đặt trên nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì”, và xác định “Phương châm hoạt động của GHPGVN là: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, “GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”. Hiến chương GHPGVN đã khẳng định: “Mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”.

Updated: 31/01/2023 — 9:56 sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *