“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trong các phong tục lễ nghi, thờ cúng, những đám hiếu, hỷ… không thể thiếu trầu cau.
Tóm tắt sự tích trầu cau
Chuyện kể lại, xưa kia có hai anh em ruột tên là Tân và Lang, có ngoại hình giống nhau như đúc, đến cả người trong nhà đôi lúc cũng khó nhận ra.
Cha của hai anh em là người cao to nhất làng, từng được vua Hùng triệu về Phong Châu trọng thưởng và đặt tên là Cao, từ đó, gia đình lấy họ là Cao. Khi hai anh em trưởng thành thì cha và mẹ lần lượt qua đời, cả hai anh em nương tựa nhau mà sống, yêu thương, đùm bọc nhau. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu, nhưng khi Tân theo học thì Lang cũng không chịu ở nhà một mình mà muốn đi học cùng anh. Nhà đạo sĩ họ Lưu có một cô con gái đến tuổi cập kê. Để tìm hiểu xem người nào là anh, người nào là em, nàng bèn nghĩ ra một mẹo. Giữa lúc họ đang đói, cô chỉ dọn lên một bát cháo cùng một đôi đũa. Đứng sau khe vách nhìn vào, cô thấy hai người cứ nhường qua nhường lại, cô lẩm bẩm “À, thì ra anh chàng vui tính kia là anh”. Từ đó, giữa Tân và cô gái có nhiều cuộc gặp gỡ, tình cảm ngày một bền chặt.
Thấy con gái có cảm tình với người anh cả, đạo sĩ họ Lưu liền vui vẻ tác hợp. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở với nhau tại một ngôi nhà mới, có cả Lang ở cùng với anh. Thế nhưng, từ khi người anh lấy vợ, tình thương yêu giữa hai anh em không còn được khăng khít như trước nữa. Chàng Lang rất buồn bã, nhưng người anh cũng vô tình không để ý.
Vào một ngày, hai anh em cùng nhau lên rẫy, đến khi trời xẩm tối mới về, người em vào nhà trước, vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì thấy chị dâu ở trong buồng chạy ra nhận nhầm là chồng mình. Người em liền kêu lên, cả hai vô cùng xấu hổ. Giữa lúc đó, người anh cũng bước vào nhà, thấy vậy bèn sinh nghi rằng em có tình ý với vợ mình, từ đó càng hững hờ với em hơn lúc trước.
Một chiều nọ, hai anh chị đều vắng nhà, Lang ngồi một mình nhìn ra khu rừng phía xa, thấy càng cô quạnh, buồn tủi, bèn đứng dậy ra đi.
Anh chàng đi, đi mãi cho đến khi thấy khu rừng ngay trước mặt, rồi lần theo đường mòn, đi thẳng vào rừng âm u. Tới một con suối, nước xanh biếc, sâu, chàng đành ngồi bên bờ và khóc nức. Tiếng suối cứ reo, át cả tiếng khóc của chàng. Đêm mỗi lúc một khuya, sương buông xuống ngày một nhiều, lạnh toát, thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ, rồi hóa thành một tảng đá.
Người anh cùng vợ về tới nhà thì chẳng thấy em đâu, bèn lẳng lặng đi tìm mà không bảo gì với vợ. Theo con đường mòn, anh ta đi mãi, đi mãi, cũng thấy một con suối xanh biếc, chảy cuồn cuộn và không thể đi qua được, anh bèn ngồi bên bờ suối, dựa mình vào tảng đá. Chàng có ngờ đâu, tảng đá đó chính là người em trai của mình. Sương vẫn buông xuống, chàng rầu rĩ khóc lóc, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây thẳng đứng, không cành, mọc cạnh tảng đá.
Ở nhà không biết chồng đã đi đâu, người vợ bèn đi tìm, cũng lần theo con đường mòn tiến vào khu rừng sâu thẳm. Đi mãi cuối cùng cũng gặp con suối nước sâu, nàng không đi được nữa, tựa vào gốc cây không cành, bên cạnh tảng đá. Nàng òa khóc. Người vợ cũng có ngờ đâu, gốc cây đó chính là chồng và tảng đá chính là em chồng mình. Vì lạnh quá, nàng cũng chết cứng và biến thành một cây leo quấn chặt bên cây thân cây.
Về sau, câu chuyện ấy đến tai nhiều người, ai ai cũng đều thương xót. Một hôm, vua Hùng đi qua chỗ đó, nhân dân đem câu chuyện về ba người này kể lại cho vua nghe. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy một mùi cay cay xộc ra. Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước chuyển sang sắc đỏ. Nhân dân gọi cây mọc thẳng là cây cau, cây dây leo là cây trầu, lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn cùng trầu cau, môi đỏ, miệng thơm.
Ý nghĩa sự tích trầu cau
Câu chuyện mang đậm màu sắc giáo lý, ngợi ca về tình anh em ruột thịt bền vững, tình vợ chồng thắm thiết, keo sơn, thủy chung, bền chặt. Ngoài ra, “sự tích trầu cau” có một ý nghĩa không kém phần quan trọng: bằng sự hư cấu đậm chất trữ tình, truyện này đã thể hiện “nét đặc trưng văn hóa lành mạnh về tập tục ăn trầu của người dân Việt Nam qua hàng ngàn năm nay”.
Đúng vậy, tuy đã chết nhưng tình duyên giữa ba người vẫn thắm thiết keo sơn. Chính vì vậy, trong bất kỳ cuộc gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để khởi đầu cho mối lương duyên tốt đẹp. Và tục ăn trầu đã trở thành phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tuy cả ba nhân vật trong sự tích đã chết nhưng cái kết không khiến người đọc chán nản, bi quan, mà ngược lại kích thích tình yêu cuộc sống, thúc đẩy niềm tin vào sự gắn bó hòa hợp giữa con người với nhau.