Đền Hạ còn có tên gọi khác là đền Tây Cung hay Đền Năm Dân. Đền thờ Tam vị Đức Thánh Tản.
Sự tích đền Hạ – Ba Vì
Theo các nhà nghiên cứu, đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng. Tương truyền, thuở nhỏ, ba anh em Sơn Tinh đi từ Động Lăng Xương sang núi ngọc Tản kiếm củi, nhiều hôm trời tối không về kịp, ba anh em phải đốn cây rừng dựng lều ngủ lại. Về sau nhân dân đã xây dựng một ngôi đền ngay tại nơi đó để tưởng nhớ các Ngài và gọi là đền Hạ.
Theo Ngọc phả “Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại Đền Và (Đông Cung) thì đầu thế kỷ XVIII đã có đền Hạ, hay còn gọi là cung Hạ thận. Theo sách “Sơn Tây tỉnh địa chí” của Phạm Xuân Độ thì đền Hạ gọi là Tây Cung thờ Tam vị Đức thượng đẳng thần (Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương)
Kiến trúc đền Hạ – Ba Vì
Kiến trúc của Đền Hạ gồm điện thờ chính (Tiền Bái, Hậu Cung), Tam quan, nhà thờ Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu, nhà sắp lễ.
Hiện nay tại đền còn lưu giữ một tấm bia “Tản Viên từ ký” dựng năm Tự Đức thứ nhất 1848 ghi chép về đền thờ Đức Thánh Tản.
Lễ hội đền Hạ – Ba Vì
Lễ hội tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được tổ chức vào Rằm tháng giêng hàng năm để tưởng nhớ ngày sinh của Đức Thánh Tản và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch.
Đây là một lễ hội lớn mang tính vùng miền thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế về tham quan, hành lễ cũng như nghiên cứu những giá trị văn hóa và tục thờ Tam vị Đức Thánh Tản ở vùng xứ đoài.
Tại lễ hội sau khi tổ chức lễ rước Thánh, các cụ cao niên trong làng tổ chức tế trang trọng để tưởng nhớ Đức Thánh Tản, phần hội diễn ra các trò chơi dân gian đặc thù của dân tộc mường, dao như ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy và các hoạt động thể dục thể thao mang tính quần chúng như bóng chuyền, bóng đá, kéo co …