Tục cải mộ của người Kinh ở Điện Biên

Theo quan niệm của người Kinh ở Điện Biên, bổn phận của các thành viên trong gia đình là cung dưỡng người thân khi già yếu và hoàn tất tang lễ khi quá vãng.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Những bổn phận này cần thực hiện đúng nghi thức để tỏ lòng tôn kính, báo đền công sinh thành dưỡng dục và thể hiện cảm thiêng liêng của người thân dành cho nhau. Hiện nay, tang lễ của người Kinh vẫn giữ gìn được một số phong tục, nghi thức đặc biệt cử hành trước và sau khi gia đình có người thân lìa trần, trong đó có tục cải mộ.

Thông thường các gia đình có người thân mất từ 3 năm trở đi sẽ tiến hành tục cải mộ hay dân gian gọi là “Sang cát” ý chỉ xây ngôi mộ mới cho người thân của mình. Tục cải mộ thường được tiến hành vào các tháng cuối năm âm lịch và gồm các thủ tục sau:

Soi mộ

Khi gia đình nào có ý định cải mộ cho người thân thường nhờ thầy bói soi xét giúp xem người chết đã “sạch” chưa? sạch ở đây có nghĩa là xương cốt đã sạch chưa? Người chết có đồng ý cho cải mộ năm nay hay không… Sỡ dĩ phải soi mộ bởi có những người dù đã chôn cất 3 năm trở đi nhưng do khi còn sống dùng nhiều thuốc hoặc chôn ở những địa thế đặc biệt thì người chết chưa phân hủy. Ngoài ra còn có trường hợp mộ không thể cải đó là mộ “kết”, theo dân gian nếu cải những ngôi mộ này gia đình sẽ làm ăn lụn bại, con cái sẽ gặp nhiều vận rủi.

Chọn địa điểm cải táng

Sau khi nhờ thầy soi mộ thuận lợi các gia đình sẽ lựa chọn địa điểm cải táng, địa điểm cải táng được lựa chọn một cách cẩn thận địa thế, hướng sao cho phù hợp với tuổi người chết. Cũng giống như nhà ở, người ta kị việc có mạch nước ngầm, có đường đi đâm thẳng vào mộ.

Tục cải mộ của người Kinh ở Điện Biên

Tuy nhiên, ở một số nghĩa trang do quá tải về số lượng mộ thì chỉ kiêng nhất là việc an táng đè lên mộ cũ hoặc mộ của người khác. Khi đã chọn được địa điểm cải táng, các gia đình sẽ tiến hành xây mộ kiên cố để chờ sẵn.

Chọn giờ và chọn ngày cải táng

Cải mộ cho người chết cũng giống như dựng một ngôi nhà mới cho người sống, đây là một việc cực kỳ quan trọng do đó được người thân trong gia đình chọn ngày và giờ cải táng một cách kỹ lưỡng, ngày và giờ đều phải chọn dựa trên tuổi của người chết và con trai trưởng (hoặc người đứng ra làm thủ tục cải mộ nếu không có con trai).

Sau khi hoàn tất các thủ tục, gia đình sẽ tiến hành cải mộ. Cải mộ sẽ gồm các quy trình sau: lễ cúng gia tiên, lễ cúng thần linh nghĩa trang, tắm rửa hài cốt, an táng tại phần mộ mới.

Lễ cúng gia tiên

Vào ngày đã chọn trước, gia đình chuẩn bị một mâm cỗ mặn và tiền vàng, hương hoa dâng lễ báo cáo tổ tiên và cầu xin lễ cải mộ được thuận lợi.

Lễ cúng thần linh sở tại nghĩa trang

Cũng giống lễ cúng gia tiên, gia đình người chết sẽ chuẩn bị một mâm lễ để dâng tại miếu thần linh sở tại nơi gia đình sẽ tiến hành cải mộ, ngoài mâm cỗ ngọt mặn phải có thêm quần áo quan, trầu cau… thủ tục này nhằm xin phép thần linh cho phép gia đình được cải mộ, công việc diễn ra được may mắn, thuận lợi.

Bốc cốt, an táng

Sau khi lễ cúng thần linh hoàn tất các gia đình sẽ tiến hành đào mộ và dựng bạt, khi lật ván thiên quan tài cũng là lúc gia đình sẽ chuẩn bị tâm thế gặp lại người thân. Những người thực hiện bốc cốt và tắm rửa cho người chết sẽ tiến hành đổ rượu có nồng độ cao để tẩy rửa âm khí, sau đó bốc từng bộ phận của người chết để tắm trong nước vang hay ngũ vị hương, trong trường hợp người chết chưa phân hủy hết có thể dùng thuốc dã hay xăng tẩm đốt rồi mới hành tắm rửa. Công việc bốc cốt phải thực hiên tỉ mỉ và do người có kinh nghiệm tránh việc bốc xót xương cốt của người chết. Sau khi tắm xong, người ta sẽ đặt cốt vào quách mới theo thứ tự từ đầu xuống chân, bên dưới cốt đặt lớp vải đỏ, bên trên cốt có quần áo, tiền vàng, người thân trong gia đình tùy điều kiện sẽ biếu người chết như tiền, quần áo thậm chí vàng sau đó mới đậy nắp quách tiểu.

Đến giờ tốt thì gia đình đem an táng tại khu huyệt mộ mới và làm lễ hàn long mạch, tạ mộ.

Có thể nói, tục cải mộ của người Kinh ở Điện Biên về cơ bản đều có những thủ tục, nghi lễ chính như những địa phương khác và mang trong đó ý nghĩa tốt đẹp như thể hiện sự hiếu thuận của con cháu đối với tổ tiên, dòng họ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của phong tục này cũng còn tồn tại những mặt hạn chế như ô nhiễm, âm khí không tốt cho sức khỏe, do đó nhiều gia đình đã không còn thực hiện tục cải mộ mà thay vào đó lựa chọn cho mình hoặc người thân các hình thức an táng khác như hỏa táng hoặc thổ táng vĩnh viễn.

Updated: 30/07/2022 — 10:32 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *