Đạo Bà la môn giáo ra đời khi nào?
Bà la môn giáo (Brahmanism) ra đời thời kỳ hậu Veda (khoảng thế kỷ X Tr.CN) trong xã hội Ấn Độ cổ đại, đã nhanh chóng trở thành tôn giáo chính thống của xã hội Ấn Độ.
Trong quá trình phát triển của mình, Bà la môn giáo có những cải cách trên cơ sở tiếp thu yếu tố tín ngưỡng dân gian, Phật giáo, đạo Jaina để trở thành tân Bà la môn giáo vào thế kỷ thứ IV SCN (gọi là Ấn Độ giáo, đạo Hindu). Hiện nay, Bà la môn giáo có khoảng 900 triệu tín đồ, chủ yếu ở Ấn Độ và một số nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ.
Bà la môn giáo tôn thờ Brahma (Phạm Thiên), cho rằng Brahma sáng tạo nên thế giới và là chúa tể các thần, là nguồn gốc của vũ trụ, có quyền năng vô biên và hiện ở ba ngôi như thể thống nhất của một bộ ba vị thần tượng trưng cho ba giai đoạn của sự sống: Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn) và Shiva (thần phá hủy). Bà la môn giáo lấy kinh Veda làm nền tảng, chia ra làm bốn loại là: Rigveda (nghĩa đen là “tri thức”), Samaveda, Jadzhuveda và Atharvaveda để phù hợp với việc phân chia các chức năng tư tế của các tu sĩ Bà la môn.
Giáo sĩ Bà la môn là những người có địa vị được tôn trọng nhất trong xã hội, họ cần tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản là: có nguồn gốc đích thực là giáo sĩ Bà la môn không có một sự pha trộn nào với đẳng cấp khác, có phẩm hạnh và nổi bật về sự uyên bác, giúp đỡ tín đồ tiến hành nghi lễ tôn giáo và giao tiếp với các thần linh.
Theo các nhà nghiên cứu, Bà la môn giáo du nhập vào Chăm pa rất sớm, với các dấu vết được tìm thấy trên các bia ký bằng chữ Phạn ở Quảng Nam và Phú Yên. Lịch sử cho thấy, từ thế kỷ II đến thể kỷ IX SCN, đạo Bà la môn luôn luôn được các triều đại của Chăm pa coi trọng, sùng bái. Nhưng tôn giáo này chỉ đến được với tầng lớp vua chúa, quý tộc và tăng lữ Bà la môn, còn dân chúng ở các tầng lớp dưới vẫn giữ được truyền thống bản địa. Bà la môn giáo đã không trở thành một tôn giáo phổ quát trong xã hội Chăm. Khi tầng lớp vua chúa, quý tộc Chăm không còn nữa, Bà la môn giáo dần dần mất hẳn vị thế trong xã hội Chăm. Người Chăm đã sàng lọc, lược bỏ đi những gì không phù hợp với đời sống dân chúng của giáo lý Bà la môn và thay vào những yếu tố bản địa hình thành nên một tôn giáo riêng của dân tộc mình – Bà la môn giáo của người Chăm. Người Chăm theo Bà la môn giáo được gọi là Chăm Bà la môn hoặc Chăm Ahier, Chăm Rặt (Chăm Jat).
Đặc điểm của Bà la môn giáo ở Việt Nam
Người Chăm Bà la môn sinh sống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Giáo lý, giáo luật của Bà la môn giáo trong người Chăm không có hệ thống rõ ràng, không còn giữ được nguyên vẹn những quy định của đạo Bà la môn nguyên thuỷ mà được bản địa hóa và hoà quyện vào phong tục, tập quán của người Chăm. Bộ kinh Veda được các tăng lữ tu sĩ (Passeh) Chăm Bà la môn từ xa xưa phiên dịch ra tiếng Chăm, ghi lại bằng chữ Chăm trong các thư tịch cổ của người Chăm, được truyền lại từ đời này qua đời khác và được thay đổi trong quá trình vận dụng vào cho phù hợp với thực tiễn tín ngưỡng, tôn giáo và đời sống xã hội Chăm qua các thời kỳ.
Các nghi lễ từ cưới hỏi, tang ma cũng như các nghi thức cúng bái đều mang tính bản địa của xã hội Chăm từ xa xưa. Bà la môn giáo là một tôn giáo đề cao phụ quyền, khi du nhập vào xã hội mẫu hệ của người Chăm đã được “Chăm hóa” với nhiều biến đổi, biểu hiện ở một số điểm chính sau:
– Quan niệm về Đấng tạo hoá, Bà la môn giáo coi Brahma là vị thần sáng tạo tối cao, toàn trí toàn năng, là nguyên lý cấu tạo và chi phối vũ trụ. Trong khi đó, người Chăm Bà la môn lại cho rằng Đấng tạo hoá là “Mẹ xứ sở” Pô Inư Nưgar.
– Về tang ma, giáo lý Bà la môn giáo quy định: “Sau khi thiêu, những mảnh xương chưa cháy hết và tro được thu gom rồi thả xuống sông Hằng”. Người Chăm Bà la môn cũng thiêu người chết nhưng chỉ giữ lại 9 mảnh xương trán rồi làm lễ nhập kút dòng họ mẹ như một biểu tượng cho những người đã khuất.
– Nghi lễ cưới hỏi của người Chăm Bà la môn không theo chế độ phụ quyền như quy định của Bà la môn giáo chính thống mà hoàn toàn chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ Chăm.
Tuy nhiên, những nét cơ bản trong giáo lý, giáo luật Bà la môn vẫn được lưu giữ trong cộng đồng Chăm Bà la môn dưới dạng những quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo, những quy định cụ thể liên quan đến đời sống người Chăm Bà la môn và những điều cấm kỵ trong đạo đức, lối sống. Bà la môn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hoá Chăm, làm cho văn hoá Chăm rất phong phú, đa dạng, thể hiện rõ ở các công trình kiến trúc, điêu khắc, chữ viết và trong việc thờ cúng thần linh của người Chăm.
Người Chăm Bà la môn có các lễ trọng, tính theo Chăm lịch (thường sớm hơn 3 tháng so với Dương lịch) như: Lễ Yuon Yang diễn ra vào tháng 4; Lễ hội Katê vào tháng 7, Lễ Cabur vào tháng 9, Lễ mở cửa tháp vào tháng 11.
Tình hình hoạt động của Bà la môn giáo ở Việt Nam hiện nay
Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến năm 2021, ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có số lượng người Chăm theo đạo Bà la môn là trên 68.000 người (ở Ninh Thuận có trên 48.000 người, ở Bình Thuận có gần 20.000 người).
Sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Chăm Bà la môn thường được chia ra thành các khu vực cụ thể, rõ ràng, dưới sự hướng dẫn của các vị chức sắc. Tín đồ ở vùng tháp nào thì cúng tế ở vùng tháp đó, ngoài ra còn được tổ chức tại gia đình tín đồ. Niềm tin tôn giáo của tín đồ khá sâu sắc, việc thực hiện các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo của họ diễn ra nghiêm túc, thành kính và mang tính cộng đồng cao.
Tu sĩ (Passeh) là những người giữ vị trí cao trong xã hội Chăm Bà la môn, được coi là những người trí thức, họ biết chữ Chăm, lưu giữ các sách Chăm cổ quy định về các nghi thức hành lễ, hiểu biết tập tục, truyền bá và thực hiện các nghi thức tôn giáo. Về mặt xã hội, họ thường thuộc tầng lớp quý tộc cũ, được duy trì trong xã hội Chăm theo “cha truyền con nối”. Bên cạnh các chức sắc Bà la môn còn có các thầy cúng dân gian như thầy bóng, thầy vỗ trống paranưng, thầy kéo đàn Kanhi, bà bóng,…
Tính đến năm 2021, có khoảng 350 chức sắc, chức việc Bà la môn giáo (ở Ninh Thuận có khoảng 180 vị, ở Bình Thuận khoảng 170), các chức sắc, chức việc đều là những người cao niên, có uy tín cao trong cộng đồng nhưng thường chỉ thông hiểu chữ Chăm, có vị không biết tiếng Việt. Do vậy, khả năng quản lý, điều hành hoạt động hành chính đạo của đội ngũ chức sắc, chức việc Chăm Bà la môn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ chức sắc Chăm Bà la môn là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của tôn giáo, là người định hướng hoạt động tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, đội ngũ này còn bộc lộ nhiều hạn chế về khả năng chỉ đạo điều hành, một số còn bảo thủ, lạc hậu trong việc duy trì các hoạt động tôn giáo không còn phù hợp với đời sống hiện đại.
Cơ sở thờ tự chủ yếu của người Chăm Bà la môn là hệ thống các đền, tháp và các cơ sở nhỏ lẻ khác như miếu, lăng, dinh, nhà tự, chùa,… Hiện nay, ở cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 46 cơ sở thờ tự của người Chăm Bà la môn.
Trong hệ thống cơ sở thờ tự của Chăm Bà la môn hiện nay đang được sử dụng thì các đền, tháp có vị trí đặc biệt quan trọng, đây là nơi thờ cúng các vị thần linh và những vị vua trị vì vương quốc Chăm-pa cổ mà người Chăm Bà la môn tôn sùng, hằng năm vào tháng 11 Chăm lịch, người Chăm Bà la môn tổ chức lễ mở cửa đền, tháp. Đây là nghi lễ mở đầu cho các hàng loạt các nghi lễ cúng tế diễn ra quanh năm ở các đền, tháp Chăm Bà la môn. Đa số các đền, tháp có niên đại từ xa xưa và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Ngày 18/6/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo đối với cộng đồng Chăm Bà la môn với tên gọi là Hội đồng Chức sắc Chăm Bà la môn tỉnh Ninh Thuận, trụ sở làm việc tại thôn Phước Đồng 2, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Dưới Hội đồng Chức sắc có 03 Ban Phong tục phụ trách 03 khu vực đền tháp và 24 Ban Phong tục thôn, khu phố.
Ngày 19/12/2012, Ủy ban tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo với tên gọi Hội đồng Chức sắc Bà la môn giáo tỉnh Bình Thuận Thuận. Dưới Hội đồng Chức sắc có Tổ chức sắc hay Ban Phong tục xã, địa hạt (nhiệm kỳ 03 năm). Ngoài ra, có Ban cai quản hoặc Ban quản lý do một Hội trưởng hoặc Trưởng ban đứng đầu có nhiệm vụ bảo quản nơi thờ tự và tổ chức các hoạt động tôn giáo tại các đền, tháp, dinh.
Nhiệm kỳ đại hội của Hội đồng Chức sắc Chăm Bà la môn ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là 05 năm. Hoạt động của hai Hội đồng này ổn định, thực hiện khá tốt vai trò lãnh đạo, điều hành các hoạt động tôn giáo của cộng đồng Chăm Bà la môn tỉnh, có những cải tiến trong việc xây dựng quy ước thực hành các lễ nghi, thống nhất ngày lễ cho các khu vực đền tháp; tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền các cấp và các tôn giáo bạn; động viên tín đồ hưởng ứng, tham gia các phong trào ở địa phương và hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cộng đồng Chăm Bà la môn giáo được Đảng, các cấp chính quyền quan tâm thường xuyên ở cả góc độ dân tộc và tôn giáo như: thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, tín đồ, nhất là nhân dịp các lễ trọng; kịp thời động viên, thăm hỏi khi chức sắc, chức việc được phong phẩm, thăm hỏi khi ốm đau, qua đời,…; kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động tôn giáo của đồng bào.
Tuy nhiên, chức sắc, chức việc, tín đồ Chăm Bà la môn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế, xã hội, tôn giáo, dân tộc,… Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho chức sắc, chức việc, tín đồ Bà la môn giáo thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn; hướng dẫn ban lãnh đạo các tổ chức tôn giáo điều hành công tác đạo sự hiệu quả, góp phần đưa hoạt động tôn giáo vào nền nếp, theo đúng quy định pháp luật và chấn chỉnh, ngăn ngừa các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật.